Cái cảm giác ấy trở nên nặng nề hơn khi đến một số lễ hội. Ở hội này, nhìn quanh chỗ nào cũng thấy biển quảng cáo, hết Cô-ca hoặc Pep-si, lại đến Tai-gơ (trong một số trường hợp họ là nhà tài trợ chính nên mặc sức tung hoành). Và, ở hội kia, trong khi thiếu vắng những trích đoạn văn hóa dân gian cổ truyền có khả năng dựng tạo không khí huyền thoại, thì ngược lại nhan nhản những trò chơi “hiện đại” chỗ này đu quay (hoặc xiếc mô tô bay) chỗ kia ném vòng ăn tiền. Thành thử người đến tham dự được sống với quá khứ thiêng liêng thì ít, mà phần nhiều toàn phải nhét vào tai những tiếng hò, tiếng quát thét, tiếng mời chào mua hàng “mua cái này đi ông anh”, “thử một chuyến may đi bà chị”.
Nói cho cùng, quy luật của lễ hội là quy luật của đám đông. Quanh năm làm ăn vất vả, được ít ngày rỗi rãi, chẳng lẽ lại bắt mọi thứ vào khuôn khổ như trong một buổi họp? Hoặc với khách thập phương, phóng xe mấy chục cây số về đây để xả hơi, chẳng lẽ không được phép cười đùa ngả ngớn? Nhưng trong một chuyến đi theo đoàn du lịch bình dân sang Trung Quốc thời gian gần đây, khi vào thăm các danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở xứ người, tôi đã được chứng kiến những đám đông khác. Người cũng bạt ngàn, chen chân nhau mà đi, có những chỗ người đi sau chỉ thấy lưng của người đi trước, nhưng người ta vẫn giữ được trật tự, từ tốn, yên lặng và các ban tổ chức ở đó không cần giăng loa ra nhắc nhở kêu gọi! Hỗn độn không phải là định mệnh của mọi đám đông, càng không phải nhược điểm không thể sửa chữa của mọi lễ hội, chẳng qua do chúng ta không biết bảo nhau mà thôi.
Có một khía cạnh tâm lý, nó là nguồn gốc gây nên cảnh hỗn độn ở một số lễ hội, ấy là sự thiếu thành kính ở một số người đến dự, và trong nhiều trường hợp, của người đứng ra tổ chức.
“Có yêu mến di tích thắng cảnh và muốn sống lại không khí thiêng liêng của lễ hội, tôi mới bỏ công tới đây, sao anh lại bảo tôi không thành kính?”, người ta có thể cãi lại như thế và bằng lý lẽ, thì có ai chịu ai bao giờ! Nhưng con người ta bộc lộ không phải qua tài cãi lý mà qua cử chỉ hành động; nhiều khi chỉ một nụ cười, một ánh mắt đã nói lên tất cả và cái này, thì người đến hội làm sao giấu nổi! Khi người ta đi hội không phải do người ta ham muốn “tìm về dân tộc” thực sự, mà chỉ mang máng cảm thấy một việc làm hay hay nên làm, rồi do vui bạn vui bè, do đua đả mà làm, khi sự thành kính bay đến chốc lát cũng bay biến đi rất nhanh. Ý thức không đủ mạnh để chi phối hành động. Đôi khi nó chỉ còn là một thứ chiêu bài và chiêu bài càng đẹp thì người thiếu ý thức càng dễ làm bậy. Chuyện này lại càng khó sửa, vì xem ra, có từ đã lâu, báo chí từ trước 1945 đã kêu nhiều lắm. Trong một số báo Ngày nay ra năm 1938, tôi đã đọc một bài viết của Tứ Ly mang tên Hội Lim... Hội liếc, trong đó kể chuyện bọn công tử Hà thành về Hội Lim thường giở trò cợt nhả.
Một biểu hiện của sự thiếu thành kính thấy rõ rành rành nên không ai biện hộ nổi - và còn cộm lên hơn, so với ngày xưa - đấy là tâm lý vụ lợi. Nếu được “gọi sự vật bằng cái tên của nó”, hoặc nói theo cách nói dân gian “đi guốc trong bụng nhau”, người ta phải nhận rằng nhiều nam thanh nữ tú đến hội xem là phụ, cái chính là đi cầu tài cầu lộc cho bản thân và gia đình, và chắc hôm sau, về nhà chỉ khoe chuyện cúng bái, chứ khung cảnh lễ hội như thế nào chẳng thể nhớ nổi. Mà có riêng khách thập phương đâu, cả dân sở tại với ban tổ chức địa phương cũng theo tinh thần ấy mà làm việc. Dân làng lo bán hàng, hàng giăng ra từ xa đến gần (đến mức một bài báo viết về lễ hội nọ đã trương lên cái đầu đề khái quát: Chùa hay chợ?). Còn ban tổ chức thì sao? Việc quản lý một đám đông hàng trăm hàng vạn người là cả một chuyện phức tạp. Song không ai nhận là mình không biết, mà chỉ bảo nhau cứ để tự nhiên, thế nào cũng xong (!). Năm nào cũng rút kinh nghiệm mà chẳng năm nào thấy trật tự vệ sinh nhúc nhích. Thành công của một lễ hội, sau hết hình như trông vào mức “công đức” thu được nhiều hay ít, và sự thực người ta đã nghĩ về nó nhiều hơn mọi chuyện khác.
Thường thường, đến khoảng 3-4 giờ chiều, các lễ hội đã vãn hẳn người và cho đến sẩm tối thì chẳng còn ai. Không khí lặng lẽ bao trùm tưởng như chưa có đám đông nào tụ họp ở đây cả.
Nhưng đến lúc này, vẫn chưa thể nói rằng sự bình thường đã trở lại. Không có tiếng ồn, song bóng dáng của sự hỗn độn vừa đi qua còn rõ rành rành. Mặt đất là nơi mọi thứ rác thải tự do trình diện. Vỏ chai, vỏ đồ hộp hiện ra la liệt. Túi ni lông to có nhỏ có, cái bên trong đầy rác, cái rỗng không để cùng với những mảnh giấy báo, giấy lót bay phất phơ khắp nơi. Có những bãi rộng, tới mấy ngày sau người ta vẫn ngại đi qua, vì sợ ruồi nhặng, phải chờ cho nắng gió làm cho chúng khô xác đi và biến mất, rồi người ta mới bình tâm nhớ lại lễ hội. Và bởi lẽ ai cũng chỉ ưa nhớ lại những điều tốt đẹp, nên sự hỗn độn ở đây mới cứ thế kéo dài từ năm này qua năm khác.
Bình luận (0)