Nằm trong chuỗi hoạt động xã hội của mình, với tiêu chí đưa thể loại âm nhạc “bác học” đến gần với công chúng hơn, từ năm 1998, Công ty Toyota Việt Nam đã tổ chức các buổi hòa nhạc hằng năm, diễn ra tại nhiều TP lớn ở Việt Nam. Nếu chương trình “Đêm nhạc cổ điển Toyota 2014”, với dàn nhạc giao hưởng Covent Garden Soloists trình diễn các nhạc phẩm rất quen thuộc từ các bộ phim nổi tiếng như “Pirates of the Caribbean” (Cướp biển Caribê), “Mission Impossible” (Điệp vụ bất khả thi), các trích đoạn trong loạt phim của vua hề Charlie Chaplin... qua sự dẫn dắt duyên dáng, sinh động của pianist Panela Tan Nicholson làm cho khán giả “phát cuồng” thì lần này là những nhạc phẩm cổ điển thế giới và Việt Nam nổi tiếng với sự tham gia của nhạc trưởng người Nhật Honna Tetsuji, violist Bùi Công Duy, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn và quán quân Vietnam Idol 2014 Nhật Thủy.
Phần một của chương trình dành cho thể loại cổ điển nhưng những người làm chương trình đã rất biết chọn những tác phẩm có giai điệu đẹp, gần gũi như giao hưởng thơ “Người về đem tới ngày vui” (Trọng Bằng) lấy chủ đề từ ca khúc cùng tên, “Melodie from Souvenir d’un lieu cher, Op.42” của P.I. Tchaikovxki, “Introduction and Rondo Capricioso, op.28” của Saint Saëns, chương 4 giao hưởng số 3 “Eroica” của L.V. Beethoven. “Cây đinh” của phần này là violist Bùi Công Duy.
Những giai điệu ngọt ngào, trữ tình của Saint Saëns và Tchaikovsky qua tiếng đàn của anh đã thật sự “đốn tim” người nghe, cả khán phòng như nín thở để thưởng thức từng giọt âm thanh ngọt ngào mang đến từ anh. Bên cạnh đó, không thể không nhắc đến Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam, dưới sự dàn dựng của nhạc trưởng, giám đốc âm nhạc Honna Tetsuji, không hổ danh là dàn nhạc lâu đời nhất Việt Nam, từng được làm việc với nhiều nhạc trưởng danh tiếng và lưu diễn nhiều nơi trên thế giới như Nhật, Ý, Mỹ...
Trái với sự tĩnh lặng của phần 1, phần 2 của chương trình lại “nóng” lên cùng sự xuất hiện của ban nhạc jazz kết hợp với dàn nhạc giao hưởng khi nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn xuất hiện. Những ca khúc quen thuộc như “Hạ trắng”, “Gửi gió cho mây ngàn bay” đã được làm mới dưới kỹ thuật hòa âm phối khí của nhạc sĩ trẻ Lưu Quang Minh, khi thì trữ tình với tiếng violon réo rắt của Bùi Công Duy, khi thì trẻ trung, bay bổng với tiếng kèn saxophone của Trần Mạnh Tuấn và tiết tấu của nhạc jazz... Ca sĩ Nhật Thủy lần đầu thử sức với dàn nhạc giao hưởng cũng đã có những nỗ lực đáng kể trong 2 ca khúc “Màu hoa đỏ” và “Tiếng hát giữa rừng Pác Bó”.
Đêm nhạc kết thúc trong sự hưng phấn cũng như tiếc nuối của khán giả, cho thấy nhạc cổ điển nếu biết cách “dẫn dắt” sẽ không phải là món ăn tinh thần quá xa vời với công chúng.
Bình luận (0)