xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

“Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” là sao?

Hoàng Tuấn Công

Khi các bãi biển có dấu hiệu bị ô nhiễm thời gian qua, người ta nói nhiều về câu “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”. Không phải ai cũng hiểu đúng câu này.

“Bách khoa tri thức” giải thích: “Phá sơn lâm: Nghề khai thác rừng; Đâm hà bá: Nghề đánh bắt thủy sản. “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”: Khai thác rừng và đánh bắt thủy sản là hai nghề vất vả, cực nhọc”.

Tra tìm trong 10 cuốn từ điển thường dùng, duy nhất có “Từ điển tục ngữ Việt” của Nguyễn Đức Dương thu thập câu “Nhất phá sơn lâm, nhị đâm hà bá” và hướng dẫn xem dị bản “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá”. Rất tiếc, không rõ do sai sót ở khâu nào, mục này không có lời giải thích như chỉ dẫn của soạn giả.

Tìm kiếm trên mạng, thấy vấn đề không đơn giản bởi cách giải thích, cách hiểu rất khác nhau:

1. Bài “Nhất phá sơn lâm” của Minh Thạnh (phattuvietnam.net): “Phá sơn lâm” là sát sinh gián tiếp, là sát sinh hàng loạt, sát sinh ở quy mô lớn. Vì vậy, ông bà chúng ta xếp thứ nhất là phải. “Đâm hà bá” tức đánh bắt cá nhưng còn sông, còn biển thì cá tôm còn có thể sinh sôi được chứ “phá sơn lâm” thì là vừa giết hại gián tiếp vừa làm cho sinh vật tuyệt chủng, triệt phá luôn cả đường hồi sinh. Điều đó tất nhiên cũng là lý do để xếp “phá sơn lâm” ở vị trí thứ nhất (...).

2. Bài “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” (vho.com.vn) viết: “... đời sơn tràng quanh năm đối đầu với thú dữ, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh thường xuyên. Với thợ lặn thì mấy ai thấu hiểu sự cơ cực, ngày lại ngày phải trầm mình đáy sông lạnh giá, vật lộn giữa sự sống và cái chết để mưu sinh. Ngày xưa “phá sơn lâm, đâm hà bá” chỉ là nghề hạ bạc”.

Vậy cách hiểu nào đúng? Theo chúng tôi, câu “Nhất phá sơn lâm, nhì đâm hà bá” chỉ hành động phá hoại môi trường, chứ không nói về 2 nghề khai thác rừng và đánh bắt cá. Vì một số lẽ sau đây:

- Từ Việt gốc Hán “phá” có 2 nghĩa liên quan:

1. Bổ ra, rẽ ra... (“phá trúc” - 破竹 - chẻ tre; phá lãng - 破浪 - rẽ sóng). “Khai sơn phá thạch” - 開山破石,ý chỉ công việc khó khăn xẻ núi, mở đường đặt nền móng cho sự nghiệp ban đầu. Ở đây “phá” (xẻ ra) đối với “khai” (mở ra) đều được hiểu theo nghĩa tích cực.

2. “Phá” là cố tình gây hại, làm cho hư hỏng (như phá hoại - 破壞). Trong “Nhất phá sơn lâm...” thì “phá” (hủy hoại) đăng đối với “đâm” (làm tổn thương, gây nên cái chết) đều được hiểu theo nghĩa tiêu cực.

- Sở dĩ xếp tội “phá sơn lâm” vào hạng “nhất” vì rừng, đặc biệt là rừng đầu nguồn, quan trọng như lá phổi xanh của trái đất, điều hòa khí hậu, chống lũ cuốn, lũ quét; “sơn lâm” (hiểu rộng ra là muôn loài cỏ cây trên mặt đất) tựa cái bể chứa khổng lồ lưu giữ, điều tiết, cung cấp nguồn nước ngầm cho ao hồ, sông biển. “Phá sơn lâm” là hành động gián tiếp “đâm hà bá”, tức cùng lúc ảnh hưởng tới cả sinh vật trên cạn lẫn dưới nước.

- Xưa kia, có những kẻ đánh độc nguồn nước sông suối, ao hồ nhằm tiêu diệt đối phương hoặc phá hoại về kinh tế. Dân gian coi đây là tội nặng, việc làm thất đức, sẽ bị quả báo. Vì hủy hoại môi trường sông nước, giống như “đâm”, giết chết hà bá - vị thần của sông nước, hủy hoại nguồn nước, môi trường sống của chính con người.

- Ngày xưa, 4 nghề ngư - tiều - canh - mục - 漁樵耕牧 (đánh cá; đốn củi; làm ruộng; chăn gia súc) được ca ngợi như những công việc có thú vui riêng. Mặt khác, khai thác, đánh bắt ở mức hợp lý, bền vững, hợp với quy luật của tạo hóa thì rừng và nguồn lợi thủy sản vẫn tái sinh, tái tạo. Vậy, nếu hiểu “đâm hà bá” là nghề “chài lưới ở sông biển”, “đánh bắt cá” nói chung sẽ khó thuyết phục.

Trường hợp cho rằng “đâm hà bá” là “nghề thợ lặn” thì phải xếp thứ tự ngược lại mới đúng: “Nhất đâm hà bá, nhì phá sơn lâm”. Vì sao? Vì con người sinh ra vốn không phải để bơi lặn, kiếm ăn dưới nước như cá. Bởi vậy, nghề thợ lặn nếu gặp nạn, chẳng những mất mạng mà còn mất cả xác. Trong khi “trôi sông, đắm đò” nói lên nỗi bất hạnh hay bị quả báo đáng sợ bậc nhất.

Như vậy, “phá sơn lâm, đâm hà bá” ở đây theo chúng tôi hiểu, phải là hành động khai thác mang tính hủy diệt, đầu độc, phá hoại môi trường sống trên cạn và dưới nước, khiến cho nguồn lợi tự nhiên không thể tái sinh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của con người và muôn loài. Vụ việc biển miền Trung bị nhiễm độc làm cá tôm chết hàng loạt có thể xem là tội “đâm hà bá” - một trong 2 trọng tội gây tác hại khôn lường mà dân gian đã cảnh báo và lên án.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo