Phóng viên: - Từ những dấu ấn đậm nét trong lòng khán thính giả như “Con đường màu xanh”, “Dĩ vãng” lãng mạn đến những sáng tác mới, nhạc sĩ có ý định thay đổi định hướng âm nhạc của mình theo hướng trẻ trung hơn, hiện đại hơn?
Nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn: - Tôi nghĩ sáng tác của tôi hoàn toàn phụ thuộc vào tình cảm, cảm xúc, rất tự nhiên, trừ những lúc nhận được đơn đặt hàng nhạc phim chẳng hạn. Tôi không cần chứng minh cái gì, không bắt mình bị gò bó bởi cái gì hoặc chứng tỏ đẳng cấp làm gì. Âm nhạc là cảm xúc, và tôi nghĩ quan trọng nhất là chia sẻ được cảm xúc của mình tới khán thính giả.
- Xúc cảm trong âm nhạc Trịnh Nam Sơn có thật nhiều tình yêu, những mối tình lãng mạn, chia cắt, xót xa, những tình yêu đẹp đã đi qua rồi mà còn khiến con tim dở dang đau nhói. Đi qua quá nhiều thứ sóng gió cuộc đời, đến giờ này, chắc anh không dễ để nói về tình yêu?
- Vâng, tôi thấy để nói về Tình yêu, khái niệm đó rất rộng, rất bao la. Đến chừng này tuổi rồi, tôi cảm nhận mạnh mẽ nhất là tình yêu giữa con người với con người, con người với vạn vật, và vạn vật với nhau. Chẳng hạn như một sớm mai thức dậy thấy bên mình có người bạn gái đang chăm chút cho mình từng ly từng tí, đó quả thật là một tình yêu quá lớn. Có duyên có nợ mới ở bên nhau. Nhưng đôi khi cũng không mong cầu được sâu nặng đến mức đó, mà chỉ là một ánh nhìn, một mái tóc, một bàn tay đầy hơi ấm, thế đã là nhiều. Trong mỗi sáng tác đều ghi lại dấu ấn của một tình yêu sâu nặng nào đó nhưng cái sâu nặng ở đây chỉ là những ấn tượng đau đáu đọng lại trong trái tim mình thôi chứ không phải là tình yêu của người ta đối với mình.
“Trời mùa thu lá rơi chân bước trên đường khuya, nhìn hàng cây lá rơi chân thấy chơi vơi. Thời gian lạnh lẽo khi mất đi tình yêu… Xa nhau rồi tôi mới biết vẫn yêu người, tình vẫn ngập tràn không phôi phai… (Nhạc phẩm “Tình vào thu”) chẳng hạn. Câu chuyện có thật và cũng rất dễ xảy ra với nhiều người là một người bạn gái mà tôi rất thương khi bất chợt gặp lại, hồi cô ấy mới đến Mỹ để gặp người yêu, nhưng người yêu cô đã không còn yêu cô nữa mà đã có hạnh phúc mới. Đôi người đôi ngả, thế rồi một ngày hai người gặp lại nhau, họ nhìn nhau rưng rưng, dường như trong hai trái tim vẫn luôn tồn tại một sợi dây dù mong manh nhưng hễ chạm vào là rung lên da diết…
- Anh thấy mình vất vả nhất là khi nào? Và được hạnh phúc nhất là khi nào?
- Nếu là vất vả vật chất thì khi còn trẻ là vất vả nhất nhưng tôi lại không thấy đấy là vất vả vì đó là cuộc phiêu lưu rất thú vị, sau này, thì đối với tôi, âm nhạc lại là vất vả nhất nhưng chính nỗi vất vả đó lại là hạnh phúc, bởi vì được mang tới cho công chúng những tình cảm của mình.
- Cho dù rất trái ngang, chia cắt, xót xa, nhưng điểm chung của những bài tình ca mang dấu ấn Trịnh Nam Sơn đều là dư vị ngọt ngào của tình yêu?
