Nhập thân qua Khúc hát phiêu ly
Ca khúc này được viết cũng ngót nghét 10 năm nay, nó gần như ngoại lệ-không viết theo một hợp đồng nào. Một buổi chiều về Bắc Ninh, hoài niệm dòng sông Tương và tiếng sáo của Trương Chi, anh nghĩ mình nên làm một cái gì đó. “Tôi cũng chẳng nhớ nổi tâm trạng của tôi khi ấy như thế nào nữa. Nhưng tôi đặt một câu hỏi với chính mình: Anh chàng ấy như thế nào sau khi mối tình bắt đầu tan vỡ? Tôi muốn diễn tả nỗi đau đớn tột cùng ấy”.
Trương Chi là một trong những tích truyện Việt Nam hiếm hoi có cấu trúc và kết thúc rất lạ. Một chuyện tình đẹp và bi kịch, ngôn ngữ giàu tính tượng thanh nhưng đầy hình ảnh đẹp. Trước một tích truyện như thế, có thể lắm, những loại hình nghệ thuật của hậu thế khó có thể làm khác hoặc ghi dấu một sự sáng tạo mới cho dù nghệ sĩ nào đó, vì quá yêu mến Trương Chi chăng nữa. Phó Đức Phương từng nghĩ đến điều đó, nhưng anh càng nghĩ thì càng thấy tích truyện đó còn có nhiều bí ẩn, nhất là tâm trạng giằng xé của Trương Chi như thế nào sau cái buổi hiện diện trước gia đình của giai nhân trong lần Mỵ Nương ốm tương tư?
Khúc hát phiêu ly là một sự nhập thân của Phó Đức Phương, để chàng Trương Chi tự mượn câu hát nói lên nỗi đau đớn vô cùng khi tình duyên tan vỡ. Những giai điệu vật vã, dữ dội. Những tiết tấu thất thường để diễn tả nỗi lòng cay đắng và tâm trạng vô cùng kịch tính của Trương Chi.
Đây là bài hát mà giữa lời và nhạc thành hai khối mâu thuẫn. Trong lời ca, chàng Trương Chi cố gắng che giấu tâm trạng, tự an ủi chính mình rằng đừng tiếc làm gì nữa, thân phận mình nghèo hèn, xấu xí, còn người ta cành vàng lá ngọc... Nhưng giai điệu lại chuyển tải cái bản năng mãnh liệt của kẻ thất tình. Ca sĩ khi thể hiện, điều bắt buộc phải như một nghệ sĩ sân khấu, bình tĩnh hát nhưng phải hát cho được cái nỗi đau... Trong tích truyện dân gian, mối tình chỉ là đơn phương ở phía Mỵ Nương, còn Trương Chi đâu biết có người yêu mình. Vậy thì tại sao anh phải chết? Một mặc cảm nghèo hèn xấu xí đâu có đủ để giết một tâm hồn? Bản năng sống của Trương Chi mãnh liệt và dữ dội được thể hiện trong tiếng sáo, thì cái chết của Trương Chi cũng phải tương xứng với cái bản năng sống ấy. Dường như Khúc hát phiêu ly phần nào đã lấp đầy câu chuyện dân gian khá vắn tắt này...
Làm sống lại dòng Tiêu Tương và khối tình Trương Chi
“Tôi nghĩ, Khúc hát phiêu ly chưa đủ để tôi có thể nói hết về Trương Chi. Tôi sẽ làm một chùm ca khúc về đề tài này, trong đó Khúc hát phiêu ly sẽ là ca khúc thứ ba. Ca khúc đầu tiên sẽ là Đôi bờ Tiêu Tương, tiếp theo sẽ là Mối tình Trương Chi, Khúc hát phiêu ly và Sông ơi hãy đợi".
