Khi nghe tin nhạc sĩ Phan Nhân mất lúc 11 giờ 45 phút ngày 29-6, chính là lúc tôi đang ngồi với tân Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân để bàn về sự ra đi của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cũng vừa mất vào hồi 10 giờ 15 phút cùng ngày. Tôi thấy lòng sao trĩu nặng buồn. Tại sao cuộc đời lại trắc ẩn đến vậy trong một ngày tràn ngập thương đau. 10 giờ thì xe tang linh cữu GS-TS Trần Văn Khê đưa ông về cõi vĩnh hằng. 10 giờ 15 phút, “đại ca” Phan Huỳnh Điểu tạ thế ở Bệnh viện Thống Nhất. Còn đến 11 giờ 45 phút lại là Phan Nhân từ trần ở tuổi 86 tại tư gia. Đây có phải là bản tam tấu đau buồn không?
Tôi thực sự được gặp Phan Nhân lại không phải ở Hà Nội khi ông viết “Hà Nội niềm tin và hy vọng” mà là ở TP HCM năm 1982. Tháng chạp năm 1972, khi ông viết ca khúc nổi tiếng này thì tôi đang là lính trụ bám sông Thạch Hãn, tỉnh Quảng Trị. Ca khúc của ông, lính chúng tôi đều thuộc và sau đó dấn thân tiếp vào cuộc xuyên Trường Sơn cho tới ngày đất nước thống nhất.
Phan Nhân tên khai sinh là Lưu Nguyễn Phan Nhân. Ông ra đời năm 1930 tại Bình Đức, Long Xuyên, An Giang. Ở tuổi 15, Phan Nhân đã tham gia Nam Bộ kháng chiến và trở thành ca sĩ của tổ quân nhạc khu 8 cùng Minh Trị, Hoàng Việt. Khi tập kết ra Bắc, ông thuộc Đoàn Văn công Nam Bộ rồi đoàn Văn công Quân đội Nam Bộ. Trong chương trình giải trừ quân bị sau Hiệp định Geneve, Phan Nhân về làm ca sĩ của tốp nam Đài Tiếng nói Việt Nam cùng Trần Chung, Thế Song, Văn Dung... Làm ca sĩ mãi, ông cùng các bạn của tốp ca nam đã đi theo gương anh cả Trần Chung để biến mình thành nhạc sĩ. Những ca khúc đầu tiên của Phan Nhân được thu thanh ở Đài Tiếng nói Việt Nam là những ca khúc thiếu nhi như “Chú ếch con”, “Em là con gái mẹ Út Tịch”. Chính cuộc đọ sức “Điện Biên Phủ trên không” vào tháng chạp 1972 tại Hà Nội đã tạo ra tên tuổi Phan Nhân qua ca khúc “Hà Nội niềm tin và hy vọng”. Hồi ấy, bám trụ tại Đài Tiếng nói Việt Nam ở 58 Quán Sứ, Hà Nội, Phan Nhân vừa là người kẻ nhạc những ca khúc Phạm Tuyên viết về sự kiện này như “Hà Nội những đêm không ngủ”, “Hà Nội - Điện Biên Phủ” nhưng ông vẫn không quên ghi lại cảm xúc của mình về sự kiện ấn tượng ấy qua “Hà Nội niềm tin và hy vọng”. Ca khúc đã thấm vào những người lính Trường Sơn bởi câu: “Sáng soi bóng đêm Trường Sơn - lắng trong nước sông Cửu Long... - dệt nên tiếng ca - át tiếng bom rền”.
Nhờ thành công này, Phan Nhân đã thăng hoa để viết ra những ca khúc tiếp nối như “Cây đàn ghita của Victor Hara”, “Em ở nơi đâu” thời chống Mỹ. Đêm giá buốt Tây Nguyên 1974, nghe Mạnh Hà rền vang: “Cây đàn ghita của Victor Hara...” cảm thấy lòng mình được trao ngọn lửa đi tới chiến hào. Phan Nhân đâu phải là người miền Bắc nhưng sao ông lại có một giai điệu hết sức Bắc Bộ khi viết về các cô thanh niên xung phong Trường Sơn qua bài “Em ở nơi đâu”: “Anh đi tìm em chứ em ở nơi đâu. Phải qua qua bao núi qua bao nhịp cầu. Mà phải qua qua bao suối qua bao dòng sông sâu. Để anh đi tìm em em ở đâu. Hỡi người con gái đang dãi dầu mưa nắng Trường Sơn”. Rồi anh tấu lên chất ngất: “Tuổi xuân em phơi phới năm xưa đi mở đường. Chỉ nghe tiếng hát, chỉ nghe có tiếng hát mà đem lòng yêu thương. Chỉ nghe tiếng hát mà lòng anh yêu thương...”.
Ngày thống nhất đất nước, Phan Nhân lại viết ra một “Tình ca đất nước” cực kỳ thăng hoa, cực kỳ bay bổng qua giọng vàng Trần Khánh: “Rằng đã về ta, cỏ cây, sông núi, ruộng đồng. Cửu Long, sông Hồng thỏa bao chờ mong. Sài Gòn mến yêu của ta. Đêm dài đã qua tình quê hương thêm thiết tha. Ngọt ngào hương hoa, đẹp ngàn lần non sông ta ngân vang tiếng ca...”. Ôi sao yêu thế những giai điệu chất ngất tình xứ sở này. Vì yêu ông, tôi đã không biết bao nhiêu lần ngồi đối ẩm cùng ông ở 81 Trần Quốc Thảo, TP HCM và 84 Lê Duẩn, Hà Nội. Phan Nhân là một kẻ nghệ sĩ đa cảm kiểu Platonic. Ông suốt đời chỉ yêu bà Phi Điểu. Tình yêu lớn này đã cho Phan Nhân mọi chuyến bay tìm đến sáng tạo.
