Những tâm hồn đồng điệu yêu mến ca khúc Phạm Duy có dịp thưởng lãm những tác phẩm hội họa đầy nhạc cảm, hay nói cách khác là cuộc phối hợp tuyệt vời giữa nhạc và họa qua nét vẽ của lão họa sĩ Phạm Cung.
Dù đã vẽ tranh từ nhạc Phạm Duy cách đây 55 năm (từ năm 1960) nhưng đây là lần đầu tiên lão họa sĩ tuổi ngoài 80 mang những bức tranh này giới thiệu đến công chúng. Ông bảo: “Hơn 50 năm qua, tôi vẫn thường xuyên nghe nhạc Phạm Duy, càng nghe càng muốn cầm cọ vẽ tranh minh họa cho các sáng tác của anh nhiều hơn. Bức đầu tiên tôi vẽ vào năm 1960 và bức mới nhất là vào năm 2000, tất cả đều bằng chất liệu sơn dầu”.
Những người yêu và quen thuộc với từng câu hát trong nhạc phẩm Phạm Duy hẳn sẽ thấy ngạc nhiên và thú vị khi xem những bức tranh của Phạm Cung bởi trong mỗi bức tranh, ông lại “mượn” một câu hát từ một ca khúc để vẽ. Có khi là một đoạn, một câu dài nhưng đôi khi chỉ là một từ, cụm từ trong các sáng tác như “Tình ca”, “Tình nghèo”, “Hòn vọng phu”, “Tình hoài hương”, “Bà mẹ quê”, “Ngày trở về”…
Ví dụ trong bài “Tình ca”, Phạm Cung vẽ các bức từ những câu hát như: “Một yêu câu hát Truyện Kiều/Lẳng lơ như tiếng sáo diều làng ta; Tôi yêu biết bao người. Lý, Lê, Trần... và còn ai nữa; Tôi yêu tiếng nước tôi…”. Hay trong bài “Tình nghèo”, ông vẽ các bức: “Nhớ nhớ thuở nào, anh cày thuê”; “Giặc về ta đánh”; “Đừng chia rẽ đôi lứa mình”…
“Nhạc Phạm Duy quá hay nhưng không thể chuyển tất cả các câu hát thành tranh. Không phải bài hát nào tôi cũng vẽ, có bài vẽ hàng chục bức nhưng có bài chỉ vài bức. Tôi chọn những câu hát thật hay, thật đắt và gợi nhiều hình ảnh để vẽ” - Phạm Cung chia sẻ.
Ghé nhà Phạm Cung, ông khoe gần 300 bức tranh vẽ từ các ca khúc của Phạm Duy. Lý do vì không dễ để chọn được không gian trưng bày nên khán giả tới triển lãm chỉ được thưởng thức chừng 30 bức tranh của ông, số còn lại vẫn được lão họa sĩ cất giữ tại nhà.
Nhìn người họa sĩ già lật từng bức vẽ, đọc từng lời bài hát mới thấy niềm đam mê hội họa và tình yêu các ca khúc Phạm Duy trong ông vời vợi như thế nào. Có những bức vẽ từ mấy chục năm trước, nay đã bị cũ rách, mục nát do thời gian và côn trùng cắn phá nhưng ông vẫn bao bọc cẩn thận, nâng niu như kỷ vật.
Lúc còn trẻ, Phạm Cung có mối thâm tình với nhạc sĩ Phạm Duy nên ông không chỉ vẽ tranh từ nhạc mà còn tạc tượng nhạc sĩ Phạm Duy.
Không chỉ “biến” nhạc Phạm Duy thành tranh, họa sĩ Phạm Cung từng “biến” những tác phẩm văn học tiêu biểu như “Truyện Kiều” của Nguyễn Du và “Hậu Kiều” của Phạm Thiên Thư thành tranh. Ông cũng là họa sĩ nổi tiếng với những bức họa về đàn bà.
Bình luận (0)