Không thể đứng ngoài xu hướng âm nhạc thế giới thịnh hành khi đó là giải pháp hữu hiệu để làm mới bản thân của nhiều ca sĩ nhạc nhẹ Việt Nam hiện nay nhưng những hiểu biết hạn hẹp về cuộc chơi khiến không ít giọng ca bị hụt hơi.
Làm mới
Khi ca khúc “On the floor” của giọng ca Latin Jennifer Lopez áp đảo các điểm diễn, nhiều ca sĩ Việt đã hạ quyết tâm “phải có một ca khúc làm theo công thức của “On the floor”. Tức là lấy một đoạn nhạc kinh điển (thường từ một ca khúc nổi tiếng của thập niên trước) với tên gọi là đoạn giai điệu mẫu (sample) làm nền cho những đoạn nhạc đương đại được phát triển sau đó. Minh chứng là hằng hà ca khúc được “xào nấu” theo đúng công thức này ra đời. Tất nhiên, điều này hoàn toàn hợp lý bởi ngay cả thị trường âm nhạc thế giới cũng đã biến công thức này thành một xu hướng thịnh hành. Nếu “On the floor” chọn sample của “Lambada” làm chủ đạo thì “Hung Up” lại chọn sample của “Gimme! Gimme! Gimme” quen thuộc làm nền.
Đó là lý do có một giai đoạn công chúng nghe nhạc phát hiện những ca khúc nhạc Việt “nhái, đạo” nhạc ngoại, như “Em của ngày hôm qua” (Sơn Tùng M-TP) giống với “Everynight” (Exid), “Cơn mưa ngang qua” (Sơn Tùng M-TP) từa tựa “Sarangi Mareul Deutjianha” (Namolla Familly), “Light it up” (Tonie) ảnh hưởng mạnh của “Crayon” (G-Dragon), “Butterfly” (Mr. T) na ná “Flower” (Jun Hyung) hay “Anh không đòi quà” là phiên bản khác của “My love” (Lee Seung Chul),… Hẳn nhiên, đây đều là những ca khúc “hot” trên thị trường nhạc Việt. Dù vậy, chủ nhân của các ca khúc phiên bản Việt thường không lên tiếng thì nhiều ca sĩ khác thừa nhận họ đã phải đầu tư một khoản chi phí kha khá để mua bản quyền một đoạn sample kinh điển cho ca khúc của mình. Đó là trường hợp ca khúc “Lần đầu” của ca sĩ Bảo Anh vừa ra mắt, dùng đoạn sample của ca khúc “Be my lover” quen thuộc của thập niên 1990.
Thực tế, xu hướng âm nhạc nổi trội trên thị trường thế giới luôn được ca sĩ trẻ Việt Nam cập nhật nhanh chóng. Nền âm nhạc Âu Mỹ luôn là chuẩn mực trong xu hướng thời thượng nên sự đu theo của nhạc trẻ Việt Nam hoàn toàn dễ hiểu. Thời điểm bùng phát trào lưu, xu hướng cập nhật của nghệ sĩ trẻ chính là khoảng thời gian sau lễ trao giải Grammy hằng năm, khi những sản phẩm âm nhạc mới nhất được tôn vinh, lập tức được thị trường âm nhạc khai thác đẩy lên thành xu hướng, trào lưu, trong đó có Việt Nam.
Không chỉ về phong cách âm nhạc, trong thực hiện MV (phim ca nhạc) của ca sĩ Việt cũng bắt chước theo xu hướng, cập nhật những chiêu thức “hot” nhất của thế giới với mục đích “làm mới bản thân”. Không khó để nhận ra mục đích của việc chạy theo trào lưu của ca sĩ trẻ khi “khán giả thời nay tiếp cận với cái mới nhanh hơn cả nghệ sĩ và có nhu cầu, đòi hỏi”, như chia sẻ của ca sĩ Thanh Thảo. Đó là lý do “nếu không nằm chung quỹ đạo cập nhật trào lưu, xu hướng thời thượng của khán thính giả, nghĩa là ca sĩ tự đào thải mình” - Thanh Thảo nói thêm. “Điều đó trở thành áp lực và cũng là điều kiện tiên quyết nếu ca sĩ hiện nay muốn chinh phục khán giả” - ca sĩ Đông Nhi lý giải.
