Nhà báo Đỗ Đình Tấn trong cuốn “Báo chí lương tâm” (NXB Trẻ) ủng hộ lý tưởng nghề báo phải bảo đảm mục tiêu thứ nhất là để phục vụ mục đích chung bằng cách cung cấp thông tin và giúp người đọc tự đưa ra những đánh giá về các vấn đề của thời đại mình. Anh cũng cho rằng nhà báo cần chú trọng yếu tố độc lập, không được nhận hay theo đuổi bất cứ một hoạt động nào có thể gây tổn hại đến sự liêm chính của mình. “Cần phải nỗ lực hết sức để nội dung tin tức được chính xác, không thiên vị, đúng bối cảnh và ý kiến của các bên đều được trình bày một cách trung thực.
Nhà báo Đỗ Đình Tấn từng nhiều năm làm ở Báo Tuổi Trẻ trên cương vị Phó Tổng Thư ký Tòa soạn kiêm Trưởng Ban Quốc tế. Thông điệp của anh gửi tới các bạn đồng nghiệp trẻ là phải thật sự chú trọng đạo đức thông tin.
“Nhanh, đúng, trúng, hay” (NXB Trẻ) là những tản mạn về nghề báo của nhà báo Hải Đường, nguyên ủy viên Ban Biên tập Báo Nhân Dân, một trong những cây viết chính luận, phóng sự xuất sắc.
Phần 1 của cuốn sách đưa ra những nguyên lý cơ bản của báo chí, phần 2 trao đổi về công tác phóng viên, phần 3 là một số kinh nghiệm giúp cho tác phẩm báo chí đạt chất lượng cao. Rất nhiều câu hỏi từ thực tế báo chí được trả lời trong cuốn sách, ví dụ như vì sao đề tài trúng mà chưa có tác phẩm hay? Không có chi tiết, bài phóng sự như cây không lá...
Nhà báo Hải Đường có quan điểm rằng tác giả lớn phải là người lắng nghe lớn, lắng nghe và còn phải “thấy”, phải trải nghiệm, phải “ngấm”, giống như nông dân thì đi cấy, bác sĩ thì chữa bệnh với tất cả tâm hồn và trái tim của mình.
“Làm báo mực mài nước mắt” (First News - Trí Việt) là cuốn sách tâm huyết dày tới 430 trang (ảnh) của cựu nhà báo Lê Khắc Hoan, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Giáo dục Thời đại và là một trong những người sáng lập, điều hành Tạp chí Thế Giới Mới.
Nhà báo Lê Khắc Hoan được bạn bè đồng nghiệp ghi nhận như một trong những nhà báo đạt kỷ lục về số lượng bài viết tới 22.000 bài báo. Cuốn sách không chỉ là câu chuyện riêng của một nhà báo mà đã khái quát lại cả một chặng đường làm báo qua nhiều thế hệ.
Đặc biệt, đọc tới chương cuối, độc giả sẽ bất ngờ vì thái độ nhận lỗi của nhà báo Lê Khắc Hoan khi ông đã tự nhìn nhận lại sự thờ ơ, vô cảm, thái độ ngoài cuộc của chính ông và coi đó là nguyên nhân dẫn tới sự sụp đổ đáng tiếc của tờ tạp chí rất được bạn đọc yêu mến này, mặc dù khi Tạp chí Thế Giới Mới sụp đổ thì ông đã về hưu 16 năm. Thái độ thẳng thắn nhìn nhận đầy trách nhiệm và là tiếng nói của lương tâm nhà báo khiến người đọc vô cùng cảm phục và trân trọng.
Bình luận (0)