Khi nghe một ca khúc trên băng đĩa nhạc hay trên sân khấu, ít ai biết rằng người tạo hình cho ca khúc ấy chính là các nhạc sĩ hòa âm. Họ có thể làm cho một ca khúc đến với người nghe hay hơn và ngược lại.
Một công việc đòi hỏi sức sáng tạo
Hòa âm (hiện nay gọi là hòa âm phối khí) là việc sắp đặt, sắp xếp bố cục của dàn nhạc cho phù hợp với giai điệu, lời ca của một ca khúc. Người viết hòa âm là người sắp xếp, sử dụng các loại nhạc cụ sao cho thật phù hợp với một giọng hát, từ đó tôn vinh nét đẹp của tác phẩm âm nhạc. Để làm được điều này, nhạc sĩ Bảo Phúc, với kinh nghiệm hòa âm cả ngàn ca khúc, đã sử dụng bút pháp vẽ thủy mặc (tức chấm phá chỗ dày, chỗ mỏng nhằm làm nổi bật độ tương phản phù hợp giữa ca khúc với đoạn nhạc nền, nhạc đệm) để hòa âm cho các ca khúc. Phác thảo ý tưởng trên giấy là thói quen của nhạc sĩ Bảo Phúc khi hòa âm cho một ca khúc. Giải thích điều này, anh nói: “Điều tối kỵ là các ca khúc giống nhau, dù đó chỉ là đoạn nhạc dạo nên việc phác thảo trên giấy trước khi đặt bút vào ca khúc là việc cần thiết để tránh sự trùng lặp giữa các bài”.
Ngoài việc nắm được tính năng của từng loại nhạc cụ để viết tổng phổ cho cả dàn nhạc, người viết hòa âm còn phải tìm hiểu xem bài hát được kết cấu theo kiểu nào, từ đó xác định loại nhạc cụ và phong cách cho bài hát. Làm được điều này thì những điểm mạnh của giai điệu, ca từ sẽ được phần hòa âm tôn vinh lên nhiều lần. Chẳng hạn, với các ca khúc dân ca, nếu không thêm những âm thanh róc rách của nước chảy hay tiếng vi vu của gió thì bài hát sẽ thiếu sinh khí và khô cứng. Nhưng một ca khúc não tình lại đưa vào những tiếng trống hay kèn saxo rộn ràng thì trở nên phản cảm.
Xuất thần từ những nhạc công giỏi
Theo nhạc sĩ Vũ Thành, hòa âm là công việc rất quan trọng vì nó làm nên màu sắc của ca khúc, giúp cho giai điệu thêm rõ nét và phong phú. Nếu một người không đủ trình độ thì không tạo được sự ăn khớp giữa hình tượng và giai điệu bài hát.
Thế nhưng do nhu cầu của dòng nhạc thị trường khá lớn, trong khi rất nhiều nhạc sĩ sáng tác ca khúc hoặc không đủ sức hoặc không có thời gian viết hòa âm cho ca khúc của mình nên đã giao phó công việc này cho các nhạc sĩ viết hòa âm. Cũng từ đó hình thành nên một đội ngũ nhạc sĩ viết hòa âm, mà phần đông họ xuất thân từ những nhạc công giỏi.
Do tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong quá trình chơi nhạc, nhiều nhạc công cho rằng chỉ cần nắm bắt được tinh thần của ca khúc thì việc viết phần nhạc đệm phù hợp với giai điệu bài hát là không quá khó. Thực tế, viết hòa âm là việc viết tổng phổ phối khí cho cả một dàn nhạc nên chỉ những nhạc công nào nắm được tính năng của cả dàn nhạc mới có thể hòa âm, phối khí cho ca khúc một cách hoàn hảo. Hiện nay, số lượng nhạc công đáp ứng được những điều kiện này còn ít, chưa đầy 10 người. Lê Quang, Quang Đạt, Hoài Sa, Minh Khang... là những nhạc sĩ hòa âm được giới chuyên môn đánh giá cao.
Một nghề chỉ có ở VN?
Nhưng không phải lúc nào nhạc sĩ hòa âm cũng có quyền được quyết định “màu sắc” cho ca khúc. Nhiều nhạc sĩ sáng tác quá chú trọng vào giai điệu mà quên tính đến phần hòa âm cho ca khúc nên nhạc sĩ hòa âm bị rơi vào thế hòa âm một cách gượng ép. Ngoài ra, nhạc sĩ còn gặp những khó khăn khác như ca sĩ đề nghị người hòa âm đưa những sáng tạo riêng của họ vào trong ca khúc hoặc họ phải hòa âm theo đơn đặt hàng của ca sĩ mà ngay chính họ cũng thấy sự bất hợp lý. Nhạc sĩ Quang Đạt, người có nhiều năm trong nghề hòa âm, cho biết: “Nhiều khi cũng khó chịu vì sự gượng gạo giữa giai điệu, ca từ với phần hòa âm nhưng biết làm sao được, khách hàng đặt thế nào thì mình làm vậy thôi”.
Theo giáo sư - nhạc sĩ Ca Lê Thuần, viết hòa âm là công việc của nhạc sĩ sáng tác. Ở nước ngoài, nhạc sĩ thường tự viết hòa âm cho ca khúc của mình vì như vậy hình tượng tác phẩm mới hoàn chỉnh, chuyển tải trọn vẹn tâm tư tình cảm của người viết. Theo ông, chỉ có ở VN mới có nghề nhạc sĩ viết hòa âm.
Dù chỉ là đoạn nhạc dạo, một khúc nhạc nền thêm vào trong ca khúc nhưng đây lại là công việc vô cùng quan trọng. Để hoàn thành phần hòa âm cho một ca khúc, nhạc sĩ hòa âm mất khá nhiều thời gian cho công việc này. Cực nhọc là thế nhưng thù lao không cao. Chỉ những người có tiếng trong giới hòa âm như Đức Trí, Bảo Phúc, Quốc Dũng, Quang Phúc, Quốc Bảo... mới được thù lao ở mức cao nhất là 800.000 đồng/ca khúc.
Bình luận (0)