xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhạc sĩ Từ Huy - Con người đa tài

Hữu Thân

Có gì đó là lạ trong thời gian gần đây của anh. Mỗi lần đến quán nào bù khú với bạn bè là Từ huy cũng “nổi hứng” bắt mọi người phải nghe bài hát lại của anh sáng tác từ những năm của thập niên 90 thế kỷ trước: Quê hương tuổi thơ tôi...

Tin nhạc sĩ Từ Huy đột quỵ, rơi vào trạng thái hôn mê sâu không có khả năng qua khỏi đã khiến đồng nghiệp, bạn bè, người thân, công chúng yêu mến âm nhạc của anh quá đỗi ngạc nhiên và xót xa. Anh vốn là người có sức khỏe tốt, ít khi ốm đau, bệnh hoạn. Trong nhóm bạn chơi thân với anh như nhà văn Nguyễn Quang Sáng, nhạc sĩ Bảo Phúc, nghệ sĩ Lê Vũ Cầu, nhà biên kịch Ngụy Ngữ, nghệ sĩ Quang Đại... thì anh và nhà văn Nguyễn Quang Sáng là hai người có sức khỏe khá nhất. Ấy vậy mà nhạc sĩ Từ Huy không vượt qua nổi những gì thuộc về định mệnh.

Có gì đó là lạ trong thời gian gần đây của anh. Mỗi lần đến quán nào bù khú với bạn bè là Từ Huy cũng “nổi hứng” bắt mọi người phải nghe lại bài hát của anh sáng tác từ những năm của thập niên 90 thế kỷ trước: Quê hương tuổi thơ tôi, trong đó có đoạn: “Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi, cho tôi tìm lại một thời ấu thơ...”. Nghe mãi, anh em đâm ra chế giễu anh bằng lời hai, mỗi khi nghe đến đoạn điệp khúc này: “Cụ đã đi rồi. Cụ đã lên đường”. Khi nghe tin nhạc sĩ Từ Huy chuẩn bị “lên đường” thật, bạn bè của anh mới giật mình: Phải chăng đây là điềm báo trước?

Nhạc sĩ Bảo Phúc còn kể, trong sáng 5-9, cả nhóm bạn đi Bảo Lộc thăm khu đất mà mọi người mới mua được và chuẩn bị làm giấy tờ chủ quyền, tức là trước ngày anh đột quỵ một ngày. Cùng đi có Lê Vũ Cầu, Ngụy Ngữ, Quang Đại, Bảo Phúc... Anh Ngụy Ngữ hỏi nhạc sĩ Từ Huy: Anh em ở đây ai cũng có vài mẫu đất, còn Từ Huy có được bao nhiêu rồi? Từ Huy nói ngay: Em chỉ cần một mét mấy là đủ. Thấy mọi người cười ồ lên, biết mình bị hớ, Từ Huy nói chữa lại: Nhưng phải 50 năm nữa em mới cần.

Lên tới Lâm Đồng, Từ Huy muốn lên Đà Lạt để thăm một số anh em bạn bè. Anh cùng Võ Quang Dũng tách nhóm, bắt xe đò đi Đà Lạt. Anh đến thăm nhạc sĩ Đình Nghĩ, Mạnh Đạt và ghé thăm thầy Đức, Hiệu trưởng ĐH Đà Lạt, những người bạn thân của anh. Sáng 6-9, nhạc sĩ Đình Nghĩ mời Từ Huy đi ăn sáng. Chưa kịp ăn thì anh cảm thấy chóng mặt và dẫn đến đột quỵ.

Ngồi nghĩ lại có bao nhiêu chuyện ngẫu nhiên đến với anh, khiến người ta dễ nghĩ đến một điềm báo trước. Nhưng theo nhạc sĩ Bảo Phúc, Từ Huy vốn là con người phóng khoáng, xuề xòa, ham vui, đặc biệt sống rất tình cảm với bạn bè. Lên tới Lâm Đồng rồi mà không lên Đà Lạt để thăm bạn là anh thấy áy náy trong lòng.