- Đúng vậy, tôi quan niệm cái gì cũng có hai chiều. Ai cũng mong được yêu cho dù biết sẽ có thể đau đớn, thất bại. Trung tâm của cuộc sống này cũng chính là tình yêu, thế nên hãy cứ yêu đi, và hãy biết trân trọng những con người, những trái tim đã dành cho mình, những ánh mắt, những cử chỉ, thời khắc ở bên một ai đó. Và đối với cuộc sống cũng vậy, thứ nhất là đừng làm cuộc sống rắc rối lên thì nó sẽ đơn giản; nhưng mặt khác, nhìn thì có vẻ đơn giản mà thực chất chẳng có bất kỳ cuộc sống nào đơn giản. Ai cũng phải vật lộn với cái cá thể của chính mình và với các khách thể xung quanh. Tôi thích triết học, thích quan sát sự hiện hữu để suy ngẫm và chiêm nghiệm, để rồi cuối cùng đưa ra góc nhìn trong các sáng tác thật nhẹ nhàng nhưng vẫn giữ được cốt lõi của triết lý sống.
- Anh có thường xuyên “chui vào vỏ ốc” để trốn tránh khi những tiếng đời lao xao quá, hoặc là tự khám phá nội tại của mình, xem nó mạnh mẽ và bản lĩnh đến đâu để đi tiếp những chặng mới?
- Quả tình là có. Nói là “vỏ ốc” còn nhẹ, thực ra là tự nhốt mình vào “nhà tù”. Đời nhạc sĩ chẳng khác nhà tu hành. Mình không được vinh dự nhập thiền như các nhà tu hành nhưng mình cũng phải thường xuyên tự chui vào giữa bốn bức tường câm lặng để tự vấn, tự mổ xẻ, tự khám phá hết mọi mặt của bản thân, rồi sau đó khi bước trở ra với cuộc sống, sẽ có được một con đường. Cho nên đối với tôi, quan niệm sáng tạo là phải chuyển tải những chiêm nghiệm riêng của mình tới khán thính giả bằng con đường càng đơn giản càng tốt. Tạo ra một không khí để mình hài lòng, người nghe hài lòng, như thế không có nghĩa là mình bán rẻ âm thanh, âm nhạc…
Người ca sĩ - nhạc sĩ đa tài còn thể hiện khả năng chơi saxophone
-Cô bạn gái Giáng Tiên xuất hiện trong tác phẩm của anh với vai trò là người viết lời cho những ca khúc mới của anh? Trước kia, anh vẫn tự viết lời cho ca khúc của mình, tại sao lại có sự thay đổi lớn này?
- Tôi cho rằng sự đồng cảm trong âm nhạc là cảm xúc phù hợp với tâm trạng của người nghe. Để làm được điều đó, nếu có sự phối hợp được với người khác thì tức là khả năng đồng cảm của nhạc phẩm đến với công chúng sẽ cao hơn. Như nhạc sĩ Phạm Duy chẳng hạn, đa số là ông phổ nhạc chứ không tự viết lời.
Thêm nữa, Tôi có đọc một số bài thơ của Giáng Tiên và rất coi trọng khí thơ của người sáng tác, tôi thấy những lời thơ của Giáng Tiên phù hợp với nhạc phẩm của tôi và tôi muốn thử một không khí mới. Nếu không phù hợp thì ngay giữa hai người sẽ có sự đấu tranh. Có những bài Giáng Tiên viết lời rất mau, nhưng có những bài thì phải rất cẩn thận để cảm thụ, vật vã đến mấy tháng chưa hoàn thành.
- Hai người đã làm được hơn 20 ca khúc chung, và cũng đã ở bên nhau hơn 10 năm rồi. Liệu cặp đôi đẹp sẽ đi chung đường đến chừng nào?
- Giai đoạn này, cuộc sống cá nhân của tôi đang khá thoải mái, tôi thấy vui, như mọi người nhận xét, trông tôi đã bớt khắc khổ hơn xưa. Có lẽ là người đàn ông trong tôi trưởng thành hơi muộn nhưng cái gì cũng có duyên số, có cơ duyên, ít ra thì có còn hơn không. Không ai đoán trước được tương lai, chỉ có thể ước lượng dựa trên xác suất qua những kinh nghiệm đã đi qua. Chuyện tình cảm lại càng khó nói, nên không có sự hứa hẹn nào, cam kết nào, chỉ có ánh mắt thôi là đủ…
Nhạc sĩ Trịnh Nam Sơn sẽ xuất hiện trong chương trình live show “Quên đi tình yêu cũ” tại Nhà hát Hoà Bình tối 10-1, với các ca khúc để lại dấu ấn trong lòng khán thính giả như: Quên đi tình yêu cũ, Dĩ vãng, Đợi bước anh về, Con đường màu xanh, Về đây em, Tình vào thu…
Bình luận (0)