Các nhà văn viết kịch bản phim
Ở TPHCM hiện nay, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn là người viết kịch bản phim sung sức nhất. Ông đã viết nhiều kịch bản phim cho Hãng phim Đài Truyền hình TPHCM (TFS). Những bộ phim đang thực hiện theo kịch bản của ông: Người đàn bà yếu đuối, Áo blouse trắng. Nhà văn Ngụy Ngữ đã viết kịch bản phim: Con thú tật nguyền, Bụi hồng... Kịch bản mới nhất của ông: Trường hợp của Hạnh, viết về một cô gái bị nhiễm HIV và muốn hòa nhập vào cuộc sống bình thường. Nhà văn Mường Mán đã viết kịch bản phim từ những tác phẩm văn học của ông: Người trong cuộc, Tiếng đờn kìm, Trăng không mùa. Nhà văn Võ Phi Hùng với các kịch bản phim: Giã từ dĩ vãng, Cầu thang tối, Tên bắt cóc... và kịch bản mới Tấm lá chắn, nói về cuộc sống của một cảnh sát hình sự...
Đối với các nhà văn khi viết kịch bản phim có những thuận lợi: Tính văn học nhiều hơn, đi vào chiều sâu số phận nhân vật, chủ đề tư tưởng rõ ràng. Nhưng nhà văn cũng có hạn chế, vì thường tư duy bằng chữ nghĩa thay vì bằng hình ảnh - ngôn ngữ đặc trưng của điện ảnh.
Các nhà biên kịch chuyển thể tác phẩm văn học
Một số nhà văn không thể tự chuyển thể tác phẩm văn học của mình, các hãng phim đã mua bản quyền tác phẩm của họ và nhờ các nhà biên kịch chuyển thể. Như TFS đã mua bản quyền Người Bình Xuyên - tiểu thuyết của Nguyên Hùng, Bồ câu không đưa thư, Buổi chiều Windows - truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh...
Nhà biên kịch Ngụy Ngữ đã chuyển thể các tác phẩm văn học thành kịch bản phim: Cha con Đậu Đũa (truyện ngắn của Nguyên Hương), Trùng Quang tâm sử (tiểu thuyết lịch sử của Phan Bội Châu). Võ Phi Hùng chuyển thể truyện ngắn Chim phóng sinh của Nguyễn Hồ... Người chuyển thể tác phẩm văn học nhiều nhất là Phạm Thùy Nhân (trưởng phòng biên kịch Hãng phim Giải Phóng): Cấp cứu (từ truyện ngắn Diễn viên hạng ba của Lý Lan), Thời vang bóng (từ Chùa Đàn của Nguyễn Tuân), Sương gió biên thùy (truyện của Lý Văn Sâm), Dòng sông vẫn trôi (truyện ngắn của Nguyễn Đức Thiện), Cây huê xà (truyện ngắn của Sơn Nam), Dọc ngang sông nước (dựa vào tập truyện Hương rừng Cà Mau của Sơn Nam).
Ưu điểm của các nhà biên kịch là nắm vững kỹ thuật điện ảnh. Đạo diễn đọc kịch bản họ viết, có thể hình dung được bộ phim sẽ thực hiện. Nhưng giữa nhà biên kịch và nhà văn thường có “xung đột” khi không hiểu ý nhau. Do đó cần có sự trao đổi để đi đến chỗ thông cảm và cùng chịu trách nhiệm giữa nhà văn và nhà biên kịch.
Chưa chắc một bộ phim dựa vào tác phẩm văn học, hoặc dựa vào kịch bản do nhà văn viết, sẽ là một bộ phim hay. Bởi một bộ phim thành công thường là công trình của một tập thể. Nhưng những bộ phim chuyển thể từ tác phẩm văn học cũng khiến đạo diễn thích thú thực hiện vì muốn giải thích tác phẩm theo góc nhìn của mình. Và khán giả cũng muốn xem những bộ phim đó, để có dịp so sánh giữa sách và phim.
Bình luận (0)