xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhạc sĩ Thuận Yến: Gửi lại “một nửa vầng trăng”

Hoàng Lan Anh

Không chỉ để lại những tác phẩm âm nhạc giá trị, nhạc sĩ Thuận Yến ra đi còn để lại lòng tiếc thương vô hạn của người thân, đồng nghiệp…

Tin nhạc sĩ Thuận Yến - tác giả Chia tay hoàng hôn, Vầng trăng Ba Đình, cha của ca sĩ Thanh Lam và nhạc sĩ Trí Minh - qua đời khiến nhiều người bất ngờ, để lại sự tiếc thương cho người thân và bạn bè, đồng nghiệp. Ca sĩ Thanh Lam nghẹn ngào cho hay cha chị qua đời vào lúc 12 giờ 6 phút ngày 24-5 tại nhà riêng. “Dù trước đó ông đã yếu do sức khỏe không tốt nhưng sự ra đi này vẫn khiến gia đình rất bất ngờ và nuối tiếc” - Thanh Lam tâm sự.

Tác giả “âm nhạc trữ tình hoành tráng”

Nhắc đến nhạc sĩ Thuận Yến, nhiều người nghĩ ngay đến những ca khúc xuất sắc về Bác Hồ. “Có lẽ Thuận Yến là người viết về Bác nhiều nhất, chất lượng nhất” - nhạc sĩ Cát Vận, đồng nghiệp nhiều năm của nhạc sĩ Thuận Yến tại Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam, nhận xét.

Nhạc sĩ Thuận Yến và vợ - nghệ sĩ đàn tranh Thanh Hương. (Ảnh do gia đình nhạc sĩ cung cấp)
Nhạc sĩ Thuận Yến và vợ - nghệ sĩ đàn tranh Thanh Hương. (Ảnh do gia đình nhạc sĩ cung cấp)

Không hô hào mà chân tình lắng đọng, Bác Hồ một tình yêu bao la, Người về thăm quê, Miền Trung nhớ Bác, Vầng trăng Ba Đình… ghi vào lòng khán giả bằng những ca từ giản dị: Bác thương các cụ già xuân về gửi biếu lụa/ Bác yêu đàn cháu nhỏ trung thu gửi cho quà/ Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng/ Bác thương người chiến sĩ đứng gác ngoài biên cương… hay Chúng con sinh ra khi nước còn chia cắt/ Nỗi nhớ Bác Hồ dằng dặc đến miền Nam/ Để sớm nay con đi giữa đoàn quân/ Trong gió biển chan hòa theo dấu chân Bác… Ngay khi được phát lần đầu tiên trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam với tiếng hát của ca sĩ Thanh Hoa, ca khúc Bác Hồ một tình yêu bao la ngay lập tức trở thành bài ca xuất sắc về Bác Hồ.

Không chỉ gắn bó với những ca khúc cách mạng, nhạc sĩ Thuận Yến còn được các đồng nghiệp nể phục như là một tác giả “âm nhạc trữ tình hoành tráng” - nói theo cách của nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo. “Anh là một nghệ sĩ của thế hệ trước nhưng tâm hồn vẫn rất trẻ trung, thay đổi được nhịp điệu với thời đại. Anh tôn trọng nghệ thuật nhưng không cứng nhắc, Thuận Yến viết ca khúc bán cổ điển rất hay” - nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo nhận xét. Với Chia tay hoàng hôn, Tình yêu không lời, Hương Tràm, Thuận Yến đã ghi tên mình vào danh sách những nhạc sĩ viết nhạc trữ tình xuất sắc.

Xứng đáng được Giải thưởng Hồ Chí Minh

Nhạc sĩ quân đội An Thuyên, một người em trong âm nhạc của nhạc sĩ Thuận Yến, thừa nhận không phải ai cũng có được sự nghiệp bền lâu, sáng tạo ca khúc rất phong độ từ lúc trẻ đến lớn tuổi, cả giai điệu cách mạng và bản tình ca nổi tiếng thời bình như nhạc sĩ Thuận Yến. “Trong quân đội, tôi thấy còn ba người là Thuận Yến, Doãn Nho và Huy Thục xứng đáng được Giải thưởng Hồ Chí Minh. Họ xứng đáng được tôn vinh với giải thưởng cao quý này” - nhạc sĩ An Thuyên khẳng định.

