Những ngày này, bất cứ ai cũng cảm thấy trong lòng xao xuyến mỗi khi nghe đâu đó vang lên những lời ca đã đi cùng năm tháng: Đất nước tôi thon thả giọt đàn bầu, nghe dịu nỗi đau của mẹ… (Đất nước); Có một bài ca không bao giờ quên, là lời đất nước tôi chẳng phút bình yên… (Bài ca không quên) của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn nhắc nhớ về một thời oanh liệt và những giá trị mãi không phai mờ của giai đoạn lịch sử chống ngoại xâm đau thương nhưng hào hùng của dân tộc.
Đậm chất sử thi và lãng mạn cách mạng
Tác phẩm của Phạm Minh Tuấn đi sâu vào lòng người vì mang đậm chất sử thi và lãng mạn cách mạng, mà tiêu biểu nhất là Bài ca không quên: Có một bài ca không bao giờ quên, là lời đất nước tôi chẳng phút bình yên/Có một bài ca không bao giờ quên, là lời mẹ ru con đêm đêm/Bài ca tôi không quên, tôi không quên, tháng ngày vất vả/Bài ca tôi không quên, tôi không quên, gót mòn hành quân hối hả/Làm bạn cùng trăng ngồi ôm súng ngắm sao khuya…
Không chỉ để lại rất nhiều nhạc phẩm với giá trị âm nhạc vượt thời gian, Phạm Minh Tuấn được đánh giá cao khi viết ca từ trong các sáng tác của mình, bởi mỗi ca khúc của ông đều để lại cảm xúc sâu sắc trong lòng người nghe, sự tinh túy của ca từ đầy chất văn học.
Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ, các anh không về, mình mẹ lặng im. Đất nước tôi, đất nước tôi! Từ thuở còn nằm nôi, sáng chắn bão giông, chiều ngăn nắng lửa… Xin hát về người đất nước ơi! Xin hát về mẹ Tổ quốc ơi! Mấy mùa không ngủ/Ngăn bước quân thù phía Nam phía Bắc/Vai mẹ lại gầy gánh gạo nuôi con… (Đất nước). Những hình ảnh giản dị nhưng đặc trưng Việt Nam, như những tứ thơ với “muối mặn, gừng cay”, “bãi dâu bến nước”, “lũy tre làng”, “vai mẹ lại gầy”… mà nhạc sĩ phác họa trong tác phẩm của mình đã đi vào lòng hàng triệu người yêu nhạc, trở thành vẻ đẹp kinh điển cho hình tượng hy sinh lặng thầm nhưng cao cả của người mẹ - hay nói khác đi chính là hình ảnh đất nước.
Giai đoạn sống trong hòa bình, những sáng tác mới của Phạm Minh Tuấn vẫn luôn là điểm sáng, ẩn chứa khát vọng lớn lao, vươn lên và cống hiến mang nhiều cảm xúc xoáy vào lòng người nghe. Ca khúc Khát vọng của ông chính là niềm trăn trở, động viên thúc giục để mỗi người, đặc biệt là giới trẻ, sống cống hiến cho cuộc sống hôm nay thêm tươi đẹp.
Viết từ chính máu thịt của mình
Tâm sự về ý nghĩa của những sáng tác của mình trong từng giai đoạn lịch sử của dân tộc, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn cho rằng: “Cuộc sống của mỗi người trong chiến tranh cũng như hòa bình đều gắn với kỷ niệm; nếu biết chắt chiu, gạn lọc, tích lũy sẽ trở thành vốn sống thực tế để làm nghề. Người nghệ sĩ phải luôn luôn có nhân sinh quan để nhận định, đánh giá và chắt lọc những vấn đề trong cuộc sống hôm nay. Đó là kim chỉ nam để tôi sáng tạo nên những tác phẩm được công chúng yêu mến”.
Nhắc lại kỷ niệm riêng của gia đình ông, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn rơm rớm nước mắt kể: “Cha tôi hy sinh năm 1946 - người cha mà tôi còn chưa được thấy mặt, chỉ được ngắm ông qua những tấm hình. Năm 1964, trong một lần công tác cùng đoàn cán bộ của Ban Tuyên huấn, có vợ tôi và bà vợ của nhà thơ Giang Nam vào thăm chồng, cả đoàn bị lọt trúng ổ phục kích ở Tây Ninh, vợ tôi chấp nhận bị bắt đưa về nha cảnh sát để bảo vệ an toàn cho 18 cán bộ nhưng cô con gái đầu lòng của tôi lúc đó mới vừa được 6 tháng tuổi đã mất trong trận đó”.
Nhạc sĩ cho rằng nỗi đau riêng của gia đình ông có thể là rất lớn đối với cá nhân ông và gia đình, đã phải chấp nhận hy sinh để vượt lên thực tế đó nhưng sẽ chẳng thấm tháp gì nếu đem so nỗi đau của mình với hàng ngàn, hàng triệu bà mẹ Việt Nam anh hùng, tiễn cả chục người con lên đường ra trận không có ngày trở lại. Thế nên, nhiều khi nỗi đau lặn vào bên trong, như hạt cát trong lòng con trai biển, biết đâu có ngày trở thành viên ngọc quý làm đẹp cho đời.
Từ những trải nghiệm của chính bản thân và đồng cảm với trái tim yêu nước của hàng triệu bà mẹ, hàng triệu đứa con anh dũng của Tổ quốc, tác giả của Đất nước, Bài ca không quên… đã luôn khắc họa thành công hình ảnh Việt Nam đau thương nhưng hào hùng trong các tác phẩm của mình.
Mối duyên với ca khúc truyền thống cách mạng
Nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn tham gia kháng chiến bắt đầu từ năm 1960, trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ca khúc Qua sông được viết năm 1963, hồi đó nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn mới chỉ 23 tuổi và đang trong chiến khu. Bài ca người nữ tự vệ Sài Gòn được ông viết năm 1968 trong chiến dịch Mậu Thân. Sau đó, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn còn có rất nhiều ca khúc được khán thính giả cả nước yêu mến như: Đất nước, Dấu chân phía trước, Đường tàu mùa xuân, Bài ca không quên, Khát vọng... và tác phẩm nhạc truyền thống cách mạng sáng tác gần đây nhất của ông là Bà mẹ Gạc Ma.
Bình luận (0)