Đều đặn và thường xuyên từ mấy năm nay, Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh vẫn nhận được những lá thư của khán giả. Trong hàng ngàn lá thư đó, có những lá thư được viết bằng tay, gửi qua bưu điện; có những lá thư được đánh máy, gửi qua e-mail hoặc website, Facebook của sân khấu, nghệ sĩ. Đó có khi là cảm nhận, bình luận của khán giả về vở diễn như của khán giả Minh Khôi: “Đã xem “29 anh về” lần đầu tiên vào chiều mùng một Tết, cảm giác đau thắt lòng vẫn như vậy. Cái cảm giác ngồi xem mà run lên vì khóc, vì thương cho cả đời người. Người phụ nữ ấy dù cả đời chờ chồng, cả đời xe nhang nuôi con, vẫn không nửa lời trách mẹ chồng vô tâm, đã vô tình chia rẽ vợ chồng, con cái họ”.
Đó có khi là nhận xét về vai diễn của nghệ sĩ, như của khán giả Pearl Trần: “Nhắc tới Niễng của Quý Bình làm sao khỏi thán phục cái thần thái và ánh mắt như lên đồng mà anh thả vào gương mặt bần hàn của một kẻ trót dại nhận lấy một hình hài tật nguyền, đến đỗi người ta bảo anh chớ có ra đường, kẻo chó thấy, nó sủa cho. Dù có mang cả lòng hy sinh cao cả bằng trời, một trái tim yêu sâu rộng như biển nhưng làm sao anh dám đưa tay giữ lấy yêu thương, cho nên một khối tình lặng lẽ anh cũng đành cất, đành giấu, đành nén vào trong tim, nhường ánh sáng lại cho người mà anh thương hơn cả mạng sống”.
Đôi khi là những suy nghĩ về cuộc sống, về những bài học rút ra sau khi xem vở kịch, như của khán giả Minh Mẫn: “Lạc giữa phố người, không phải là vì bạn không muốn hòa vào họ, chỉ là không ai đủ bao dung và yêu thương để dang tay ôm bạn vào lòng. Cuộc đời, còn gì đắng chát hơn khi không được chia sẻ và bị lãng quên...”. Đôi khi là nhận xét về kịch bản, cách dàn dựng vở diễn, như của khán giả Thanh Kiều: “Những phân đoạn để tìm sự bình an thì Niễng cứ ôm lấy đôi chân Lượm, mới thấy hết sự tài tình của đạo diễn Thành Hội khi đem cảm xúc thật ngoài đời lên sân khấu và tương tác ngược lại với khán giả một cách rất hiệu quả”. Hoặc đôi lúc đơn giản chỉ là những dòng thăm hỏi, động viên, bày tỏ sự ái mộ với nghệ sĩ.
Nghệ sĩ Ái Như bảo chính chị cũng ngạc nhiên và xúc động khi đọc những lá thư này. Thật khó tin được trong hàng trăm khán giả ngồi xem ở sân khấu hằng đêm lại có những người dành thời gian viết ra cảm nhận như vậy. Tác giả là những em học sinh, sinh viên; những người đang làm việc tại các ngành nghề khác nhau nhưng không ít người là lao động bình thường. Dù là những bài viết sâu sắc, văn vẻ mượt mà hay những bài viết câu chữ, ý tứ diễn đạt còn giản đơn, vụng về, tất cả cũng là những cánh thư được viết bằng tình cảm yêu mến, trân trọng thật sự. Nghệ sĩ Ái Như bảo: “Nghệ sĩ ít có cơ hội gặp gỡ khán giả, đôi khi diễn xong không biết họ có hài lòng không, nhận xét gì. Khi diễn trên sân khấu, nghệ sĩ phần nào cảm nhận được cảm xúc của khán giả thông qua ánh mắt, nét mặt của họ. Nhưng có đọc những lá thư này mới hiểu hết được sự rung động của khán giả, thấy được tình cảm của họ dành cho sân khấu, cho vở diễn, cho nghệ sĩ sâu nặng biết chừng nào!”.
Khán giả của sân khấu luôn có cách thể hiện tình yêu rất riêng. Chính những cảm nhận, chia sẻ đó vừa là niềm vui, hạnh phúc vừa là động lực giúp các nghệ sĩ hoàn thiện mình từng đêm diễn. “Lời khen, động viên cũng nhiều mà lời chê, góp ý thẳng thẳn cũng không ít. Nhờ đó, chúng tôi biết để sửa đổi, làm tốt hơn. Sẽ buồn lắm nếu một ngày nào đó chúng tôi không còn nhận được những lá thư chân tình như vậy nữa!” - nghệ sĩ Ái Như bộc bạch.
Bình luận (0)