NSƯT Phi Điểu: “Ông đi sao không đợi tôi về?”
Hơn 11 giờ đêm tại Nhà Tang lễ Thành phố, khi khách viếng thăm đã thưa dần, NSƯT Phi Điểu chọn cho mình một góc hẹp trong nhà tang lễ, chợp mắt. “Tôi nằm ở đây cứ vài phút lại mở mắt ra, thấy ông ấy nằm đấy. Coi như ổng vẫn còn nằm gần mình chứ mấy đêm nữa là ổng...”- bà đứt quãng. Nước mắt của NSƯT Phi Điểu khóc chồng chỉ rơi trong đêm khuya, còn trong suốt thời gian diễn ra tang lễ, bà vẫn tỏ ra mạnh mẽ, thản nhiên, chu toàn hậu sự cho chồng.
Theo NSƯT Phi Điểu, gần 3 tháng bị bệnh, nhạc sĩ Phan Nhân vẫn giữ sự hóm hỉnh, hài hước. Dù chịu cơn đau tim cấp độ 3 hay lúc khối u trong phổi hành hạ, ông vẫn làm thơ, ra câu đối với bà. “Lúc ông ấy khó thở, ngồi rên mà cũng thành giai điệu hư hử hừ hư. Ông ấy yêu nhạc biết chừng nào!” - NSƯT Phi Điểu nhớ lại.
Ở những năm tháng tuổi già, vợ chồng ông bà sống với con gái trong ngôi nhà ấm cúng ở đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3, TP HCM. Trong khi NSƯT Phi Điểu bận bịu với lịch đi đóng phim thường xuyên thì nhạc sĩ Phan Nhân thường đi đây đó, uống cà phê, thăm hỏi bạn bè. “Thấy tôi còn sức khỏe đi diễn, ông ấy vui lắm! Ông ấy đi gặp người này người kia tôi cũng mừng, muốn đi đâu thì đi, miễn tối về nhà với tôi là được rồi” - bà nói thêm.
Những ngày chồng bệnh, NSƯT Phi Điểu giảm bớt lịch quay, hạn chế đóng phim có cảnh quay xa, xong việc là chạy về chăm sóc ông. “Ông ấy già rồi nhưng quấn quýt tôi dữ lắm! Còn hơn vợ chồng son nữa!” - bà cười. Khi ông cảm thấy sức khỏe mình càng yếu đi đã nói với vợ là muốn về lại ngôi nhà quen thuộc, sống những ngày cuối cùng. Bà cũng đồng ý đưa ông về nhà, mua cái máy thở ôxy để ông sống được ngày nào mừng ngày đó. Nhìn chồng ngày càng hao gầy, gương mặt xanh xao, những tiếng thở khó nhọc, bà thấy quặn thắt trong lòng.
Chăm sóc cho chồng gần 3 tháng, từ lúc ông mới lâm bệnh cho đến lúc nằm một chỗ nhưng lúc ông ra đi, bà lại không có mặt ở bên cạnh. “Sáng 29-6, thấy ông yếu đi, tôi vội chạy xe máy tới nhà người em báo tin vì họ không dùng điện thoại. Khi vừa tới nơi, con gái gọi điện nói: “Ba đi rồi má ơi!” Tôi vội về ngay, khóc ướt cả khẩu trang che mặt. Tôi khóc không phải bất ngờ mà vì ông ấy không chịu đợi để nhìn mặt tôi lần cuối” - bà rưng rưng nói.
Vậy là từ nay, không còn những đêm mất ngủ, lo lắng cho bệnh tật của ông, không còn phải nghĩ ngày mai nấu món gì cho ông ăn, không còn tranh thủ về sớm trò chuyện với ông... Lấp đầy là khoảng trống, nỗi cô đơn mênh mông và vô tận. Nhưng bà điềm tĩnh: “Ông ấy ra đi nhẹ nhàng, thanh thản. Tôi cũng đã một đời yêu thương, bên cạnh ông ấy chia ngọt sẻ bùi, làm trọn đạo vợ hiền”.
NSƯT Phi Điểu và nhạc sĩ Phan Nhân quen biết và yêu nhau khi sinh hoạt ở Đoàn Văn công giải phóng miền Nam và khi đoàn tập kết ra Bắc vào năm 1954. Năm 1956 họ cưới nhau, đến năm 1957 thì sinh con đầu lòng, năm 1959 sinh tiếp con thứ 2. Sáu thập kỷ sống tình nghĩa vợ chồng, NSƯT Phi Điểu quý ông bởi có máu nghệ sĩ rất lớn, hào hoa, phong nhã lại tính tình ngay thẳng, giản dị, không đòi hỏi điều chi hay tham vọng gì lớn. Chỉ có khi về già, sức khỏe yếu, không sáng tác được nên ông luôn đau đáu. Nhạc sĩ Phan Nhân thường nói với vợ: “Đời người nghệ sĩ mà không có tác phẩm chẳng khác nào chết chưa chôn”. Nhưng lúc còn khỏe, ông chỉ sáng tác khi cảm hứng chứ tuyệt đối không làm theo đơn đặt hàng. Dù biết nếu làm như vậy sẽ có thêm thu nhập nhưng ông thà chịu nghèo chứ không bán danh. NSƯT Phi Điểu kể thêm: “Ông ấy hay hỏi: Má Phi có buồn không khi ba chưa có sáng tác nào dành riêng cho má? Tôi bảo cũng tủi thân, ông ấy liền “nịnh”: Ba với má như hình với bóng. Trong các sáng tác của ba luôn có bóng của má, tại người ta không biết đó thôi!”.
Minh Nga
Bình luận (0)