Trong cuộc sống, nhạc sĩ Thuận Yến cũng thực sự là một tấm gương cho các nghệ sĩ thế hệ sau noi theo. Nhạc sĩ An Thuyên tâm sự dù được đánh giá là một trong những nhạc sĩ đầu đàn của âm nhạc cách mạng nhưng Thuận Yến rất vô tư, trong sáng, ân cần, cởi mở với các đồng chí, đồng đội, bạn bè, thương yêu chiến sĩ như con cái mình. Theo nhạc sĩ Cát Vận, nhạc sĩ Thuận Yến là người rất thẳng thắn, trung thực và hiền lành, đi công tác ở đâu cũng được mọi người quý mến.

Chia tay cuộc tình trăm năm

Căn bệnh Alzheimer đã khiến nhạc sĩ Thuận Yến nhiều năm mất đi những ký ức của mình. Năm năm gần đây, ông dường như còn không nhớ nổi tên các con, những người thân quen nhưng với riêng vợ mình, nghệ sĩ đàn tranh Hồ Thanh Hương, thì ký ức liên quan đến bà trong ông không thể nào mất được. Dù quên quên - nhớ nhớ nhưng mỗi lần vợ ra khỏi nhà là ông lại đi ra đi vào, đi lên đi xuống ngóng xem bà về chưa. Gắn bó với nhau suốt nhiều năm tháng tuổi trẻ trên chiến trường, những năm cuối đời của nhạc sĩ, bà vất vả ngược xuôi lo lắng, tận tình thuốc thang chăm sóc cho ông.

Trong một lần chia sẻ về ca khúc tình yêu tâm đắc nhất, nhạc sĩ Thuận Yến cho hay Chia tay hoàng hôn chính là ca khúc ông thích nhất. Đó chính là cuộc chia tay của vợ chồng nhạc sĩ ở đường số 9 Quảng Trị năm 1968, khi bà phải ra Hà Nội chữa bệnh. Hai người chia tay trong đầm đìa nước mắt. Sau đó, cũng chính nhờ ca khúc này mà Thanh Lam đã bước lên bục vinh quang nhận giải thưởng cao nhất trong cuộc thi đơn ca nhạc nhẹ năm 1991. Nhạc sĩ An Thuyên cho biết nghệ sĩ Thanh Hương không những là người bạn đời mà còn là cố vấn âm nhạc cho những tác phẩm của nhạc sĩ Thuận Yến ra đời.

Nhạc sĩ Thuận Yến ra đi để lại cho đời một “trái tim thắp lửa”, gởi lại cho người “một nửa vầng trăng” như những lời trong bài hát Chia tay hoàng hôn của ông.

Nhạc sĩ Thuận Yến có tên khai sinh là Đoàn Hữu Công, sinh ngày 15-8-1932, quê ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông từng nhận được nhiều giải thưởng âm nhạc như giải nhất ca khúc của Bộ Văn hóa (1987) cho Vầng trăng Ba Đình, giải Ca khúc xuất sắc của Bộ Quốc phòng (1994) với Màu hoa đỏ và giải Bài hát được nhiều người ưa thích năm 1992-1993 của Đài Tiếng nói Việt Nam cho ca khúc Chia tay hoàng hôn.

Lễ viếng nhạc sĩ sẽ diễn ra từ 10 đến 12 giờ 30 phút ngày 27-5, lễ truy điệu được tổ chức lúc 12 giờ 30 phút tại Nhà Tang lễ quốc gia - số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng được tổ chức lúc 15 giờ cùng ngày tại Nghĩa trang Công viên Vĩnh Hằng.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo