Không đạo nhái nhạc nước ngoài, không gây sốc mua view bằng ca từ rẻ tiền, nhiều ca khúc mới ra lò của các cây viết trẻ qua chương trình “Sing my song” khiến người nghe nghĩ lại và tin rằng thị trường nhạc Việt đang có dấu hiệu hồi sinh.
Có tuổi thọ
Những năm trước, các ca khúc gây đình đám trong làng nhạc như “Bốn chữ lắm” của Phạm Toàn Thắng hay “Thật bất ngờ” của Mew Amazing thật hiếm hoi nhưng gần đây, các sáng tác như thế ngày càng nhiều.
Cơn sốt “Ông bà anh” và mới đây là ca khúc mới “1 +1=” cũng của Lê Thiện Hiếu, qua chương trình “Sing my song”, đã làm dài thêm danh sách ca khúc hay. Trên các diễn đàn âm nhạc, người nghe cũng bàn luận rôm rả về ca khúc “Kiều” của Cao Bá Hưng và “Chí Phèo” của Bùi Công Nam. Mỗi ca khúc đều đạt lượng người xem 5-7 triệu lượt và chưa dừng lại ở đó. Ngoài ra, “Hồi ức” của Phan Mạnh Quỳnh, “Thoát” của nhóm MTV, “Xách balo lên và đi” của Vicky Nhung… cũng đều là những tác phẩm chinh phục được người nghe.
Sự khác biệt của những ca khúc mới này so với nhiều ca khúc thời gian qua là chúng được sáng tác bằng cảm xúc thật của chính tác giả. Những câu chuyện được đề cập trong các ca khúc rất đời thường với ca từ gần gũi, giản dị nhưng cũng rất chuẩn mực, đặc biệt là thông điệp nhân văn chuyển tải trong đó. Khi chúng được cất lên, khán giả nhận thấy cảm xúc của người viết chất chứa trong đó.
Ca sĩ - nhạc sĩ Bảo Lan, thành viên nhóm 5 Dòng Kẻ, đánh giá: “Các cây viết trẻ hiện nay cũng giỏi trong khâu sáng tác. Minh chứng là những gì chúng ta đã thấy qua hiệu ứng lan tỏa rộng rãi của một số ca khúc như: “Ông bà anh”, “Chí Phèo”, “1+ 1=”, “Kiều”... Đây chưa phải là những ca khúc thực sự đẳng cấp nhưng chúng cân bằng được yếu tố chuyên môn với thị trường. Điều đó giúp những sáng tác này có tuổi thọ chứ không chỉ tồn tại đôi ba bữa dù rất ồn ào khi mới xuất hiện như hiện trạng ca khúc chết yểu nổi bật gần đây”.
Những sáng tác của Tiên Tiên, Tăng Nhật Tuệ, Đinh Mạnh Ninh, Vũ Cát Tường... thời gian gần đây cũng được giới chuyên môn đánh giá cao và chiếm được cảm tình của khán thính giả. Bởi lẽ, chúng có thông điệp rõ ràng, là những câu chuyện đời được kể bằng ngôn từ văn chương chứ không thô thiển như nhiều ca khúc nhạc trẻ trên thị trường âm nhạc hiện nay. Điều này càng cho phép khán giả tin tưởng về một thế hệ sáng tác trẻ có thể tạo ra được những ca khúc thực sự hay.
Vai trò bà đỡ
Lớp trẻ nhanh nhạy trong tiếp thu cái mới, hiện đại nhưng thường hổng về kiến thức nền tảng, nhất là phông văn hóa. Vì vậy, khi tiếp thu cái mới, hiện đại, ít người “tiêu hóa” được để chắt lọc những gì tinh túy nhất nhằm làm nên cái riêng biệt cho mình. Điều này lý giải vì sao các sáng tác trẻ thời gian qua đa phần không hổng về âm nhạc thì hổng về nội dung, ca từ.
Qua chương trình “Sing my song”, nhiều người thấy rõ vai trò bà đỡ của những người có chuyên môn giỏi trong việc điều chỉnh, định hướng tư duy sáng tác, chăm sóc chỉn chu ca từ, cả phần hòa thanh phối khí để người tham gia sáng tác có được tác phẩm hoàn chỉnh trình làng.
Để có được ca khúc “1+ 1=” gây ấn tượng với người nghe, vai trò của nhạc sĩ Lê Minh Sơn và nhạc sĩ Nguyễn Cường là không nhỏ. Lê Thiện Hiếu nhớ lại: “Khi được giao chủ đề gia đình và xã hội, tôi đã viết một ca khúc giống kiểu “Ông bà anh”. Khi vừa nghe, cả nhạc sĩ Lê Minh Sơn lẫn nhạc sĩ Nguyễn Cường đều lắc đầu, tỏ rõ thất vọng và bắt tôi phải bỏ đi để viết lại. Tôi đã viết “1+ 1=” theo cách hoàn toàn khác trong sự uốn nắn mạch ý tưởng, gợi ý, từng nốt nhạc và cả việc chắt lọc ca từ của 2 nhạc sĩ bậc thầy. Nếu không có anh Sơn, tôi cũng không có “1 +1=” .
Nhạc sĩ Lê Minh Sơn giải thích rằng 4 huấn luyện viên của “Sing my song” thực ra chỉ là những người làm nhiệm vụ tạo áp lực cho các thí sinh. Đó cũng chính là thử thách mà họ phải vượt qua để trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp. “Chúng tôi tin vào những tác giả trẻ hiện nay. Họ có tài và chỉ cần có người chỉ dẫn là dễ dàng hoàn thiện bản thân một cách xuất sắc” - nhạc sĩ Lê Minh Sơn khẳng định.
Theo nhạc sĩ Đức Trí, giá trị của áp lực có vai trò rất lớn trong sáng tác. “Áp lực không hẳn giúp nhạc sĩ viết được những ca khúc hay nhưng khi phải đối mặt với nó, người sáng tác buộc phải tạo ra sản phẩm. Tôi đang chỉ cách cho học trò của mình phải tự tạo áp lực với bản thân trong công việc sáng tác sau này. Khi buộc phải vượt qua áp lực, họ sẽ nghiêm túc hơn rất nhiều trong công việc của mình” - nhạc sĩ Đức Trí nhìn nhận.
Ca sĩ - nhạc sĩ Bảo Lan phân tích: “Huấn luyện viên hay những người làm nhiệm vụ trợ giúp nếu có cũng chỉ có thể giúp các bạn trẻ cách tìm kiếm chủ đề sáng tác hoặc cách tạo cảm hứng cho mình trước một chủ đề nào đó. Còn việc nâng tầm ca khúc đến mức chỉn chu, chuyên nghiệp thì phải dựa vào trình độ chuyên môn, vốn trải nghiệm cuộc sống của mỗi người. Những điều này thì không ai giúp được cả”.
Ý thức làm nghề
Lực lượng trẻ tham gia sáng tác ca khúc ngày càng đông, nhất là khi xu hướng phát triển của thị trường âm nhạc hiện nay đòi hỏi ca sĩ phải vừa là người sáng tác. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được kỹ năng sáng tác tốt nên họ cần được bồi dưỡng. Đây là lý do mà Hội Âm nhạc TP HCM kết hợp với Nhạc viện TP thực hiện dự án mở lớp đào tạo sáng tác dành cho những cây viết trẻ nhiều năm qua. Đáng tiếc là dự án này không phát triển rộng được vì như lời tiết lộ của một cây viết trẻ: “Đi học mất nhiều thời gian quá mà không được kết quả gì bởi phương pháp còn cũ kỹ và thiếu cập nhật”.
Nhạc sĩ Đức Trí cho rằng với những người vừa có nghề vừa hiểu biết thị trường, việc định hướng cho các bạn trẻ đi theo con đường sáng tác đáp ứng cả 2 yếu tố thị trường và chuyên môn là điều không khó. Vấn đề là người trẻ phải biết cầu thị, tìm được bà đỡ cho mình. Quan trọng nhất vẫn là ý thức làm nghề nghiêm túc và chuyên nghiệp của mỗi cá nhân khi chọn sáng tác làm sự nghiệp của mình.
Bình luận (0)