Nhớ đến mức đôi khi nhắc đến cái tên Hồng Đăng người ta sẽ nói ngay: “À cái ông Hoa sữa đấy hả”. Cùng với giọng hát của rất nhiều thế hệ ca sĩ như Lê Dung, Thanh Hoa, Thanh Lam, Mỹ Linh... Hoa sữa đã trở thành một phần không thể thiếu mỗi khi người đi xa nhớ về Hà Nội. Trong nỗi nhớ da diết về một miền đất thân thuộc ấy, có cả một góc dành riêng cho kỷ niệm. Kỷ niệm ngày xưa vẫn còn đâu đó/ Những bạn bè chung, những con đường nhỏ/ Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm/ Có lẽ nào anh lại quên em... Hồng Đăng bảo ông viết bài Hoa sữa trong một khoảng thời gian rất ngắn theo đơn đặt hàng cho một bộ phim về Hà Nội, khi cảm xúc như một tia chớp vụt lóe lên, và khi ông còn chưa biết mặt hoa sữa là như thế nào. Hiếm người biết được rằng sau khi bài hát ra đời đến cả chục năm, một hôm đi qua đường Nguyễn Du, con đường có nhiều hoa sữa nhất ở Hà Nội, ông nhạc sĩ mới được một người bạn chỉ cho xem “cái loại hoa mà ông đã viết một bài hát rất hay ca ngợi nó kia kìa”.
Lúc ấy Hồng Đăng mới chính thức thừa nhận mình được “xóa mù” về hoa sữa! Trong hành trang những người lính đã từng ra mặt trận, có lẽ rất nhiều người mang theo bài hát Kỷ niệm thành phố tuổi thơ bên mình. Bởi bài hát nhỏ xinh và ngọt ngào như một chiếc kẹo mút của tuổi lên 5: Trưa nay qua đường phố quen/ Chợt nghe tiếng veđầu tiên/ Giọng chim im lìm trưa vắng/ Điệp khúc tiếng ve triền miên... nên lớn lên rồi mà ai cũng còn nhớ mãi. Hồng Đăng bảo trong rất nhiều những thứ mà cuộc sống, thiên nhiên ban tặng cho con người, người nghệ sĩ như ông phải biết chọn lấy một vài thứ nào đó để mà lưu giữ lại. Hương hoa sữa mùa thu và tiếng ve mùa hạ, và hai “bảo vật”, của cuộc sống mà Hồng Đăng đã chọn để cất vào “bảo tàng” âm nhạc của mình. Để mỗi khi có người vô tình lạc bước vào thăm bảo tàng ấy, sẽ thấy lòng vương vấn không thể nào quên.
Bình luận (0)