xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nhọc nhằn đời xiếc rong: Bấp bênh kiếp nghèo

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Khác với các nhóm diễn ở quán nhậu, nhà hàng, những gánh xiếc rong lưu diễn các tỉnh hiện nay sống rất khó khăn. Dù vậy, họ vẫn bám nghề và duy trì việc nối nghiệp

Qua giới thiệu của nghệ sĩ xiếc Minh Hiển, chúng tôi tìm gặp gia đình nghệ sĩ Mỹ Lan có 3 đời theo nghề xiếc rong. Đó là một gánh xiếc rong đúng nghĩa, thoạt đầu chỉ là một quang gánh với đủ thứ đạo cụ: kiếm, đao, dây thừng, gậy tre, siêu, lọ sứ, sành, mâm thiếc... của bà ngoại nghệ sĩ Mỹ Lan. Đến thời hoàng kim, nghệ sĩ Mỹ Lan sắm một chiếc ghe tam bản chuyên chở đạo cụ, vật dụng biểu diễn đến tận những vùng sâu, vùng xa.

Sống đời “gạo chợ, nước sông”

Gánh xiếc Mỹ Lan Bình Minh - khởi điểm tại huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long - một thời là niềm yêu thích của khán giả vùng sông nước. Bà Lan nhớ lại: “Thời làm ăn khá, tôi mua được mấy lô đất nền ở Bình Dương và một căn nhà ở quận Tân Phú, TP HCM nhưng rồi cứ phải cầm cố để nuôi gánh xiếc nên chẳng còn gì. Gia đình có 8 miệng ăn, các cháu học chỉ đến lớp 5 phải nghỉ để theo gánh xiếc. Qua mỗi tỉnh, gánh xiếc dung nạp thêm “nhân khẩu” theo học nghề rồi trở thành dâu, rể và sinh con. Tính đến nay, gánh xiếc đã lên đến 38 người”.

Nghệ sĩ Taylo và gánh xiếc rong của ông chuẩn bị lên đường lưu diễn tại Bình Thuận
Nghệ sĩ Taylo và gánh xiếc rong của ông chuẩn bị lên đường lưu diễn tại Bình Thuận

Bà Lan cho biết thời gian qua, việc bán vé hết sức khó khăn, có khi gánh xiếc phải “gá nghĩa” với gánh lô tô hội chợ, mời thêm ngôi sao ca nhạc, cải lương về diễn nhưng cũng chỉ được một thời gian. Gia đình toàn đi vay nợ để nuôi gánh xiếc. Đến nay, cả gánh xiếc đành phải “án binh bất động”.

Khi nhà cửa đã cầm cố, đất đai cũng đội nón ra đi, bà Lan và con cháu sống rày đây mai đó trên chiếc ghe tam bản. Các cháu bà đến những vùng đất hẻo lánh, nhận thêm nghề gặt lúa, đắp đê, đào ao… để đổi gạo nuôi gánh xiếc vì thu nhập biểu diễn ngày càng teo tóp. “Con gái tôi có thêm ngón đờn học từ ông nội nên khi có đám tiệc nào mời, nó tham gia biểu diễn phục vụ để kiếm thêm thu nhập. Còn tôi thì tạm cất nghề xiếc để đi nấu ăn thuê cho các đám tiệc lấy tiền nuôi gánh xiếc rong của mình” - bà tâm sự.

Một thời, căn nhà nhỏ của nghệ sĩ xiếc Minh Hiển tại quận 11, TP HCM cũng bị ông đem thế chấp vay tiền ngân hàng để sắm đồ nghề biểu diễn. “May mà có chính sách xóa đói giảm nghèo, địa phương cho vay tiền lãi suất thấp nên tôi chuộc được giấy tờ nhà về rồi cố gắng làm dành dụm tiền trả nợ” - nghệ sĩ Minh Hiển cho biết.

Truyền lửa cho thế hệ sau

“Nghệ sĩ xiếc sống đời gạo chợ nước sông nhưng có nhiều ý chí mà nghệ sĩ chuyên nghiệp phải học tập. Đó là trong gian khó muôn vàn của nghề, họ không đánh mất nghị lực, dường như mỗi tiết mục biểu diễn đều có lời nguyện thề của họ được gửi gắm vào đấy” - NSƯT Phi Vũ nhận xét.

