Bốn chiếc xe ba gác chở lỉnh kỉnh giàn bao, ghế nhựa, xe đạp, lồng bồ câu, bệ nâng; còn 2 chiếc xe máy chở loa, dàn âm thanh cơ động và những thứ khác. Đó là gia tài mà gánh xiếc rong của nghệ sĩ Minh Hiển đang vận chuyển đến điểm diễn ở một xã vùng ven huyện Ô Môn, TP Cần Thơ. Đoạn đường qua kênh Rạch Nhum bị sạt lở khiến đoàn xe phải dừng lại để thuê một chiếc ghe di chuyển bằng đường sông.
Cuối cùng, gánh xiếc cũng đến nơi, đó là bãi đất trống ở ngã ba Thới Lai - quận Ô Môn. Gánh xiếc rong của nghệ sĩ Minh Hiển diễn lúc 19 giờ, vé chỉ 20.000 đồng/người, được kèm trẻ em dưới 5 tuổi. Đến gần giờ diễn, giá vé giảm còn 10.000 đồng, dân chúng ùn ùn mua vào xem. Diễn viên Minh Hùng nói: “Suất nào cũng vậy, riết rồi quen”.
Ông bầu đánh trống mở màn. Các tiết mục đạp xe một bánh, đu quay trên bục, đu lụa trên giàn khung sắt, múa lửa, nuốt kiếm, khỉ đá banh, bông hoa biến hóa thành bồ câu… được trình bày trên sân khấu “dã chiến” . Khán giả trầm trồ với màn đi trên than đỏ, một bà lão ném lên bịch đậu luộc có cột tờ 50.000 đồng. Đó là những gì chúng tôi chứng kiến về một buổi diễn của gánh xiếc rong ở tận vùng quê hẻo lánh.
Sống bằng đam mê
Nhạc sĩ Bảo Thu (nhà ảo thuật Nguyễn Trung Khiếm) cho biết: “Có ít nhất 30 gia đình nghệ sĩ sống bằng nghề xiếc rong. Khác với xiếc đường phố, gắn vào chủ đề của các lễ hội, những gánh xiếc rong này biểu diễn tại các hội chợ vùng quê: vừa diễn xiếc, ca nhạc vừa tổ chức bán vé chơi lô tô. Dù vậy, những tiết mục của họ cuốn hút khán giả, gây sự náo nhiệt bởi các trò diễn lôi cuốn, hồi hộp đến nghẹt thở”.
Theo chân nghệ nhân Bảo Minh, chuyên sản xuất vật dụng làm xiếc, chúng tôi đến thăm gia đình nghệ sĩ xiếc đường phố Minh Hiển. Ngôi nhà bé xíu nằm trong khu dân cư ở quận 11, TP HCM - nơi trước kia là khu nghĩa địa, nay đã giải tỏa. Nghệ sĩ lão thành Minh Hiển đã gần 80 tuổi nhưng vẫn miệt mài với nghề. Ông khẳng định ngay cái nghiệp mà mình đeo mang suốt 45 năm qua là “sống bằng đam mê”. Nghệ nhân Bảo Minh là người cưu mang, giúp đỡ nhiều gia đình xiếc, ảo thuật, trong đó có những gánh xiếc rong lang bạt khắp các tỉnh ĐBSCL.
Cười hề hà, vuốt chòm râu bạc trắng, lão nghệ sĩ xiếc Minh Hiển kể về đời mình. Ông học nghề ảo thuật từ cha của nghệ nhân Bảo Minh, sau đó chuyển sang diễn xiếc bởi “nghề ảo thuật tốn kém quá, phải mua nhiều vật dụng, đồ nghề; còn xiếc thì chỉ cần hình thể dẻo dai, có một chút bản lĩnh là có thể kiếm cơm qua ngày” - ông Hiển cười dung dị.
Ông Minh Hiển sinh 7 người con, tất cả đều theo nghề của cha. Thời oanh liệt, ông lập gánh xiếc, có dàn bao, xe vận tải 5 tấn chở cả đoàn đi diễn lưu động. Gánh xiếc rong của ông đi diễn khắp nơi, chỗ nào dừng chân ít nhất cũng 4 tuần, “oanh tạc” khắp các thôn cùng ngõ hẻm, bưng biền, …
16 đứa cháu nội ngoại đều theo nghề của ông, sống bằng niềm đam mê. Hiện nay, một vài đứa trong số đó đã gắn bó với các đoàn xiếc chuyên nghiệp, có người theo học Trường ĐH Xiếc quốc gia.
Nghệ sĩ Minh Hiển cho biết: “Cái số làm bầu xiếc khổ hơn bầu gánh cải lương nhiều vì phải liên tục đẻ ra trò diễn mới. Cơm lo ba bữa chưa đủ nhưng phải lo đồ tẩm bổ thì con cháu mới đủ sức mà luyện tập. Bốn đứa cháu tôi đã từng nhập viện vì lao lực, ăn uống thiếu thốn. Tội lắm, hễ rời khỏi giường bệnh là nhào vô tập luyện”.
Gia đình của nghệ sĩ xiếc Ngọc Viên cũng có hoàn cảnh tương tự. Hơn 40 năm gắn bó với nghề, ông đã đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ xiếc. Sàn diễn của gia đình ông là những rạp bạt được dựng ở các tỉnh miền Tây hoặc trong các chương trình đại nhạc hội theo mùa lễ ở các địa phương. “Sống bằng đam mê có cái thú vị của nó nhưng áp lực dữ lắm” - nghệ sĩ Ngọc Viên tâm sự. Riêng với nghệ sĩ Minh Hiển, ông khẳng định: “Nếu không có đam mê thì khó ai bền bỉ với nghề”.
Đổi máu lấy thăng hoa
Đến xem chương trình xiếc rong của gia đình nghệ sĩ Minh Hiển, bạn sẽ bắt gặp các tiết mục hết sức ngoạn mục như: đi trụ trên con lăn sắt; đi chân đất trên lửa đỏ; thăng bằng trên con lăn, miệng cắn đế kiếm đỡ 12 ly nước trên mâm; đu bay múa kiếm… Diễn viên xiếc Linh Thảo - học trò của nghệ sĩ Minh Hiển - kể: “Tôi đã từng bị ngã ở độ cao 10 m khi tập tiết mục đu bay đấu kiếm. Do va mạnh vào sào ngang, lại không kịp nắm dây lụa, cú ngã đó khiến tôi bị gãy chân và dập phổi. May mà thầy tôi kịp đưa vào bệnh viện. Hiện nay, tiết mục đó mãi mãi là giấc mơ của đời tôi khi mà chẳng bao giờ được diễn trên độ cao như thế nữa”.
Theo nghệ sĩ Minh Hiển, những thăng hoa cảm xúc mà các diễn viên xiếc mang lại cho nghề đều phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu.
NSƯT Phi Vũ, Đoàn Xiếc TP HCM, cho biết cuộc đời của những nghệ sĩ xiếc rong có 3 cái không: Không học nghề chính quy, không được bảo hiểm tai nạn và không sàn diễn chuyên nghiệp. Đa phần họ nối nghiệp cha mẹ, học nghề theo sự truyền dạy từ thế hệ đi trước rồi mỗi cá nhân tự thân vận động để tiết mục ngày càng hay. Họ không có tiền để mua bảo hiểm y tế, không được khám chữa bệnh nên tuổi thọ của nghề rất ngắn. “Với đặc trưng diễn xiếc rong là đi khắp nơi, chỗ nào có mảnh đất trống, đông dân cư thì họ dựng rạp biểu diễn. Dù hoạt động trong điều kiện thiếu thốn nhưng họ cực kỳ yêu nghề, hết lòng dìu dắt con cháu đến với nghệ thuật xiếc rong và trên hết là sự lao động nghệ thuật chân chính rất đáng khâm phục” - NSƯT Phi Vũ bày tỏ.
Kỳ tới: Sống kiếp nghèo
Muốn phiêu bạt khắp nơi
Theo nhạc sĩ Hồ Văn Thành, Giám đốc Đoàn Xiếc TP HCM, hiện có nhiều gia đình nghệ sĩ xiếc rong đang hoạt động trên địa bàn TP HCM và các địa phương khác. Phần lớn họ không thích gia nhập các đoàn nghệ thuật xiếc chuyên nghiệp dù có nhận được lời mời, mà chỉ muốn được phiêu bạt khắp nơi, nhân rộng uy tín thương hiệu của mỗi gánh xiếc, đồng thời thu nhận thêm “đệ tử”.
Bình luận (0)