Hồi ký Thi Đàng Kỳ Duyên.

- Trong ngôi nhà ấm cúng giữa khu vườn xanh mướt ở quận 9 - TPHCM, nhạc sĩ Châu Kỳ khoe với tôi, ông chuẩn bị ấn hành quyển hồi ký mang tên Thi Đàng Kỳ Duyên, ghép tên ông và tên vợ - bà Kha Thị Đàng - để nói lên một quãng đời gắn bó với sự nghiệp ca hát. Ông cười, nụ cười dung dị: “Tôi có đưa vào quyển hồi ký nhiều ca khúc mới. Tôi không viết theo đơn đặt hàng, chỉ khi cảm xúc đến tôi mới viết”. Tiếp lời ông, bà Đàng nói: “Mỗi ca khúc của anh Kỳ đều gắn với một kỷ niệm, trong đó có nhiều cuộc tình thời còn trai trẻ”. Như hiểu ý tôi muốn hỏi về chuyện ghen tương, bà cười: “Tôi không ghen đâu. Vì như thế anh Kỳ mới có cảm xúc để sáng tác. Hơn nữa tất cả những tình yêu đó đều rất đẹp và tìm được sự đồng cảm của công chúng. Anh Kỳ vẫn là của tôi, vẫn là cha của các con tôi, ông của hai cháu ngoại dễ thương của tôi. Thì có gì mà ghen”.

Bà lần giở cho tôi xem quyển hồi ký, ở đó có một quãng đời tuổi thơ vất vả của nhạc sĩ Châu Kỳ (tên thật Châu Huy Kỳ, sinh ngày 24-11-1923 tại Thanh Hà – Huế). Nhà nghèo lại có đông anh em, từ nhỏ ông đã yêu thích văn thơ. Cha mẹ cho ông ra Huế học Trường Quốc học. Nhưng vì gia cảnh túng thiếu ông nghỉ học nửa chừng, đi theo gánh hát của gia đình. Cha ông là nhạc sĩ Châu Huy Hà, người đã dựa vào những làn điệu dân ca miền Trung và cổ nhạc Huế để sáng tác các bài: Lý qua đèo, Nhạc khúc Nam Bình... Khi Châu Kỳ hơn 20 tuổi, tham gia diễn vở Phạm Công – Cúc Hoa, ông đã gặp một nhạc sĩ học từ Pháp về, đó là ông Thiều, chính người này đã dạy Châu Kỳ thanh nhạc, nhạc lý cơ bản và tập tành sáng tác. Sau ba năm học, ông đã viết ca khúc đầu tay mang tên Trở về. Nội dung bài hát kể về nỗi đau mất mát sau cơn bão của người dân miền Trung, cụ thể là cơn bão năm 1948 khi ông từ Hà Nội về thăm quê, đã bàng hoàng trước cảnh ngôi nhà của gia đình đổ nát. Sau đó ông được mời ra Hà Nội hát chính cho gánh hát Ái Liên (mẹ của ca sĩ Ái Vân). Sau này ông thành lập ban Thần kinh nhạc đoàn, quy tụ các tài danh: Trần Văn Trạch, Mộc Lan, Minh Phát, Minh Diệu, Thu Hồ... rồi ông lập ban Tiếng Thùy Dương, chuyên tổ chức biểu diễn, xuất bản âm nhạc và đào tạo ca sĩ. Nghệ sĩ Hữu Phước đã dắt Hương Lan đến gửi gắm cho nhạc sĩ Châu Kỳ, để ông dạy dỗ cô từ một diễn viên cải lương thành ca sĩ như ngày nay. Những sáng tác của ông mang nét trữ tình, mộc mạc, dễ đi vào lòng người. Ai một lần nghe cũng dễ dàng đồng cảm với: Trở về, Đừng nói xa nhau, Con đường xưa em đi, Sao chưa thấy hồi âm, Thương về miền Trung, Khúc ly ca, Từ giã kinh thành, Cố đô yêu dấu...
Huyền thoại một ca khúc. - Bà Kha Thị Đàng cho biết: Chuyến sang Mỹ năm ngoái thực hiện VCD ca nhạc có giới thiệu những ca khúc của ông nhà tôi, ông đã kể về huyền thoại người con gái trong bài Giọt lệ đài trang sáng tác năm 1957. Đó là cô Công Tằng Tôn Nữ Kim Anh – con của một ông quan ở Huế, ngày trước khinh miệt ông là xướng ca vô loài, không để ý tới dù ông rất yêu cô. Chiến tranh loạn lạc, người chồng Pháp của cô bỏ về nước, cô vào Sài Gòn gặp ông tại đường Nguyễn Trãi với bộ dạng đói khát. Ông còn 200 đồng trong túi đã lấy đưa cho cô và về nhà sáng tác ca khúc Giọt lệ đài trang. Thế nhưng có một huyền thoại nữa cũng gắn với sáng tác này, đó là một cô gái con nhà danh giá tại Nha Trang đã yêu ông. Cô tên Đặng Thị Sum, sau một đêm xem ông hát đã đem lòng yêu ông, nhưng ông không hay biết. Đêm đó cô định khăn gói trốn nhà theo ông, nhưng bị cha mẹ cấm cản và nhốt trong nhà kho. Cô buồn gia đình đã lấy giấm thanh pha với á phiện uống tự tử. Mười năm sau, khi chúng tôi có dịp trở ra Nha Trang, người cha của cô Sum đã dẫn chúng tôi viếng mộ cô. Trong ca khúc Giọt lệ đài trang có câu: “Em nhớ xưa rồi em khóc, tôi thoáng buồn thương giọt lệ đài trang”. Một ca khúc có đến hai cuộc tình, một người đã ra đi và một người sống nghèo khổ. Đối với nhà tôi tất cả đều là những kỷ niệm đau thương, khi viết thành ca khúc đó là nỗi niềm chung của những ai đang yêu hãy biết quý trọng tình yêu.

Nhạc sĩ Châu Kỳ có 4 người con, người con gái lớn Châu Huyền Khanh (sinh năm 1956) đã từng lên sân khấu ca bài Em bé đánh giày với ca sĩ Hương Lan năm lên 10 tuổi. Hiện nay hai cháu ngoại của nhạc sĩ là Châu Hoàng Nhung và Nguyễn Châu Kha cũng theo nghề ca sĩ. Nhạc sĩ Châu Kỳ ao ước: “Tôi mong mình vẫn giữ được trái tim yêu để sáng tác, dù tôi sắp bước qua tuổi 84”.

Thanh Hiệp