Theo NSƯT Z27, xiếc rong có những tiết mục đẳng cấp mà sàn diễn xiếc chuyên nghiệp đôi khi còn phải nể. Gánh xiếc rong Minh Hiển có màn diễn đi chân đất qua than hồng, diễn viên vận khí công, xếp hàng đi qua. Khi gánh của Mỹ Lan sáng tạo thêm màn biểu diễn hoạt cảnh Tôn Ngộ Không đấu với Ngưu Ma Vương - vẫn màn đi qua than hồng, lão nghệ sĩ Minh Hiển chế thêm chiêu vừa đi trên than hồng vừa nuốt kiếm, phun lửa với hoạt cảnh Hỏa Diệm Sơn, khiến khán giả vỗ tay rần rần. Nhóm xiếc Ngọc Viên có tiết mục nhào lộn chụp banh, đi thăng bằng ném nón tập thể hoặc đu bay đấu kiếm… làm khán giả say mê.

Gánh xiếc rong Phượng Thu độc quyền với tiết mục đi cà kheo bắn cung, gấu giã gạo trên bánh xe lăn… Gánh của nghệ sĩ Hồng Lộc đưa khỉ, vịt, bồ câu, ngựa, voi… vào làm xiếc, diễn từ Nam ra Bắc, được khán giả rất yêu thích” - nghệ nhân Bảo Minh nhớ lại.

Dù xiếc rong nhưng nghệ sĩ rất coi trọng âm nhạc, nhất là âm nhạc dân tộc. “Để khác biệt với nhạc nền thu âm sẵn mà các sân khấu xiếc chuyên nghiệp thường sử dụng biểu diễn, chúng tôi khai thác tối đa ngón đàn kìm và guitar phím lỏm, sáo, đàn bầu, bộ gõ đệm bằng âm nhạc của đờn ca tải tử với 6 bài bắc, 7 bài nhạc lễ” - bà Mỹ Lan cho biết.

Điều quan trọng nhất giúp các gánh xiếc rong dù gặp nhiều khó khăn vẫn tồn tại chính là tinh thần tôn sư trọng đạo, thế hệ trước truyền lửa cho thế hệ đi sau. Ngày giỗ của người sáng lập, gánh xiếc dù nghèo đến mấy cũng vay tiền để cúng tạ. Với các “sư thúc”, “sư tỉ” trong gia đình, dù nhỏ tuổi nhưng dày dạn kinh nghiệm thì vẫn được các bậc cao niên tôn kính.

Ngày nay, dù môi trường hoạt động ít nhiều bị thu hẹp nhưng họ vẫn nuôi dưỡng tình yêu, đam mê và bám theo nghề.

Cần liên kết để tồn tại

Ông Lê Duy Hạnh, Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, cho biết nghệ sĩ xiếc, ảo thuật sống theo đoàn, nhóm, CLB rất đông. Hội Sân khấu TP HCM từng mời các nhóm, các gia đình về thành lập chi hội xiếc, ảo thuật. Họ sống rất khó khăn vì điểm diễn bị thu hẹp, xiếc vẫn bị xem là tiết mục lót trong mỗi chương trình. Họ rất cần không gian rèn luyện nghề và trình làng những sáng tạo mới. Do vậy, những gánh xiếc rong ở nhiều nơi cần liên kết với hội chuyên ngành địa phương, qua đó hợp thức việc thành lập các nhóm xã hội hóa trực thuộc một cơ quan chủ quản, có tiếng nói bảo vệ lợi ích đề đạt những nguyện vọng trong hoạt động tổ chức biểu diễn, tập luyên, truyền dạy nghề.

“Nhờ tham gia một số chương trình truyền hình thực tế của các đài mà nhóm xiếc rong của tôi được khán giả biết đến nhiều” - nghệ sĩ Lý Bằng cho biết.Theo soạn giả Trọng Nguyễn, nếu cứ để các nghệ sĩ xiếc rong sống tự phát, sớm muộn gì họ cũng rời bỏ nghề bởi cuộc sống khó khăn, không nuôi sống nổi bản thân thì việc truyền nghề sẽ bị mai một.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo