Mới đây, phiên bản Vầng trăng khóc tiếng Hoa lại xuất hiện. Một lần nữa, vấn đề bản quyền âm nhạc được đặt ra, cùng theo nó là câu hỏi: quyền tác giả của các nhạc sĩ Việt Nam được bảo vệ thế nào?
Khi bị vi phạm tác quyền âm nhạc
Thực tế, không chỉ Vầng trăng khóc bị đạo mà một số ca khúc khác như Xa muôn trùng vây (Nguyễn Văn Chung), Lời nguyền, Cầu vồng khuyết (Minh Khang), Tại sao (Quang Huy)… phiên bản tiếng Thái, Campuchia cũng đã xuất hiện. Sự xuất hiện này khiến dư luận một phen nghi hoặc, vì không biết thật ra nhạc sĩ Việt Nam bị nhạc sĩ nước bạn “đạo” hay ngược lại.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, các bài hát Việt Nam bị “đạo” nhiều nhất là từ Campuchia. Các ca sĩ Việt Nam thường hay đến nước này biểu diễn tại sòng bài, các bài hát này từ đó cũng được khán giả lẫn ca sĩ nước bạn biết đến nhiều hơn. Không chỉ bị đạo về ca khúc, thậm chí có khi ca sĩ nước bạn thực hiện clip cũng giống 100% với clip của Việt Nam.
“Rất khó để truy nguyên người vi phạm, đơn vị tổ chức nào vi phạm trong các trường hợp này, phần vì ngôn ngữ Thái hay Campuchia, Lào không được phổ biến, phần vì vấn đề tác quyền của nước họ cũng không được nghiêm minh”, anh Chung cho biết. Nhạc sĩ này đã cung cấp mọi giấy tờ để nhờ Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) bảo vệ, nhất là đối với phiên bản tiếng Hoa được đặt lại tự là Biển ánh trăng, do nhóm 7 tháng 7 thể hiện và Công ty văn hóa Thiên Lạc tại Bắc Kinh phát hành, mới xuất hiện.
Tạo hình của Khánh Ngọc - Nhật Tinh Anh trong clip Vầng trăng khóc cũng bị "đạo".
“Chúng tôi đã gửi văn bản yêu cầu xác minh và xử lý cho cơ quan quản lý nước bạn. Tuy nhiên, để có câu trả lời thì cần phải có thời gian”, ông Đinh Trung Cẩn, Giám đốc VCPMC phía Nam, cho biết. Cũng theo ông Cẩn, việc giải quyết này mất nhiều thời gian vì đây không phải là chuyện nhỏ, không còn là vấn đề giữa cá nhân với nhau. “Chúng tôi cần phải cẩn trọng, vì nếu sai họ có thể kiện ngược mình. Chừng đó sự việc lại càng lớn thêm”, ông Cẩn nói.
Không kiện được vì… bất đồng ngôn ngữ
Thực tế, cũng có khả năng ca sĩ nước bạn chỉ chuyển ngữ và vẫn để nguồn gốc nhạc. Tuy nhiên, theo ông Đinh Trung Cẩn, trước nay chưa hề có ca sĩ nuớc ngoài nào liên hệ với phía Việt Nam xin phép chuyển ngữ. Nghĩa là, nếu có như thế thì họ vẫn vi phạm vấn đề tác quyền.
Tuy nhiên, vấn đề được đặt ra là nhạc sĩ Việt Nam sẽ được bảo vệ thế nào khi họ bị các cá nhân, tổ chức nước ngoài vi phạm. Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, khi phiên bản tiếng Thái và Lào xuất hiện vào năm 2005, anh đã cung cấp mọi bằng chứng để chứng minh đây là bài hát do anh sáng tác, và đề nghị VCPMC bảo vệ quyền lợi. Nhưng câu trả lời là không thể vì VCPMC không có ai… thạo hai ngôn ngữ này.
“Với phiên bản tiếng Hoa mới đây, tôi phải nhờ người tìm giùm ca khúc mà ca sĩ nước bạn hát, xong đem ra khu dịch thuật ở Q.5, TP HCM nhờ dịch hộ. Rồi tôi phải nhờ người truy ra đơn vị nào phát hành… Sau đó đem tất cả giấy tờ này đến VCPMC”, anh Chung ngán ngẩm. Với anh, khả năng tự bảo vệ mình chỉ được bấy nhiêu, còn với phiên bản Thái hay Lào, Campuchia thì đành chịu, vì không quen ai bên ấy, cũng không rành ngôn ngữ của họ, dù đây là vấn đề lẽ ra VCPMC phải làm.
Cũng thiếu lòng tin về khả năng được bảo vệ từ các cơ quan chức năng, nhạc sĩ Minh Khang cho rằng theo đuổi các trường hợp này chỉ thêm tốn công. “Trong nước mà còn chưa được bảo vệ tốt, huống chi nước ngoài. Nếu tự kiện được thì tiến hành chứ nếu trông chờ vào cơ quan nào đó, đơn vị nào đó thì thôi”, anh Minh Khang thẳng thắn.
Bình luận (0)