xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhạc trưởng Trần Vương Thạch: Gửi hồn theo đũa nhạc

Cát Vũ THỰC HIỆN

Nước da trắng, nụ cười tươi tắn, hồn nhiên, những khi rời bục chỉ huy, trông anh trẻ hơn rất nhiều so với độ tuổi bốn mươi. Trần Vương Thạch hiện được coi như là người nhạc trưởng trẻ tuổi nhất nước, và có lẽ là một trong số rất ít người đã bỏ ra đến 10 năm theo học nghề chỉ huy dàn nhạc. Chương trình do anh cầm đũa chỉ huy mới nhất trước công chúng là chương trình ca nhạc Hòa bình cho tình yêu tưởng nhớ nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, được tổ chức tại Câu lạc bộ Phan Đình Phùng (TPHCM) vào trung tuần tháng tư vừa qua.

 . Vài nét:

- Đại học biểu diễn violon Nhạc viện TPHCM.

- Đại học chỉ huy Nhạc viện Hoàng gia Bỉ.

- Cao học lý luận âm nhạc cao cấp Nhạc viện Hoàng gia Bỉ.

- Chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng TPHCM.

- Giảng viên môn hòa tấu Dàn nhạc Giao hưởng Nhạc viện TPHCM.

. Phóng viên: Nhiều fan của nhạc giao hưởng cho rằng sự có mặt của Dàn nhạc Giao hưởng TPHCM trong chương trình Hòa bình cho tình yêu thật lãng phí khi số lượng tác phẩm mà dàn nhạc tham gia quá ít. Anh nghĩ sao?

- Nhạc trưởng Trần Vương Thạch: Chúng tôi tham gia chương trình này nhằm mục đích thể hiện việc “xã hội hóa nhạc giao hưởng”, nghĩa là muốn chủ động đem loại âm nhạc kinh viện tiếp cận với công chúng. Đây là hướng đi mà Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch TPHCM chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục theo đuổi. Thật ra, ở chương trình Hòa bình cho tình yêu, chúng tôi đã chuẩn bị nhiều hơn so với những gì đã được trình diễn. Song phần lớn những ca khúc mà nhạc sĩ Thanh Tùng phối và dàn nhạc tập luyện đã không được các ca sĩ hát. Họ chỉ hát những bài theo ý họ, do vậy, chương trình quả là chưa khai thác hết khả năng phong phú vốn có của một dàn nhạc giao hưởng. Điều này chính chúng tôi cũng cảm thấy tiếc cho công sức mình.

. Công chúng âm nhạc của thập kỷ 80 vừa qua vẫn chưa quên hình ảnh cây vĩ cầm Trần Vương Thạch một thời trẻ trung và tài hoa. Vì sao anh lại chuyển hướng sang nghiệp chỉ huy?

- Ngày Sài Gòn giải phóng 30-4-1975, tôi hãy còn là một thiếu niên đang học môn biểu diễn violon tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Vốn là những người tích cực tham gia các phong trào đấu tranh đòi hòa bình ở miền Nam, anh chị em trong gia đình tôi đều mau chóng có mặt trong các hoạt động của Thành đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh và nơi phù hợp với lứa tuổi tôi là Nhà Thiếu nhi TP. Lúc ấy, Thành Lộc làm trưởng đội múa, còn tôi là đội trưởng đội nhạc, lo dàn dựng và chỉ huy các tiết mục ca nhạc. Chính những hoạt động thiết thực này đã giúp tôi tự khám phá mình có thiên hướng về chỉ huy và từ đó, quyết tâm học bằng mọi cách để đạt tới mục đích. Vừa học môn violon cho đến hết đại học, tôi vừa tranh thủ học dự thính môn “lý - sáng - chỉ” (lý luận, sáng tác, chỉ huy) và tham gia biểu diễn, phối khí, chỉ huy tập tại Dàn nhạc Thính phòng Nhạc viện TPHCM, và Dàn nhạc Đài Truyền hình TP. Tôi lao vào làm tất cả mọi thứ liên quan đến âm nhạc để tích lũy kinh nghiệm. Năm 1986, tôi ghi tên học lớp đại học tại chức về chỉ huy dàn nhạc ở Nhạc viện TP, trong lòng vẫn luôn chờ đợi một học bổng tình cờ nào đó để được đi học ở nước ngoài và phải mất bốn năm sau, cơ hội ấy mới đến!

. Và anh tình cờ nhận được học bổng?

- Không. Tình cờ ông bác ruột tôi (anh mẹ) ở Bỉ về thăm nhà, biết được nguyện vọng của tôi muốn đi châu Âu học, ông đã giúp đỡ để đưa tôi sang Bỉ. Tôi đã thi đậu vào khoa chỉ huy dàn nhạc Nhạc viện Hoàng gia Bỉ ngay cuộc thi tuyển đầu tiên và đã bươn chải, làm việc ngoài giờ để tự trang trải chi phí ăn học trong suốt sáu năm. Tôi còn nhớ lúc ấy, khi làm thủ tục xuất ngoại, những nhân viên ở văn phòng đường Nguyễn Du, Q.1) đã hỏi tôi với vẻ ngạc nhiên: “Người ta đi du học tự túc thường chọn học kinh tế mới mong được giàu có, còn anh đi học nhạc chi vậy?”.

. Thi là đậu ngay, vậy phải chăng trình độ đào tạo âm nhạc cổ điển của ta đã ngang tầm với các trường đẳng cấp cao của thế giới?

- Về chuyên môn, tôi đã học bốn năm với giáo sư Quang Hải nên việc “đậu ngay” cũng là dễ hiểu. Song khi vào học rồi, tôi mới thấy mình còn bị nhiều lỗ hổng. Lỗ hổng về kiến thức văn hóa, xã hội và nhiều lĩnh vực khác nữa, nên tôi đã phải rất vất vả trong việc tìm cách bổ sung. Bởi vì tôi quyết, đã đi học là học cho đến đầu đến đũa, phải giải đáp cho được những câu hỏi mà ở trong nước mình chưa có điều kiện tìm biết. Tôi đã lùng sục kiếm cho được các tư liệu về âm nhạc châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng trong các thư viện ở nước ngoài, không chỉ ở Bỉ mà còn ở tại nhiều nước tôi có cơ hội đến biểu diễn. Nhờ vậy, tôi hoàn thành được luận án cao học về lý luận, bên cạnh văn bằng đại học chỉ huy.

. Được biết, sau khi tốt nghiệp, anh đã nhận được không ít những lời mời hấp dẫn trong các dàn nhạc ở châu Âu. Vì sao anh lại chọn con đường trở về nước?

- Bên cạnh những nỗ lực không ngừng trong học tập, tôi tự thấy mình còn là người vô cùng may mắn khi ngay năm học thứ hai, tôi đã được dàn nhạc trẻ ở thành phố Liège (Bỉ) có tên là Hamal mời chỉ huy cho đến khi về nước. Làm việc với Hamal, tôi có cơ hội thực hành và hơn nữa, đã đưa vào chương trình diễn những tác phẩm giao hưởng của các nhạc sĩ VN. Nhằm mục đích cọ xát, học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm, tôi tham gia nhiều hoạt động, khi thì làm nhạc công violon, lúc làm chỉ huy. Tôi đi diễn ở nhiều nước như Ý, Đức, Hà Lan... và nhờ vậy đã được nhiều dàn nhạc biết đến. Khi tôi ra trường, có nhiều lời mời ở lại làm việc bởi tất cả dường như đã trở thành thân quen. Song, mục tiêu đi học của tôi là làm dày thêm kiến thức, để góp phần xây dựng nền âm nhạc ở quê nhà nên tôi chỉ muốn quay về. Chính vì hiểu rõ những thiếu thốn, gian khổ ở quê nhà, mà tôi nôn nóng muốn nhanh chóng về nước. Tôi cảm thấy mình phải có trách nhiệm với nghề nghiệp, với xã hội. Tôi thấy tự hào khi được là một trong những người đầu tiên xây dựng Dàn nhạc Giao hưởng TPHCM, dẫu rằng cho đến nay, sau chín năm, dàn nhạc vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn về người, về đời sống vật chất, về sự thăng tiến nghề nghiệp... Tôi mừng là dẫu muôn vàn khó khăn như vậy, Dàn nhạc đã đạt được một số kết quả chuyên môn trong biểu diễn các tác phẩm quốc tế, cũng như trong việc xây dựng những tác phẩm giao hưởng vũ kịch Việt Nam với hai vở Ngọc trai đỏ và Kiều Nguyệt Nga-Lục Vân Tiên. Việc sáng tác một tác phẩm giao hưởng Việt Nam  rất khó, vì người nghe đòi hỏi cùng lúc chất lượng âm nhạc phải ngang bằng với quốc tế lại phải đảm bảo tính dân tộc.

