Người nhạc sĩ tài hoa ấy đã thực sự rời xa cuộc đời. Với tôi, không có sự bất ngờ hay thảng thốt bởi dự cảm lần gần đây vào thăm ông trong bệnh viện. Ánh mắt lấp lánh nụ cười duyên bao năm qua vào thời khắc ấy đã không còn nhận ra những người đến thăm, thế nhưng vẫn bình an tĩnh tại đến lạ thường. Cái thần thái của một Tô Vũ tài hoa trong âm nhạc, uyên bác trong học thuật, chân phương nhưng sâu sắc giữa đời sống vẫn thấp thoáng ẩn hiện trên giường bệnh ở quãng thời gian cuối cùng của cuộc đời. Còn lại là gì? Vâng, đó là nhạc sĩ Tô Vũ tên thật là Hoàng Phú - người đàn ông luôn nhìn và cảm nhận đời sống này bằng những rung cảm của nỗi niềm yêu thương trìu mến…
Tài năng sớm tỏa sáng
Thuở sinh thời, nhạc sĩ Tô Vũ luôn được thế hệ nghệ sĩ tiếp nối chúng tôi coi trọng như một bậc tiền bối có nhân cách và tài năng lớn trong đời sống âm nhạc nước nhà. Tài năng của ông sớm tỏa sáng từ những tác phẩm ở thời kỳ mới phát triển của tân nhạc Việt Nam những thập niên đầu tiên của thế kỷ XX (Tạ từ, Em đến thăm anh một chiều mưa, Tiếng chuông chiều thu...) và đặc biệt hơn là những công trình nghiên cứu âm nhạc mang tầm vóc lớn của ông về sau này. Ngoài đời, tôi luôn được biết một Tô Vũ trầm tĩnh nhưng dí dỏm. Ở ông tồn tại song hành dáng dấp của hai hình thái tưởng chừng đối lập là một vị giáo sư và một chàng lãng tử.
Ông có một tình yêu đặc biệt với âm nhạc dân gian và luôn tự hào bởi những giá trị truyền thống của ông cha ta mà lớp hậu sinh khi kiên trì nghiên cứu sẽ luôn thẩm thấu được những “trái ngọt” bất ngờ. Tôi nhớ mãi mỗi lần gặp gỡ ông luôn là những cuộc trò chuyện đặc biệt về âm nhạc. Với ông, đó là một cõi riêng, một thánh đường mà tôi vẫn hay đùa rằng “mọi người đều bình đẳng như nhau trong âm nhạc”. Bây giờ, người ta vẫn hay dùng những khái niệm như nhạc “bác học”, nhạc “bình dân”, nhạc “thị trường” như để phân định trình độ, tri thức của người cảm nhận. Thế nhưng, khi tiếp xúc với nhạc sĩ Tô Vũ, tôi nhận ra rằng chỉ nên phân chia các tác phẩm, dòng nhạc theo thể loại chứ đừng phân biệt “đẳng cấp” bởi âm nhạc cho đến tận cùng như thuở ban sơ chính là tiếng lòng, là khát vọng được lắng nghe những cung bậc cảm xúc lên xuống của mỗi cá nhân cũng như cả cộng đồng.
Âm nhạc là “nghiệp”
Còn nhớ khi phòng trà ATB tổ chức đêm nhạc vinh danh “5 ông Hoàng” (các nhạc sĩ Hoàng Quý - Hoàng Phú - Hoàng Trọng - Hoàng Giác - Hoàng Dương), nhạc sĩ Tô Vũ đã đóng vai trò cầu nối để gắn kết âm nhạc của các tác giả cùng thời. Được làm việc cùng ông khoảng thời gian ấy, tôi có dịp hiểu hơn về thế hệ các nhạc sĩ tiền bối. Họ tâm niệm âm nhạc không phải là “nghề” mà là “nghiệp”. Nghiệp ấy khi đã bén duyên thì cả cuộc đời dù có người chỉ sáng tác một vài tác phẩm, có người vẫn liên tục cống hiến nhưng chạm tới âm nhạc với họ là một không gian thiêng liêng mà ở đó, những tâm hồn nghệ sĩ ấy thực sự được thăng hoa. Đó là điều lý giải tại sao nhạc sĩ Tô Vũ trong suốt 20 năm cuối của cuộc đời mình vẫn liên tục học hỏi và cho ra đời những công trình nghiên cứu âm nhạc giá trị. Ông từng tâm sự với tôi rằng mọi kiến thức mình có được đều do tự học và bất cứ phút giây nào ông cũng mong muốn có thể bổ sung thêm kiến thức. Niềm khao khát ấy hiện diện ở bất kỳ đâu trong cuộc sống này. Đôi lúc bản thân ông khi tiếp xúc với những nghệ sĩ trẻ cũng rút tỉa và cảm nhận được nhiều điều. Theo ông, đó mới là điều đáng quý, bởi niềm vui được học hỏi sẽ thực sự được cộng hưởng khi nhìn thấy tương lai phía trước cho lý tưởng của mình. Cái cách nhạc sĩ Tô Vũ động viên thế hệ nghệ sĩ tiếp nối cũng bởi vậy đầy sự chân thành và gần gũi. Tôi còn nhớ thời mới đi hát, gặp ông, được người quen giới thiệu rằng “Đây là cô Ánh Tuyết hay hát nhạc của Văn Cao hay lắm đấy”, ông gật đầu, mỉm cười rất tươi và nói rằng: “Không phải chỉ nhạc Văn Cao, cô ấy hát nhạc của tôi cũng hay không kém”. Câu nói và phong thái nhẹ nhàng của ông đã thực sự khiến tôi xúc động và cảm thấy tự tin hơn rất nhiều.
Nhiều công trình, dự án dang dở
Giờ thì nụ cười và ánh mắt ấy đã chìm sâu vào cõi mộng thiên thu. Cuộc sống ai tránh được quy luật sinh mệnh và hơn 90 tuổi đời với sự nghiệp như ông có thể nói rằng đã trọn vẹn. Tâm hồn ấy khi phiêu diêu giữa cõi nào chẳng biết có còn nặng lòng với âm nhạc. Thế nhưng, với cá nhân mình, dù đã chuẩn bị tinh thần tôi vẫn không tránh khỏi cảm giác tiếc nuối.
Tiếc thay cho trái tim và trí tuệ ấy còn biết bao công trình, dự án nghiên cứu âm nhạc đang dang dở, một khoảng trống không dễ lấp đầy.
Và đời sống âm nhạc nước nhà ngày một thiếu vắng những vóc dáng cổ thụ tỏa bóng, vươn cành cho thế hệ tiếp nối bay xa thẩm thấu nhụy đời.
Niềm an ủi với tôi có chăng chính là được gặp gỡ và cảm nhận một nhân cách đặc biệt. Sự kiên trì trong việc học, sự khiêm tốn giản đơn trong cuộc sống đời thường và trên hết là khát khao được cống hiến hết mình cho niềm đam mê âm nhạc từ thuở thiếu thời đến khi đã trở thành bậc lão niên. Nhạc sĩ Tô Vũ tên thật Hoàng Phú, “một danh tiếng dị biệt” (chữ dùng của nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha) nay đã mở lòng “tạ từ” cõi nhân sinh…
Vĩnh biệt giáo sư - nhạc sĩ Tô Vũ
Sau thời gian điều trị bệnh xuất huyết bao tử, viêm phổi, giáo sư - nhạc sĩ Tô Vũ đã trút hơi thở cuối cùng lúc 3 giờ 30 phút ngày 13-5 tại nhà riêng (quận 9, TP HCM), thọ 91 tuổi. Lễ nhập quan được tiến hành lúc 14 giờ 30 phút cùng ngày, sau đó di quan về Nhà Tang lễ TP (số 25 Lê Quý Đôn, quận 3, TP HCM). Lễ viếng từ 8 giờ đến 15 giờ ngày 14-5, lễ truy điệu được tiến hành lúc 17 giờ cùng ngày, sau đó hỏa thiêu tại Bình Hưng Hòa, Tân Phú, TP HCM.
Giáo sư - nhạc sĩ Tô Vũ sinh năm 1923 tại Bắc Giang, tên thật là Hoàng Phú, cùng với người anh trai là nhạc sĩ Hoàng Quý, có tên từ những ngày đầu tiên của nền tân nhạc Việt Nam, đồng thời là những thành viên sáng lập Nhóm Đồng Vọng, đại diện cho âm phái Hải Phòng. Hoạt động của nhóm trong làng âm nhạc Việt Nam thời tiền chiến từng tạo nên tiếng vang và để lại ảnh hưởng đáng kể đối với sự phát triển của nền âm nhạc hiện đại Việt Nam.
Cũng như người anh Hoàng Quý, Hoàng Phú sớm tham gia Việt Minh. Cũng theo tư liệu gia đình ông cung cấp, kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ tại miền Bắc, Hoàng Phú gia nhập Ban Văn nghệ Tuyên truyền Kiến An (Hải Phòng). Ca khúc nổi tiếng nhất của ông là Em đến thăm anh một chiều mưa, sáng tác vào năm 1947, khi đơn vị của ông đang công tác tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng. Cũng trong thời kỳ này, nghệ danh Tô Vũ đã được các bạn bè cùng hoạt động trong lĩnh vực văn nghệ đặt cho ông.
Năm 1950, Viện Nghiên cứu Văn hóa Nghệ thuật thành lập, Tô Vũ được mời tham gia trong ban nghiên cứu âm nhạc do nhạc sĩ Văn Cao làm trưởng ban.
Ông là một trong những người đầu tiên góp phần xây dựng Trường Âm nhạc Việt Nam (Nhạc viện Quốc gia sau này), cũng từng đảm nhiệm cương vị viện trưởng Viện Âm nhạc cơ sở II tại TP HCM. Ông còn là một nhà nghiên cứu có thâm niên và uy tín trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc cũng như âm nhạc hiện đại. Bên cạnh đó, ông cũng có công lớn trong việc đào tạo nhiều tài năng sáng tác nhạc. Sau khi nghỉ hưu, ông sống tại TP HCM.
Những ca khúc tiêu biểu của ông được công chúng yêu thích là Em đến thăm anh một chiều mưa (1947), Tạ từ, Tiếng chuông chiều thu, … Th.Hiệp
Bình luận (0)