Trường chỉ có 3 lớp: năm, tư, ba đếm ngược, giờ là lớp 1, 2, 3; hồi đó gọi là cấp sơ học, thi đậu sơ học mới lên lớp nhì, lớp nhất (lớp 4-5 bây giờ). Đậu tiểu học mới học lớp tiếp liên, để chuẩn bị vào đệ thất (lớp 6 bây giờ). Tôi ở làng Phú Vang nên chợ quê cũng gọi là chợ Phú Vang để phân biệt với chợ Lộc Thuận trong và chợ Lộc Thuận ngoài ở làng Lộc Thuận cách làng tôi một cánh đồng, xa non cây số. Chợ quê Phú Vang của tôi nhóm họp từ lúc 3-4 giờ sáng, không quầy, sạp. Người bán không tới 20 người, những bà, những chị buôn bán chợ quê mỗi người trải một tấm ni-lông bày hàng trên đó, ở góc tấm ni-lông có cây đèn dầu leo lét. Chợ họp trong sương buổi sáng và tan khi nắng hé lên, bán toàn rau, củ, bánh trái cây nhà lá vườn. Cá tôm thì câu, kéo lưới dưới sông, rạch…
Theo thời gian, chợ quê cũng thay đổi, giờ người bán đông hơn, nguồn hàng phong phú hơn do lấy từ nhiều nơi về, có người lên quầy, sạp, đèn dầu leo lét được thay bằng đèn điện sáng choang. Nhưng tôi vẫn nhớ đến nao lòng ngôi chợ quê họp trong sương từ thời thơ ấu.
Bữa cơm muộn
Do tính chất công việc, tôi không bị lệ thuộc vào giờ giấc của những bữa cơm. Cứ xong việc, bụng đói là chạy đi ăn. Do đó có khi bữa sáng lúc 10 giờ, bữa trưa lúc 13-14 giờ, bữa chiều có khi là tối, tối có khi sau 21 giờ. Ăn uống thất thường như vậy không phải là điều tốt nhưng biết làm sao được. Tôi ăn sao cũng được, một hộp cơm, một gói xôi, một ổ bánh mì, một bịch cháo…; nhiều khi ngủ xong một giấc, thức tỉnh, nghe bụng cồn cào mới nhớ là từ tối mình đã không ăn gì. Rồi cũng qua một đêm, sắp sửa cho một ngày mới.
Tôi thường ăn rất muộn buổi tối, từ nhà đi bộ ra đường, nhiều khi đi như vô định, chẳng biết phải ăn gì. Ngoài đường có một ngã ba, ngay ngã ba có một quán cơm bình dân, chỉ là cái xe, bàn ghế thấp. Tôi kêu dĩa cơm, ly nước mía, ngồi ăn. Như một thủ tục nhét thức ăn cho đầy bao tử, chẳng ngon lành gì, cho xong. Cái ngã ba lúc nào cũng ồn ào, nhiều xe cộ, có một hàng cây trứng cá phía sau lưng, con đường sau lưng đó dẫn sang một khu phố khác. Những bữa ăn của tôi đều là quán xá bên đường; ngày, tháng, năm cứ xếp dài theo những bữa ăn một mình, chính tôi cũng thấy quá buồn huống chi là người khác.
Cá lìm kìm
Tối qua, tôi hơi khó ngủ do mấy ngày nay có một hạt bụi bay vào mắt trong lúc chạy xe trên đường. Hạt bụi làm con mắt bị cộm, rất khó chịu khiến tôi dụi mắt mấy lần và có lẽ vì thế nó đã gây một vết loét trên giác mạc nên mắt tôi bị xốn và theo phản xạ, tôi cứ phải chớp mắt thường xuyên kể cả khi phải lim dim để trôi vào giấc ngủ. Và trong giấc ngủ chập chờn, tôi đã nằm mơ thấy mình trở về ngày thơ ấu.
Lúc ấy, tôi khoảng 9-10 tuổi, một đứa trẻ con quê nghèo, gắn bó với đồng nội, lang thang với cỏ cây, chim chóc, sông rạch và những ruộng lúa mênh mông. Một lần tôi ôm chiếc cặp đệm đi học, trường cách nhà 2 km, phải qua 2 cây cầu bắc qua 2 con rạch, gặp con nước lớn tôi thấy cả bầy cá lìm kìm đang giỡn nước. Cá lìm kìm có thân hình thon, dài, nhỏ cỡ chiếc đũa ăn cơm, đầu nhọn, chuyên lội đứng và lội ngược dòng nước chảy dưới chân cầu.
Tôi rất thích chơi với bầy cá lìm kìm lội đứng ngược dòng nước này. Những lần thấy chúng giỡn nước, tôi thường ngồi bệt xuống cây cầu dừa sát mép nước, thòng hai chân xuống quẫy nước tung tóe cho bầy cá lìm kìm sợ tản đi. Nhưng chỉ một thoáng sau, khi tôi rút hai chân lên, bầy cá lìm kìm lại quay trở lại chân cầu và tiếp tục lội đứng, ngược dòng nước như một cuộc bơi đua, đầy thách thức và rất ngoạn mục.
Cà lìm kìm rất hiền, chúng chỉ giỡn nước thôi, không cắn ai bao giờ. Nhưng câu hát ru em tôi nghe được từ nhỏ lại bảo cá lìm kìm cắn người, nhất là cắn trẻ con: "Má ơi, con vịt chết chìm/Thò tay con vớt, cá lìm kìm cắn con".
Có thể câu hát ru này có một hàm ý khác, thâm thúy, sâu xa hơn của dân gian để lại. Nhưng quả thật, cho tới bây giờ, tôi cũng không hiểu hết vì trong thực tế, cá lìm kìm không cắn người, nhất là không cắn trẻ con mà chuyện tôi thò chân xuống nước giỡn với bầy cá lìm kìm là một ví dụ rất thực tế.
Bình luận (0)