Với "Báo chí TP HCM trong 20 năm đầu đổi mới 1986-2006" (NXB ĐHQG TP HCM), TS Dương Kiều Linh giúp người đọc có cái nhìn tổng quan về môi trường hoạt động báo chí, diện mạo và tính cách báo chí, vai trò báo chí TP HCM trong 20 năm đầu đổi mới. Theo tác giả, trong cách nhìn sử học, báo chí TP HCM là nguồn tư liệu đồ sộ, là kênh tham chiếu rất hữu hiệu, từ đó kỳ vọng nghiên cứu của mình như một đồng hành để hành trình báo chí rõ rệt hơn trong dòng chảy chung của lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ.
Nhà báo Huỳnh Dũng Nhân, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo TP HCM, nhận xét: "Đây là công trình nghiên cứu có hệ thống, đánh giá nhìn nhận một cách khoa học và liên tục, xuyên suốt".
Nhận thấy sách, tài liệu biên soạn liên quan đến đề tài báo chí có khá nhiều và hầu hết đề cập đến cơ sở lý luận, kỹ thuật làm báo, lịch sử các tờ báo, các thế hệ người làm báo… trong khi khảo cứu báo chí dưới góc độ pháp luật chưa được quan tâm nhiều, NXB Tổng hợp TP HCM ấn hành cuốn "Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam" (2 tập) của 2 tác giả Phan Đăng Thanh - Trương Thị Hòa.
Riêng tập 1 ra mắt nhân dịp kỷ niệm 92 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, có 4 mục: Báo chí ra đời trong giai đoạn đầu Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ; Chế độ "tự do báo chí" ở Nam Kỳ theo luật ngày 29-7-1881: Giới thiệu quy chế pháp lý về Luật Tự do báo chí ngày 29-7-1881 cùng một số tờ báo chữ Pháp, Việt, Hán điển hình cuối thế kỷ XIX với chân dung tiêu biểu là Diệp Văn Cương; Chế độ báo chí ở Đông Dương theo Sắc lệnh ngày 30-12-1898; Chế độ báo chí ở Đông Dương (trừ Nam Kỳ) theo Sắc lệnh ngày 4-10-1927…
Trong khi đó, NXB Trẻ cũng ấn hành cuốn "Báo chí và mạng xã hội" của tác giả Đỗ Đình Tấn. Theo NXB, cuốn sách sẽ giúp công chúng thời số hóa: Hiểu rõ hơn mạng xã hội từ một khái niệm xã hội học đến một dịch vụ, tính hai mặt và lý do thu hút của mạng xã hội; hiểu rõ hơn báo chí truyền thống đã và đang định hình lại hoạt động của mình như thế nào, mạng xã hội đang mở rộng không gian và công việc của nhà báo ra sao; hiểu rõ hơn "công và tội" hay mặt tích cực và tiêu cực của mạng xã hội vốn tùy thuộc vào nhận thức, thái độ và mức độ trưởng thành của mỗi người sử dụng công cụ truyền thông này.
Bình luận (0)