Có lẽ, nghe lại tất cả các ca khúc của Phó Đức Phương, ngoài những giai điệu sang trọng và mới lạ, ta có thể bắt gặp, gần như anh luôn đi tìm những điều đã mất. Ngoài đời anh sống khác, rất hiện đại, rất thực tế nhưng “chạm tay vào nhạc, tôi lại bắt đầu sống với những điều quá vãng”. Một thoáng Tây hồ, Không thể và có thể, Trên đỉnh Phù Vân hay Dòng sông ký ức... cũng đều như vậy.
Sông Tiêu Tương bây giờ chỉ là một cái đầm nhỏ xíu ở đất Kinh Bắc. Tiếng sáo Trương Chi réo rắt là vậy nhưng cũng chẳng mấy ai đi hoài niệm một con sông giữa nhịp sống hiện đại này. “Tôi thấy khó thực sự khi phải dùng nốt nhạc để làm sống lại một con sông và những địa danh cũ bên con sông ngày ấy. Phải làm sao để người nghe hình dung ra tiếng mái chèo khua và đôi bờ nước chảy để du khách đến Bắc Ninh, khi nghe ca khúc này, họ có thể đề nghị các tour du lịch cho họ đến thăm dòng Tiêu Tương. Mục tiêu đó lớn và rất xúc động, đáng để một nhạc sĩ tâm huyết bỏ công sức để làm lắm trong chùm ca khúc này, đặc biệt là ca khúc đầu tiên: Đôi bờ Tiêu Tương”-anh tâm sự.
Tương tự vậy, Chuyện tình Trương Chi cũng sẽ là một ẩn số. Phó Đức Phương tham vọng xây dựng một tình ca ngọt ngào với những đêm hạ tuần thề hẹn, người trên bến chờ đợi, người dưới thuyền hát và thổi sáo với tiếng sáo thực là Trương Chi nhất và những giọt nước mắt hạnh phúc của Mỵ Nương. Trương Chi sẽ sống trong một không gian tình yêu lãng mạn đến tuyệt vời. Anh ta sẽ tự hào về mối tình của mình, về một chàng trai nghèo hèn, xấu xí lại được sống trong tình yêu của một giai nhân cành vàng lá ngọc. Anh hát bằng tất cả sự sung sướng, sự khát khao yêu đương vô bờ bến để rồi đến Khúc hát phiêu ly, nỗi đau cũng được đẩy lên đến tuyệt đỉnh.
Khi nỗi đau không tìm nơi hóa giải, Trương Chi tìm về với dòng sông thân yêu với một nỗi cô đơn kinh hoàng. Là Trương Chi ta hát khúc Trương Chi, Là Trương Chi ta hát khúc phiêu ly... nhưng rồi nhìn sông chảy, anh cảm thấy mình không thể dừng lại được. Nỗi đau cất lên: Sông ơi sao lại vô tình thế? Cứ chảy mãi mà không biết ta đang tan nát cõi lòng. Hãy chờ ta một lần, một lần thôi... Và Trương Chi theo những con sóng, mong lòng sông cưu mang mối tình đau khổ của mình để cùng chảy ra biển. Đó là cái chết của Trương Chi trong ca khúc Sông ơi hãy đợi. Như một thông điệp gửi đến người nghe: Thể xác hữu hạn nhưng tình yêu thì vô hạn. Nỗi đau tột cùng không dừng lại ở một mối tình đơn phương!
“Tôi không tham vọng dựng cả bốn tình khúc thành một kịch hát, và chẳng việc gì phải làm thế. Đây sẽ là một chùm tác phẩm kết hợp với sân khấu, với múa và hát. Việc tôi cần là làm sống lại một con sông đẹp và hoàn thiện thêm một mối tình đẹp. Tôi muốn chọn một giọng ca nam độc đáo, vừa hát đúng nhưng cũng diễn xuất đúng. Chương trình chỉ trong vòng một giờ và có thể, tôi sẽ tự hối mình hoàn thành trong năm nay. Đã đến lúc tôi làm một cái gì đó lớn hơn nữa, cho Trương Chi, cho tôi và cho ca khúc VN đương đại”. |
Bình luận (0)