Chỉ là học “lóm”
Với những sản phẩm âm nhạc đậm xu hướng của ca sĩ Việt ra mắt công chúng thời gian qua, thị trường nhạc Việt mang một diện mạo hợp thời so với dòng chảy của âm nhạc thế giới nhưng công chúng không khó nhận ra yếu tố thời thượng đó chỉ dừng lại ở vẻ bề ngoài. “Như một chiếc áo thời trang đẹp mắt, nhạc Việt không có những ấn tượng gì nổi cộm, thậm chí thua xa thời nhạc Việt của nhiều thập niên trước” - nhạc sĩ Lê Quang khẳng định.
Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi những gì được làm ra, tức theo đuổi trào lưu của nhạc Việt, thường dừng lại ở dạng học “lóm”. Ca sĩ, nhạc sĩ Thanh Bùi nói: “Nhiều nhạc sĩ trẻ rất nhanh nhạy trong việc tạo nên giao diện giống với xu hướng âm nhạc thế giới nhưng để tạo nên cấu trúc chặt chẽ và logic như những ca khúc nước ngoài mà chúng ta được nghe, đòi hỏi người sáng tác phải có quá trình học tập bài bản trong trường lớp”. Trong khi đó, theo NSƯT Hoàng Điệp: “Trường nhạc ở Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi giáo án đậm chất cổ điển và nhạc nhẹ thực sự đến nay vẫn chưa được cập nhật”.
Vậy nên, dễ hiểu khi nhạc Việt trong tham vọng hòa nhập với nhạc thế giới (chỉ ở lĩnh vực nhạc nhẹ) đến nay vẫn chưa tạo nên dấu ấn thực sự với công chúng yêu nhạc. Nhiều ca sĩ thậm chí phải mượn ê-kíp sản xuất âm nhạc ở nước ngoài để thực hiện các sản phẩm âm nhạc của mình, như: Tùng Dương, Đức Tuấn, Hà Anh Tuấn... nhưng hiệu ứng sản phẩm vẫn chưa như mong đợi. “Một sản phẩm thành công phải là sự cộng hưởng của nhiều nhân tố: người làm nhạc và ca sĩ. Nếu thiếu một trong hai thì hiệu ứng khó đạt được như mong đợi” - ca sĩ Hà Anh Tuấn chia sẻ.
Minh chứng là không ít sản phẩm thuộc dòng R&B ra mắt nhưng cho đến nay, nhạc Việt vẫn chưa có một đại diện R&B rõ nét bởi “nếu không hiểu được tính chất đặc trưng của R&B thì làm sao ca sĩ có thể hát ra được chất R&B và hầu hết ca sĩ Việt đều mắc sai lầm này. Đó là trường hợp hát R&B mà không hiểu R&B đòi hỏi những gì” - ca sĩ, nhạc sĩ Thanh Bùi nói. Vì vậy trong quá trình tìm kiếm cho mình phong cách, nhiều giọng ca chỉ khoác cho mình “cái áo” mới trong rất nhiều thể loại âm nhạc mà không biết được mình cần tìm một chất liệu gì cho đúng và phù hợp nhất.
“Thậm chí, một ca khúc bị coi là thị trường của nước ngoài cũng có sức hút khó cưỡng bởi sự sáng tạo và mới mẻ nhưng nhạc Việt lại không có được điều ấy. Bản thân tôi không ít lần muốn có được một ca khúc đậm chất xu hướng nhưng tôi cũng hiểu thật khó để có một ca khúc hay, sản phẩm sáng tạo thực sự của nhạc sĩ Việt nên đôi lần, tôi cũng không biết phải hát gì để đáp ứng nhu cầu của khán giả”- ca sĩ Noo Phước Thịnh chia sẻ.
Vì vậy cho đến nay, chưa có ca sĩ Việt nào đủ sức làm nên hiện tượng thực sự trên thị trường nhạc trẻ, hầu hết đều nhạt nhòa trong bức tranh chung kém tươi màu của thị trường âm nhạc chạy theo xu hướng thời thượng.
Bình luận (0)