Trong thế giới nhiếp ảnh xô bồ, một số người tự cho mình tài cao hơn người khác và gặp nhau chỉ để khoe khoang thành tích là chính. Gạ tình, ném đá hội đồng, ăn cắp ảnh của nhau... là những mảng tối của phong trào nhiếp ảnh hiện nay.
Chọn nhiếp ảnh gửi thân
Dùng máy ảnh để tán gái là chuyện phổ biến trong giới chơi ảnh. Nhiều cô gái mới lớn bị choáng ngợp bởi chiếc máy ảnh to đùng, ánh chớp loe lóe của đèn flash, người phụ việc chạy lăng xăng. Nhiều cô được những nhiếp ảnh gia bao vây khiến họ ảo tưởng mình sắp thành sao. Thế nhưng, sao đâu chưa thấy, chỉ thấy người mẫu chịu thiệt thòi. Chuyện này đặc biệt thường xảy ra với những người mẫu nhận chụp nude (khỏa thân).
Một buổi đi sáng tác nhiếp ảnh. Ảnh: CTV cung cấp
Theo một nhiếp ảnh gia có kinh nghiệm chụp nude, người chụp nude cũng chia làm 2 nhóm: “nhóm đàng hoàng” và “không đàng hoàng”. “Nhóm đàng hoàng” thường đưa ra ý tưởng bộ ảnh với người mẫu, chọn cảnh, lên kế hoạch rõ ràng. Ảnh chụp xong thì tùy theo thỏa thuận giữa 2 bên, nhiếp ảnh giữ lại hoặc trả toàn bộ cho người mẫu. Để tạo sự an tâm cho người mẫu nude, các tay ảnh còn cho phép họ dắt theo bạn tới buổi chụp. Trong khi đó, “nhóm không đàng hoàng” thường đưa người mẫu nữ vào khách sạn chụp và chỉ có 2 người. Có nhóm rủ đi chơi xa, nhóm bao nhiêu thành viên thì có bấy nhiêu người mẫu đi theo. Chụp xong, có phát sinh thêm những chuyện khác hay không thì chỉ người trong cuộc mới biết. “Cùng là những người đi tìm cái đẹp, song những người đàng hoàng thì nguội lạnh với cảm giác, còn nhiều người cũng tìm cái đẹp nhưng không biết kiềm chế bản thân, một số ít đi tìm người mẫu để quan hệ tình cảm. Đó là những con sâu làm rầu nồi canh” - nhiếp ảnh gia Nguyễn Trường Giang chia sẻ.
Gạ tình, tố cáo nhau
Do sự dễ dãi của cả đôi bên nên mới có chuyện người mẫu tố người chụp ảnh gạ tình, như trường hợp của Nguyễn Thị Xuân Thùy. Chuyên nhận chụp ảnh nude nên Thùy bị nhiều tay ảnh cho là dễ dãi, thường nhắn tin gạ tình, ra giá cả. Bức xúc với những lời khiếm nhã này, cô từng vạch trần trên trang Facebook của mình tên vài người, trong đó có một người tên T. khá tên tuổi trong nhóm Nikon. Việc bêu tên này đã khiến Thùy bị tẩy chay, không còn được mời chụp ảnh nhiều nữa. “Tôi chỉ bán nghệ, không bán thân. Tôi có thể hy sinh mọi thứ cho nghề song không thể đánh mất lòng tự trọng” - Thùy khẳng định.
Một người mẫu từng chụp nude khác, Quyên Mika, từng thẳng thừng từ chối một người đề nghị chụp ảnh nude vì anh ta không đồng ý cho cô dẫn theo người chăm sóc mình. “Tôi bảo bạn tôi chỉ ngồi chơi điện tử, không làm phiền buổi chụp ảnh nhưng anh ta trả lời có thêm người thứ 3 thì không tập trung được. Với những nhiếp ảnh gia trên, tôi thẳng thừng từ chối” - Quyên Mika nói.
Thực tế của việc chụp ảnh nude là vậy nhưng “cuộc chiến” tố cáo nhau giữa nhiếp ảnh gia và người mẫu chỉ thực sự xảy ra khi đôi bên “cơm không lành canh không ngọt” hoặc có người cố tình tạo xì-căng-đan để đánh bóng tên tuổi. Trường hợp này từng xảy ra với nhiếp ảnh gia Đặng Minh Tùng.
Nhắc lại tai nạn nghề nghiệp năm 2011, Tùng kể anh từng bị một người mẫu ảnh nude tố cáo “chuốc rượu hòng giở trò đồi bại” nhưng thực tế không phải như vậy. Thế nhưng, nhiều nhiếp ảnh gia khác tranh thủ cơ hội này lên án, khiến tinh thần anh xuống dốc. “Đây là một kinh nghiệm nhớ đời, từ đó tôi không nhận chụp ảnh cho các người mẫu không có tên tuổi nữa” - anh Tùng khẳng định.
Nghệ thuật bị hoen ố
Khi sự toan tính, thực dụng nảy mầm đã và đang làm cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh không còn được tôn kính như xưa. Điều đáng nói là những tai tiếng này đa phần xuất phát từ người cầm máy lâu năm.
Đánh cắp ý tưởng nhiếp ảnh xảy ra phổ biến hơn cả, không chỉ người mới chơi mà cả những nghệ sĩ nhiếp ảnh có tiếng. Thông thường, đi chụp ảnh theo nhóm hoặc ít nhất có 2 người trở lên. Việc một người lo dựng cảnh, người kia canh chụp khoảnh khắc đẹp rồi đem ảnh đi thi có giải là chuyện thường gặp. Một nhiếp ảnh gia chuyên chụp nude từng bị tố cáo đạo ý tưởng của một người mới chơi ảnh. Anh H.T từng thân thiết với nhiếp ảnh gia T.P. Hai người rủ nhau đi chụp nude, ý tưởng ban đầu do H.T nghĩ ra nhưng anh lại không được cầm máy chụp, mà chỉ là người đứng phụ việc. Sau đó, cũng vì tấm ảnh đẹp, được nhiều giải thưởng mà 2 người hục hặc, anh H.T cho rằng công sức và trí tuệ của mình bị người kia “cướp”. Từ đó, tình bằng hữu mất đi, 2 người không nhìn mặt nhau nữa.
Chuyện “sân si” vị trí chụp ảnh lại càng phổ biến. Nhiếp ảnh gia A.P kể cho biết lần đi Châu Đốc chụp đua bò, ông chứng kiến những nghệ sĩ nhiếp ảnh giành từng chỗ chụp, chửi rủa nhau không phân biệt nam hay nữ. Một lần khác ra Phan Rang chụp ảnh, tình cờ gặp một nghệ sĩ lão thành đi cùng vợ, cũng là một nhiếp ảnh gia. Trong suốt buổi chụp họ có thái độ thô bạo, ăn nói cục cằn, sẵn sàng chửi bới người khác nếu vô tình đứng cùng chỗ chụp với họ. “Tôi thấy buồn khi mang tiếng là nghệ sĩ nhưng vì chạy đua theo danh tiếng mà đối xử với nhau rất tệ” - nhiếp ảnh gia A.P bộc bạch.
Để trở thành một nhiếp ảnh gia được kính trọng không phải dễ. Những người này chưa hẳn là nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp vì họ chơi theo kiểu tài tử, nhiếp ảnh là đam mê nhưng không phải để kiếm sống hoặc bằng mọi giá nhằm kiếm danh. Tuy vậy, nghệ thuật chân chính luôn có chỗ đứng cho những người có tâm.
Kỳ tới: Nghệ thuật cần đam mê, cống hiến
Bình luận (0)