Theo bệnh trạng của anh, khả năng cứu sống là không còn. Anh ra đi sớm hay muộn chỉ còn là thời gian, tính từng giờ. Và như vậy giới văn nghệ lại mất đi một con người đa tài: nhà thơ, nhạc sĩ, họa sĩ. Công chúng yêu nhạc, thơ anh sẽ không còn có dịp được thưởng thức những sáng tác mới của anh.

Từng là sinh viên khoa triết, ĐH Văn khoa Sài Gòn, nhạc sĩ Từ Huy sớm tham gia phong trào văn nghệ học sinh - sinh viên. Anh làm thơ và viết nhạc. Tập thơ Hình như là hình như, do Nhà Xuất bản Trẻ ấn hành, là tổng tập những tác phẩm trong sự nghiệp sáng tác thơ của anh. Ảnh hưởng triết học nên thơ của anh mang đậm màu sắc triết lý nhân sinh.

Tài năng mỹ thuật của anh cũng không kém, anh đã có nhiều tác phẩm hội họa để lại cho đời và có một thời gian anh làm họa sĩ trình bày cho Báo Phụ Nữ TPHCM. Nhưng nổi bật nhất trong sự nghiệp sáng tác nghệ thuật của anh là âm nhạc. Từ năm 1980- 1990, nhạc sĩ Từ Huy tham gia thành lập nhóm Những Người Bạn, gồm các nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Thanh Tùng, Từ Huy và Vũ Hoàng. Anh bắt đầu nổi tiếng với những ca khúc: Nhớ cảng Sài Gòn, Hãy đàn lên, một thoáng quê hương (viết chung với nhạc sĩ Thanh Tùng)... Sau thời gian đó, anh bắt đầu chú tâm sáng tác những ca khúc mang tính triết lý nhân sinh nhiều hơn, như: Quê hương tuổi thơ tôi, Lá biếc, Ngày anh đến... Anh có một cường độ làm việc mà bạn bè phải nể: thức dậy từ 5 giờ sáng, viết một lèo cho đến giờ đi làm, ngày nào cũng vậy. Những năm sau này, khi dòng nhạc thị trường nổi lên chiếm lĩnh đời sống âm nhạc, anh không còn hứng thú để viết nhiều như trước, thậm chí chỉ viết theo đơn đặt hàng. Anh viết bài Sao mai cho Giải Sao Mai, hợp xướng 9 dòng sông Cửu Long cho cuộc thi Hoa hậu đồng bằng sông Cửu Long. Một trong những bài hát anh viết theo kiểu đặt hàng nhưng rất thành công là bài Tết, tết, tết mà các nhóm hát, trong đó có nhóm Tam ca Áo Trắng, thường hát mỗi dịp xuân về, đây cũng là bài hát mà anh nhận được nhuận bút nhiều nhất. Bạn bè thường trêu anh: Từ Huy làm chơi mà ăn thiệt.

Với đàn em, nhạc sĩ Từ Huy luôn thương yêu và giúp đỡ. Khi còn làm chủ quán Câu lạc bộ Nghệ sĩ, nhạc sĩ Từ Huy đã nâng đỡ cho nhiều giọng ca trẻ, như: Mỹ Lệ, Cam Thơ... Sau này không còn quán Nghệ sĩ nữa anh vẫn tiếp tục giúp đỡ các ca sĩ trẻ khi họ cần đến anh, như: Đình Nguyên, Như Ý... mà không hề vụ lợi. Nhạc sĩ Từ Huy cũng là người đấu tranh mạnh mẽ nhất cho quyền tác giả của các nhạc sĩ, trong đó có của anh. Anh không thể chấp nhận những bất công trong việc sử dụng tác phẩm âm nhạc mà không nghĩ đến công sức, chất xám của nhạc sĩ đã sáng tạo ra.

Thời gian gần đây, anh uống rượu nhiều hơn. Bạn bè nhận ra rằng anh đang che giấu một nỗi buồn nào đó nhưng không muốn chia sẻ cùng ai. Một người am hiểu triết học như anh chắc chắn thừa hiểu rằng con đường êm ái, bình yên và dễ chịu nhất là đến với cõi vĩnh hằng. Và anh sắp bước đi trên con đường ấy...

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo