Cội nguồn: Bước chân lưu lạc của tôi đã đặt lên bao mảnh đất lạ, những đô thị giàu có, những kinh thành ngựa xe như nước... Tôi đã chấp nhận tất cả niềm đau khổ và hạnh phúc, cái đẹp và cái xấu; song dù tấm lòng có rộng mở tới đâu chăng nữa thì cuối cùng tâm tư vẫn dìu dắt bước chân về chốn cội nguồn... (Thái Tuấn)
Ngồi nơi đất khách trong lúc năm cùng tháng tận, nhìn tuyết rơi đầy ngõ. Bốn bề lạnh ngắt như tờ. Nhìn sang lối xóm, ai nấy cũng đã đi làm từ sáng sớm. Những chiếc bánh chưng, bánh tét, cành mai cành đào cũng chỉ còn là đề tài của bức tranh tĩnh vật.
Chúc Tết ai bây giờ?.- Cái Tết tha hương sao mà buồn thế. Song chúng ta, cũng vẫn có những cái Tết buồn thảm hơn nhiều trong những hồi chinh chiến và cả những khi thanh bình. Những cái Tết ở nơi chiến địa, cái Tết nơi ngục tù, cáiTết nơi quán trọ dọc đường xa. Tâm tư ta còn mang nặng bao dấu ấn thì cáiTết nơi đất khách, cũng vẫn còn chưa đến nỗi đáng than trách.
Không phải chỉ riêng nước ta, dân tộc ta mới có ngày Tết. Nơi quê người cũng biết bao ngày lễ hội, Tết nhất, huy hoàng rực rỡ. Nhập gia tùy tục. Chúng ta cũng đôi lần tham dự góp vui, mà sao lòng càng thêm trống trải. Bạn hữu tôi thường gọi đùa là cái Tết “quá giang”. Cái Tết ăn ké. Tết của ta không chỉ là ngày vui chơi ăn uống tiệc tùng của những kẻ còn sống mà còn có sự tham dự của ông bà tổ tiên trên bàn thờ khói hương nghi ngút.
Có cái lễ mời ông bà về ăn Tết, và cũng còn cả cái lễ tiễn đưa ông bà trở lại cõi tiên cõi Phật.
Tết là dịp để hội ngộ người sống với người sống, người sống với kẻ chết.- Cái Tết của dân tộc ta, vẫn là cái Tết nảy sinh từ một nền văn hóa truyền thống lâu đời, với quan niệm chết không phải là hết. Hình hài thân xác có trở thành tro bụi, vẫn có gì còn lại. Con cháu vẫn sống chung với người đã khuất. Với quan niệm ấy sự gắn bó với gia đình, họ hàng càng thêm chặt chẽ. Đem lại ý thức cho mọi người: Gia đình, họ hàng là cái đơn vị chính yếu quan trọng để có thể xây dựng một quốc gia, đất nước tốt đẹp.
Với chủ trương tự do cá nhân, tách rời cá nhân ra khỏi gia đình, coi cá nhân như là một đơn vị độc lập, chỉ hợp lý ở mặt pháp luật và quyền lợi. Song những hậu quả về mặt tâm lý tình cảm đạo đức, đã gây nên nhiều điều không tốt đẹp. Một con người theo truyền thống văn hóa Việt Nam cần có bổn phận, trách nhiệm với gia đình họ hàng. Một cá nhân có nếp sống xấu, cả họ hàng gia đình đều mang tai tiếng. Chính dư luận họ hàng làng xóm giúp cho cá nhân giữ gìn tư cách và còn có nhiều hiệu lực hơn là luật pháp. Bởi vì trong cuộc sống có nhiều trường hợp hợp pháp mà vẫn không lương thiện. Hợp pháp mà vẫn bị coi là bất lương.
Câu nói “Trẻ cậy cha già cậy con” đã nói lên sự gắn bó tình cảm và bổn phận. Bổn phận, tình cảm không thể chấm dứt khi người con đã lập gia đình hoặc ra ở riêng.
Sự nhờ cậy nói đến không chỉ ở mặt vật chất, mà quan trọng hơn ở mặt tinh thần tình cảm.
Văn hóa Tết.- Những cái nơi chốn gọi là “nhà già” chỉ là một cách giải quyết về quyền lợi và tiện lợi, không thể giải quyết được mặt tình cảm, đạo lý, mà một nền văn hóa đòi hỏi. Sự sống chung đòi hỏi sự hy sinh. Một nền văn hóa đặt trên quyền lợi, không thể biết đến hy sinh và không đếm xỉa đến tình cảm.
Văn hóa không phải là một điều trừu tượng mà đã thể hiện bằng hành động bằng cách ăn ở cư xử của mỗi người trong gia đình. Nhìn vào bữa ăn hàng ngày mâm cơm dọn lên, không có sự chia phần rõ ràng dứt khoát “của anh, của tôi”. Mọi người tự quyết định cái phần nhiều ít của mình. Do vậy mới có sự nhường cơm sẻ áo.
Ăn Tết đã đành, song cũng chỉ là cái cớ để về thăm gia đình, họ hàng làng xóm.
Nhớ lại những chuyến xe lửa khắp nước. Những chuyến xe đò lục tỉnh, cứ gần đến ngày Tết lại đông vui nhộn nhịp khác thường. Rất mong ước, một ngày gần đây, ở một cái Tết gần đây, mọi người lưu lạc tha hương sẽ tạo được quang cảnh nhộn nhịp về quê ăn Tết. Một cái Tết như ý muốn, như lòng mong ước. Và sự nhộn nhịp sẽ vượt xa hơn lúc ra đi - một cuộc ra đi chẳng đặng đừng.
Mùa đông Orléans
Bình luận (0)