. Như vậy, phải chăng Dàn nhạc Giao hưởng TPHCM đang phải sống trong nghịch lý: chuyên môn cao nhưng sự đãi ngộ lại thấp?

- Đúng vậy. Một thành viên “yếu” nhất trong dàn nhạc cũng phải  mất đến 16 năm học, chưa kể mỗi ngày phải bỏ ra nhiều giờ để tập luyện. Điều nghịch lý là nghệ thuật này cần mức đầu tư lớn song chưa thể kinh doanh được. Nhưng không đầu tư thì không có những tác phẩm có tầm để có thể “nói chuyện” với quốc tế. Không lẽ một đất nước mà nền nghệ thuật âm nhạc chỉ có ở mức phổ thông? Dàn nhạc của chúng tôi hiện nay chưa có đủ biên chế. Một cơ sở vật chất cần hoành tránh, to rộng và đẹp dành cho việc tập luyện và biểu diễn vẫn còn nằm trong mơ ước.

. Bên cạnh việc trăn trở với Dàn nhạc Giao hưởng TP, người ta thỉnh thoảng vẫn thấy anh sát cánh với vợ chồng nhạc sĩ Lê Giang - Lư Nhất Vũ đi sưu tầm dân ca. Anh tìm gì ở đó cho dàn nhạc phương Tây đang phụ trách?

- Tôi cho rằng âm nhạc giao hưởng dù được sáng tác ở đâu cũng trở thành tài sản chung của nhân loại. Nó khai thác bản sắc và tôn vinh tinh hoa văn hóa của các dân tộc. Vì vậy, nếu các tác phẩm giao hưởng Việt Nam đạt được đẳng cấp thế giới cũng sẽ có được vinh dự này. Mục tiêu của cả sự nghiệp cuộc đời tôi là nghiên cứu sâu về lý luận âm nhạc truyền thống Việt Nam. Tấm bằng cao học lý luận mà tôi có được là qua luận án mang đề tài “Nghiên cứu học thuật về âm nhạc cồng chiêng”. Về nước, tôi vẫn muốn tiếp tục theo đuổi đề tài đó, thử nghiệm qua sưu tầm, sáng tác, viết cho dàn nhạc giao hưởng, cho các sân khấu, phim ảnh..., nhằm tìm ra được cái gì mới cho âm nhạc Việt Nam, có giá trị cho hoạt động âm nhạc chuyên nghiệp.

. Đã gần tròn 28 năm, từ một cậu thiếu niên chỉ huy dàn nhạc “nhí” ở Nhà thiếu nhi đến một nhạc trưởng Dàn nhạc Giao hưởng TP hôm nay, nhìn lại cuộc sống thanh bạch của gia đình, anh có tiếc nuối điều gì?

- Sao lại tiếc nuối? Trái lại, tôi thật sự hạnh phúc vì không ngờ những ước mơ thuở nhỏ giờ đã trở thành hiện thực. Hai thời khắc tuy có khác nhau về tầm cỡ, song hầu như không khác bao nhiêu về cảm xúc. Lúc nào tôi cũng luôn dốc lòng, dốc sức, tận tâm, tận lực với cái nghề mà mình cảm thấy có thiên hướng. Tôi vẫn luôn nhớ về một thời đẹp đẽ ở Nhà Thiếu nhi TP, chỉ với đam mê,  chúng tôi đã xây dựng được một đội văn nghệ thiếu nhi mà đến nay khó có thể có được một đội ngang tầm như thế. Chính ở đây là bước khởi đầu, kích thích và giúp tôi tìm ra được khả năng của mình.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo