xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý và những khúc dư âm đồng vọng

TRẦN HOÀNG NHÂN

Ở tuổi 82, dư âm đọng lại trên thể xác bất kỳ con người nào vẫn là những úa nhàu thời gian và bệnh tật. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng không tránh khỏi sự cay nghiệt của hóa công. Ông đã hai lần bị liệt nửa người phải ngồi xe lăn nhưng sự yêu đời đã tạo nên sức sống giúp ông ngồi dậy và tiếp tục sáng tạo

Đến lúc nào thì tác giả Dư âm sẽ ngừng sáng tạo? Câu hỏi này được nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý trả lời bằng một bản trường ca Mười bông hoa trinh liệt giữa ngã ba Đồng Lộc vừa hoàn thành còn nóng bỏng giai điệu dân ca Nghệ Tĩnh...

Dọc miền dân ca

Suốt dặm dài đất nước, âm nhạc Nguyễn Văn Tý đã đi qua và đều lưu lại dấu ấn dựa trên nền tảng dân ca khiến người địa phương mông lung không rõ người nhạc sĩ tài hoa ấy sinh ra trên mảnh đất nào. Những nhạc phẩm như Mẹ yêu con, Bài ca năm tấn, Cô nuôi dạy trẻ... toát lên hồn vía dân ca Bắc Bộ. Nhưng chuyển sang Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ... tạm bỏ qua địa danh cũng đã nghe dập dìu âm hưởng dân ca của cư dân vùng núi Hồng sông Lam. Tiếp nữa, âm nhạc Nguyễn Văn Tý “Nam tiến” bằng một Dáng đứng Bến Tre vừa trữ tình vừa hào hùng như những dòng sông miền châu thổ chảy dịu êm mà hoành tráng trong tâm hồn bao thế hệ lớn lên trên sóng nước và phù sa.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sinh năm 1924 tại Vinh – Nghệ An, quê ở Vĩnh Phúc, ông từng tham gia hai cuộc kháng chiến chống thực dân và đế quốc. Khoảng năm 1949 – 1950, ông làm trưởng đoàn văn công Sư đoàn 304 hoạt động ở vùng Thanh – Nghệ – Tĩnh cùng nhiều văn nghệ sĩ danh tiếng lúc bấy giờ. Thế nên, dòng chảy dân ca của miền đất này đã ngấm vào hồn ông lúc nào không hay làm nên những giai điệu mà người bản xứ nghe cũng phải thán phục. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cho rằng: “Dân ca là tiếng nói của người dân mặc dù tiếng nói ấy thuộc về quá khứ. Nên nếu nhạc sĩ dựa vào dân ca thì phải lọc được cái tinh túy nhất chứ không nên bê nguyên bản. Nói được tiếng nói của người dân bằng giọng điệu của mình mà họ không thấy xa lạ rất khó. Muốn vậy, nhạc sĩ phải sống như người dân trên mảnh đất dân ca ấy”. Mãi đến năm 1981, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mới làm xong Dáng đứng Bến Tre bởi vì dân ca Nam Bộ trước đó ông chỉ được nghe chứ chưa được sống cùng. “Tôi phải mất hơn 5 năm trời để học làm người Nam Bộ. Thời còn kháng chiến chống Mỹ, đã nhiều lần tôi xin đi B (vào Nam) nhưng không được chấp thuận, sau giải phóng tôi nhất quyết vào Nam để tìm ra Dáng đứng Bến Tre như bây giờ”- nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý hồi tưởng.

Dư âm một thời

Trường ca Mười bông hoa trinh liệt giữa ngã ba Đồng Lộc là bản anh hùng ca được nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý phổ từ thơ của tác giả Bùi Mạnh Hảo dành tặng mười o TNXP đã hy sinh ở ngã ba huyền thoại này. Nhạc sĩ cho biết ông đã từng vào thắp hương trên mộ các o khi các o vừa ngã xuống. “Tôi đã chọn loại hương thơm nhất thành kính viếng linh hồn các trinh nữ đã hy sinh vì dân tộc. Đã nhiều lần trở về ngã ba Đồng Lộc nhìn vào di ảnh các o trên bia mộ, tôi cảm tưởng rằng các o vẫn còn sống và nhìn tôi. Ấp ủ viết về các o đã lâu, tôi chợt gặp thơ của Bùi Mạnh Hảo...”- lão nhạc sĩ chợt rưng rưng những “giọt lệ như sương” tuổi bát tuần hát nghẹn ngào khe khẽ: “...Các o nằm lại đây bên những hàng thông xanh, cánh hoa dẻ hoa chạc chìu vẫn nở... gió vẫy gọi lòng ta dào dạt quá! nhóm mây kia ửng đó một khung trời...”. Một khung trời vẫn ửng đó như dư âm vĩnh viễn trong tâm hồn người nhạc sĩ về quá khứ oanh liệt.

