Dòng xoáy của thị trường âm nhạc nhiều năm qua cứ cuốn ca sĩ, nhà tổ chức chương trình chạy theo những ca khúc mang yếu tố thị trường, cả những chương trình ca nhạc trên các đài truyền hình cũng không tránh khỏi sự tác động này. Và khi dòng nhạc thị trường rơi vào bế tắc, các nhà tổ chức chương trình và ca sĩ lại quay về với những giá trị âm nhạc xưa. Các đài truyền hình cũng bắt đầu khai thác trở lại những ca khúc “vượt thời gian”.
Công chúng đón nhận nồng nhiệt
Điều đáng ghi nhận là những chương trình ca nhạc này rất được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Lâu nay, khán giả muốn thưởng thức những ca khúc “vượt thời gian” thường phải đến các phòng trà ca nhạc. Nhưng nay, khán giả có thể đến thưởng thức những ca khúc thuộc loại này tại nhà hát, được dàn dựng trên một sân khấu lớn. “Thắng lớn” là những gì khán giả nhận thấy được ở cả hai chương trình ca nhạc định kỳ do Đài Truyền hình TPHCM và Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức để thu hình phát sóng vừa lần lượt diễn ra: Còn mãi với thời gian (HTV) và Tình khúc vượt thời gian (VTV).
Ca sĩ Cẩm Vân trong chương trình Còn mãi với thời gian
Khán phòng Nhà hát Hòa Bình (TPHCM), với số ghế 3.500 chỗ, chật kín người trong đêm diễn đầu tiên của chương trình Tình khúc vượt thời gian (dù chương trình có bán vé) và Phòng Hòa nhạc Nhạc viện TPHCM với 350 chỗ ngồi - nơi diễn ra chương trình Còn mãi với thời gian - cũng đặc kín khách mời.
Tất nhiên, đối tượng khán giả đến theo dõi những chương trình này là khán giả lớn tuổi, ăn mặc lịch sự, cùng với thái độ thưởng thức âm nhạc một cách trân trọng. Sự cộng hưởng của khán giả với chương trình đã tạo nên một không gian âm nhạc đầy cảm xúc. MC Quỳnh Hương (thành viên phụ trách thực hiện chương trình Còn mãi với thời gian) nói: “Trên cả tuyệt vời! Sau chương trình biểu diễn, tất cả ca sĩ tham gia biểu diễn đều nói “khán giả tuyệt vời quá. Với nghệ sĩ, sự hưởng ứng, trân trọng của khán giả như thế là quý giá hơn mọi thứ”.
Từ thành công đó, ê kíp thực hiện cả hai chương trình đều đã xây dựng một chuỗi những đêm diễn tiếp theo để đáp ứng nhu cầu khán giả yêu nhạc. Trong đó, chương trình Còn mãi với thời gian chỉ chờ “lịch” để ra mắt những đêm diễn được xây dựng theo những chủ đề nhất định như Hùng ca kháng chiến chống Pháp diễn ra ngày 26-10 tại Nhạc viện TPHCM (phát sóng tháng 11), Ca khúc từ các tác phẩm kinh điển thế giới (phát sóng dịp Tết Dương lịch), Mối giao hòa giữa thơ và nhạc (phát sóng dịp năm mới 2012) hay chương trình Tình khúc vượt thời gian tháng 10 với chủ đề Hoài niệm vào ngày 24-10 tại Nhà hát Hòa Bình (TPHCM) và được truyền hình trực tiếp trên VTV9. Chương trình Thay lời muốn nói tháng 10, diễn ra đêm 9-10, tại Nhà hát Truyền hình TPHCM, cũng dành trọn chương trình cho các ca khúc vượt thời gian, với chủ đề Hoài cảm.
Do lượng ghế ngồi của Phòng Hòa nhạc Nhạc viện TPHCM hạn chế nên khán giả khó có thể có cơ hội theo dõi trực tiếp chương trình. Vì vậy không ít khán giả phải “săn” vé để được có mặt trong chương trình.
Cảm xúc thêm tròn đầy
Những ca khúc nhạc xưa bất hủ: Thiên thai, Suối mơ, Đêm đông, Bướm hoa, Hòn vọng phu, Đoàn lữ nhạc, Nghệ sĩ hành khúc, Bẽ bàng, Bóng ai qua thềm, Con thuyền không bến, Biệt ly, Cô hái mơ, Hoài cảm, Mộng dưới hoa, Buồn nhớ quê hương, Ngày xưa Hoàng Thị... đương nhiên có sức hút đặc biệt với khán giả yêu nhạc lớn tuổi. Nhưng yếu tố hấp dẫn của những chương trình này đối với khán thính giả ở đây là họ được nghe, cảm nhận qua tiếng hát của nhiều ca sĩ mà mình yêu thích trong một chương trình biểu diễn trên sân khấu.
Không công phu trong dàn dựng, cũng chẳng kỹ xảo màu mè, những chương trình Tình khúc vượt thời gian hay Còn mãi với thời gian chỉ được thực hiện đơn giản với màn hình LED giữ nhiệm vụ phông nền sân khấu và ban nhạc chơi sống trên sân khấu. Điều đó đồng nghĩa ca sĩ không chỉ phải hát sống cùng ban nhạc mà mọi sự đầu tư đều tập trung cho việc hỗ trợ ca sĩ thể hiện ca khúc một cách tốt nhất. Nếu trước đây, khán giả chỉ có thể nghe nhạc xưa ở phòng trà thì nay, cảm xúc của khán giả thêm tròn đầy vì một không gian thưởng thức âm nhạc đúng nghĩa tại nhà hát hay phòng hòa nhạc.
Nhiều hương vị
Với những ca khúc nhạc xưa, ban tổ chức chương trình luôn cố gắng tìm những giọng ca phù hợp (cũng đã khẳng định tên tuổi qua thời gian) để lột tả hết cảm xúc của từng tác phẩm: NSND Thu Hiền, Cẩm Vân, Ánh Tuyết, Lan Ngọc, Giao Linh, Thanh Long Bass, Quỳnh Lan, Thùy Dương, Hồng Hạnh,… bên cạnh những giọng ca trẻ được đánh giá cao về chất giọng, đủ thuyết phục khán giả trong khả năng hát sống cùng ban nhạc: Quang Dũng, Quang Linh, Đức Tuấn, Thanh Thúy, Lê Hiếu, Hồng Ân, Hồ Trung Dũng,… Sự xuất hiện của những giọng ca trẻ “không chỉ làm tăng thêm hương vị bởi cách thể hiện mới với những bản phối mới cho những ca khúc “xưa” như quan niệm của những người thực hiện chương trình Tình khúc vượt thời gian mà còn là để giải quyết tình trạng “nhiều nghệ sĩ lớn tuổi khó có thể nhớ nổi lời bài hát khi hát sống cùng ban nhạc”. |
Bình luận (0)