Tôi không bao giờ quên buổi sáng cuối mùa đông năm Đinh Mão, lần đầu tiên tôi tới tư gia số 9 Cao Bá Quát - Hà Nội thăm Đoàn Chuẩn. Khi tôi tới, tài tử Ngọc Bảo đã ngồi đấy, còn Đoàn Chuẩn thì đang réo rắt tiếng guitar Hawaii một giai điệu mùa thu với những quãng rộng, răng cưa thoảng âm hưởng nhạc blue. Ngọc Bảo chợt cao hứng theo: “Thấy hối tiếc nhiều - Thuyền đã sang bờ - Đường về không lối…”. Sau ánh mắt nhìn nhau không nói, chỉ mỉm cười. Sự sống đã lật sang một trang mới mà chủ yếu là “phục sinh” lại những giá trị cũ đã bị cuộc chiến che lấp mấy chục năm qua. Rồi bà Đoàn Chuẩn bước ra với từng đĩa bánh cuốn Thanh Trì trắng muốt trên tay. Phin cà phê được bà mở ra. Nước sôi rót vào loang khói. Có cảm giác như bà là người hạnh phúc nhất trong buổi sáng tinh khôi của những ngày đầu thời đổi mới. Niềm hạnh phúc của người vợ đã lâu mới thấy chồng ngẩng mặt, cười hồn nhiên.
Sau điểm tâm là âm nhạc. Ngọc Bảo khẽ cất giọng: “Anh mong chờ mùa thu - Trời đất kia ngả màu xanh lơ...”. Cứ thế, giai điệu Đoàn Chuẩn trào tuôn chìm ngập cả căn phòng. Thoáng gai người như đọc thơ Bà Huyện Thanh Quan, đọc văn Thạch Lam và xem tranh phố của Bùi Xuân Phái. Sau hết, Đoàn Chuẩn hát ca khúc mới toanh Khuôn mặt em, phổ thơ Văn Cao. Bè bạn thật hiểu nhau. Luồn sâu trong giai điệu bỡ ngỡ kia là bao nỗi niềm trắc ẩn của bao năm tháng. Không lâu sau đêm âm nhạc Văn Cao, Câu lạc bộ Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức đêm nhạc Đoàn Chuẩn mang tên Đoàn Chuẩn - 65 mùa lá đổ (chương trình ấy đã diễn ra vào ba ngày: 28, 29 và 31-1-1998). Cuộc gặp gỡ Đoàn Chuẩn lần đầu tiên tại tư gia đã kéo dài tới trưa. Những chén rượu lại đầy và cạn. Đĩa lạc rang thơm mùi húng lìu đã được bà Đoàn Chuẩn đưa vào tự lúc nào.
Từ bữa đó, nhất là sau khi đêm nhạc Đoàn Chuẩn diễn ra, tôi đã viết một bài báo in trên Tạp chí Âm nhạc của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đoàn Chuẩn thích thú cho phép tôi được vui chung với nhóm bạn của ông. Rất tiếc ngày ấy, người bạn tri kỷ Từ Linh đã qua đời sau thời gian mắc bệnh nặng. Nhờ tình vong niên ấy như tình tôi với Văn Cao, tôi đã chầm chậm đi vào thế giới sáng tạo của Đoàn Chuẩn qua những câu chuyện kể của ông, về những hoàn cảnh sáng tác từng tình khúc. Trong âm nhạc, người ta thường định nghĩa các giọng trưởng là tươi sáng, khỏe mạnh. Còn giọng thứ là buồn bã, u uẩn. Vậy mà các tình khúc của Đoàn Chuẩn hầu như là được viết bằng giọng trưởng mà vẫn thấy toát ra một nỗi buồn man mác, trong trẻo. Nếu có bắt đầu bằng giọng thứ như Lá đổ muôn chiều thì đến đoạn sau rồi cũng chuyển sang trưởng. Đương nhiên chính vì có đoạn giọng thứ hiếm hoi ấy, Đoàn Chuẩn đã có một câu hát hay vào hạng bậc nhất trong dòng ca khúc trữ tình Việt Nam: “Có những đêm về sáng - Đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi! Đã vội chi men rượu nhắp đôi môi...”.
Đấy là những năm tháng “cởi trói” đầy hân hoan. Có những sáng, tôi đi với Đoàn Chuẩn rồi sau đó lại cùng ông tới Văn Cao. Có những hôm đã uống say với Văn Cao rồi, vẫn cứ đi tìm Đoàn Chuẩn để hưởng nốt những chạng vạng hoàng hôn bên ly bia hơi như trộn nắng thu vàng ươm trong đó. Những câu thơ về ông vì thế mà vụt viết ra:
Anh lại bước ra đường không tính trước
Không có ai tính trước lúc chào đời
Số phận níu từng sợi đàn móng vuốt
Và mùa thu thành ám ảnh. Thu ơi!
Tình khúc dạt dào bao điệu hát qua môi
Nếu biết được những tháng năm từng trải
Chắc anh sẽ lặng câm... những trót yêu mê dại
Và mùa thu... thôi đành chịu lỗi lầm
...
Năm đó, Văn Cao suýt “ra đi” vì tràn dịch màng phổi. Thoát hiểm, viết Ba biến khúc ở tuổi 65. Đoàn Chuẩn nghe Văn Cao đọc thơ thì rơm rớm nước mắt: “Mình đã khổ mà Văn Cao khổ hơn mình nhiều quá”. Hai người, người thì ở đội trừ gian, người thì ở thanh niên thành Hoàng Diệu. Vậy mà giờ ngồi ôm nhau ngậm ngùi tuổi già.
Vậy mà đã 6 mùa thu qua. Vào một chiều đầu tháng, Đoàn Liêm - con trai nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - gọi di động nhắc tôi sắp tới ngày giỗ của ông. Vậy mà trưa hôm sau, Đoàn Liêm gọi di động như giật giọng, thảng thốt: “Anh ơi! Mẹ em mất rồi”.Tôi gai người, sự đời sao lại có chuyện trùng hợp trớ trêu này. Vào đúng ngày tôi vào Đài Truyền hình Việt Nam tham gia chương trình Con đường âm nhạc về Đoàn Chuẩn lại là ngày bà Đoàn Chuẩn rời xa thế gian. Đi trong đêm Hà Nội se lạnh mà lòng không sao kìm nổi nức nở. Sao nhớ quá nụ cười hiền dịu của bà. Sao nhớ quá những đĩa bánh cuốn Thanh Trì - một thứ quà Hà Nội mà bà thường tặng cho bạn bè ông, như ông tặng giai điệu của mình cho đời.
Bây giờ, đã tới cái tuổi thường tỉnh giấc những khi tảng sáng. Cứ nhớ Đoàn Chuẩn và lời than thở khẽ khàng của ông với nhân gian: “Có những đêm về sáng - Đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi!”. Vâng! Những đêm về sáng... càng ngẫm nghĩ càng nhớ Đoàn Chuẩn khi “Thu rất thật thu là lúc chớm đông sang” như câu thơ Chu Hoạch - một nhà thơ – họa sĩ đàn em cũng vừa rẽ lối đời sang cõi bên kia cùng ông đón bà về.
Tình vong niên của tôi với các ông cứ trải dài như thế qua thời gian. Văn Cao đến dự Đại hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ 5 như lần chót và từ trần sau đó hơn một tháng. Còn Đoàn Chuẩn đến dự Đại hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ 6 thì sau hơn một năm cũng vĩnh biệt cõi đời. Tôi khóc hai ông bằng hai điếu văn. Điếu văn Văn Cao do nhạc sĩ Trọng Bằng đọc. Điếu văn Đoàn Chuẩn do nhạc sĩ Hồ Quang Bình đọc. Ngày tiễn đưa ông về cõi vĩnh hằng lại là ngày tôi phải đưa một đoàn nghệ thuật về Hải Phòng quê hương làm đêm ca nhạc 55 năm Hải Phòng kháng chiến. Đêm đó, cả Hải Phòng được xem truyền hình trực tiếp chương trình này và rất xúc động khi nghe Lâm Phương hát Gửi gió cho mây ngàn bay của người nhạc sĩ tài hoa, người con của đảo Cát Hải thân thương.
Bây giờ, đã tới cái tuổi thường tỉnh giấc những khi tảng sáng. Cứ nhớ Đoàn Chuẩn và lời than thở khẽ khàng của ông với nhân gian: “Có những đêm về sáng - Đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi!”
Bình luận (0)