Năm 2000, Nhà nước ta đã trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cho những đóng góp trong âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Đôi cánh giai điệu âm nhạc Nguyễn Văn Tý không chỉ bay dọc miền dân ca mà còn bay qua nhiều cột mốc thời gian. Dư âm ra đời khoảng năm 1950 trong thời 9 năm kháng Pháp nhưng giai điệu của “Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ...” vẫn thuộc về dòng nhạc tiền chiến. Đến thời kỳ cả miền Bắc xây dựng xã hội mới và chi viện cho miền Nam kháng Mỹ, ông lại có Bài ca năm tấn (1967), Tiễn anh lên đường (1964), Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh (1974)... Thống nhất nước nhà, Nguyễn Văn Tý vẫn hăng say cùng công việc của những Người đi xây hồ Kẻ Gỗ (1976), Cô nuôi dạy trẻ (1980)... Ông cũng là nhạc sĩ “chuyên trị” đề tài phụ nữ với các nhạc phẩm Mẹ yêu con, Cô nuôi dạy trẻ, Dáng đứng Bến Tre..., kể cả tình ca Dư âm cũng hiện diện bóng dáng thiếu nữ dạt dào yêu thương.

Ở tuổi 82, dư âm đọng lại trên thể xác bất kỳ con người nào vẫn là những úa nhàu thời gian và bệnh tật. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng không tránh khỏi sự cay nghiệt của hóa công, ông đã hai lần bị liệt nửa người phải ngồi xe lăn. Nhưng sự yêu đời đã tạo nên sức sống giúp ông ngồi dậy và tiếp tục sáng tạo. Ông tâm sự: “Ca khúc mới của tôi rất nhiều nhưng người ta vẫn chuộng nghe những gì quen thuộc. Nguyễn Văn Tý không sáng tác nữa, nghĩa là hết”. Thuở thanh xuân, nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý luôn tự viết những lời ca mê đắm lòng người, song bây giờ ông lại chọn thơ để chắp thêm đôi cánh âm nhạc. Hình như tuổi càng cao thì người ta càng “kiệm lời” hơn, đó là lý do để nhạc sĩ tìm sự đồng điệu trong những lời thơ của thế hệ hậu bối viết về thực tại hay dĩ vãng. Trong ngôi nhà nho nhỏ gần chợ Tân Định, Q.1 - TPHCM... lão nhạc sĩ ngồi đó, lắng nghe dư âm một thời đồng vọng đến hôm nay và mãi mãi.

Luật sư - nhà thơ Bùi Mạnh Hảo (Giám đốc Công ty Luật Minh):

Thêm một nén hương vì ngã ba Đồng Lộc

Bài thơ của tôi cùng tên với trường ca đã in trên Báo Quân đội Nhân dân ngày 27-7-2005. Không biết duyên nào đẩy đưa bài thơ gặp được nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Thật xúc động khi nghe bản trường ca cất lên qua giọng ca của NSƯT Hoàng Vĩnh, ca sĩ Thu Giang và dàn hợp xướng Đoàn Văn công Quân khu 7. Tôi nghĩ tâm linh hiện diện trong đời là có thực và cảm tưởng rằng hồn phách mười o TNXP đã mang bài thơ của tôi đến với giai điệu của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Tôi từng say mê trường ca Sông Lô của Văn Cao bao nhiêu thì bây giờ lại dạt dào xúc cảm khi nghe bản trường ca này y như vậy. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý hoàn thành trường ca sau hơn 7 tháng ròng rã trong các cơn huyết áp phải nhập viện. Nhạc sĩ kể với tôi, mỗi sáng ông đều thắp nhang khấn các o phù hộ mình thêm sức khỏe để viết. Tôi từng là một người lính có hơn 20 năm trong quân ngũ, ngã ba Đồng Lộc tôi đã đi qua thời chiến tranh và nhiều lần trở lại. Dù bây giờ tôi là một luật sư, song quá khứ người lính đã luôn ám ảnh tôi bởi những hy sinh, mất mát của đồng đội. Xin cảm ơn nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cùng bản trường ca đã thêm một nén hương vì ngã ba Đồng Lộc.

T.H.N ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo