Trung Lương, 19 tuổi, đã có phần trình diễn ấn tượng trong đêm bán kết 4 chương trình “Tìm kiếm tài năng Việt - Vietnam’s got talent 2016” qua bài phối tuyệt vời giữa đàn nguyệt và nhạc điện tử, chinh phục khán giả trẻ. Trung Lương không phải người đầu tiên giúp cho khán giả nhìn thấy hình ảnh mới mẻ và nghe được thanh âm khác lạ, trở nên độc đáo của các loại nhạc cụ truyền thống dân tộc khi nó hòa điệu trong dòng chảy âm nhạc của thời đại.
Khai phá tính năng độc đáo
Trước khi trở thành sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam (Hà Nội), Trung Lương “bỗng dưng thích chết mê” cây đàn nguyệt. Trung Lương cho biết năm học lớp 6, anh từng bị căng thẳng tâm lý, thích ngồi một mình, buồn không lý do. Một lần tình cờ nghe được tiếng đàn nguyệt, anh thích vì giai điệu buồn, có vẻ đồng cảm với mình.
“Bố của tôi biết chơi nhiều loại nhạc cụ nhưng thuộc dạng tự mày mò học hỏi chứ không theo trường lớp. Ban đầu, tôi học đàn nguyệt từ bố rồi dần dần tìm đến thầy học bài bản và thi vào học viện” - Trung Lương kể.
Say mê đàn nguyệt, Trung Lương tập luyện sáng, chiều và đôi khi cả tối. Anh mơ ước đến một ngày dùng đàn nguyệt đánh những ca khúc quốc tế để người nước ngoài hiểu về nhạc cụ truyền thống Việt Nam. Trung Lương đã làm được rất tốt điều này. Bài độc tấu đàn nguyệt trên nền nhạc điện tử của anh qua bản “Fade” của Alan Walker trong đêm bán kết 4 “Tìm kiếm tài năng Việt - Vietnam’s got talent 2016” đã minh chứng điều đó. Anh nhận được lời khen từ giám khảo cũng như sự ủng hộ nhiệt thành từ khán giả trẻ. Màn trình diễn thành công này của Trung Lương ít nhất cũng giúp cho người trẻ có cách nhìn khác hơn rằng nhạc cụ dân tộc không hề cũ kỹ, thậm chí rất hợp thời.
Trung Lương cho biết anh phối hợp giữa đàn nguyệt và nhạc điện tử vào một buổi sáng khi đang mở nhạc nghe và chợt nghĩ dùng đàn nguyệt đánh thử, kết quả rất hợp. Vậy là anh tiếp tục luyện tập và quyết định mang ra trình diễn để thăm dò phản ứng của công chúng.
Trước Trung Lương, trên sân khấu “Tìm kiếm tài năng Việt”, nhóm “Bốn chị em” gồm: Cao Khánh Linh, Nguyễn Hoàng Phương Linh, Nguyễn Hồ Thảo Linh, Cao Bá Hưng cũng khiến khán giả chú ý về tính năng nhạc cụ dân tộc trong âm nhạc hiện đại. Dù không giành chiến thắng cao nhất, nhóm “Bốn chị em” cũng lưu dấu với hình ảnh đẹp về những người trẻ mê nhạc cụ dân tộc, làm mới theo cách riêng, không theo kiểu “học sao chơi vậy” như những thế hệ trước.
Cũng như nhóm “Bốn chị em”, Đinh Nhật Minh sớm nối nghiệp gia đình, gắn bó với sáo trúc khi tuổi đời còn rất trẻ. Nhật Minh từng tâm sự rằng anh yêu sáo trúc nhưng vì lý do gì thì không rõ, chỉ biết rằng từ nhỏ, tiếng sáo của ông nội Đinh Thìn và bố Đinh Linh đã ngấm vào máu thịt mình. Không ngừng học tập, Nhật Minh tốt nghiệp Học viện Âm nhạc dân tộc Trung Quốc, về làm việc tại Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen.
Người trẻ say mê nhạc cụ dân tộc và gắn bó với nghề còn phải kể đến Sĩ Phú - con trai nhạc sĩ Nhất Sinh, chuyên đàn tam thập lục, đàn đá, bộ gõ; Hải Vũ chuyên về đàn tranh...
Sự “trẻ hóa” thanh âm của các nhạc cụ dân tộc để hòa quyện với nhạc cụ điện tử trong các thể loại nhạc đương đại đã và đang được nhiều nhóm nhạc dân tộc pha hiện đại như Giao Thời, Pha Lê Xanh... thực hiện. Hoài Thu - thuộc nhóm Pha Lê Xanh, cộng tác viên ban biểu diễn Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội - gắn bó với cây đàn nhị đã 13 năm. Hoài Thu cho biết Pha Lê Xanh có đến 10 thành viên yêu thích làn điệu truyền thống. Họ đã kết hợp khá thành công nhạc cụ dân tộc với nhạc nhẹ, nhạc điện tử...
Cần được ủng hộ
Không chỉ nhạc cụ dân tộc, bất kỳ loại hình nghệ thuật nào cũng cần sự sáng tạo, nhất là từ những người trẻ. Sự phối hợp giữa nhạc cụ dân tộc và nhạc hiện đại là để tác phẩm trình diễn gần gũi hơn với công chúng nhưng mỗi nghệ sĩ có cách sáng tạo riêng. Một bản phối thành công, được công chúng yêu thích sẽ lưu dấu ấn của nghệ sĩ tạo ra chúng.
Nhạc sĩ Huy Tuấn cho biết anh thấy tính thời đại, sự chuyển đổi tư duy với cách tiếp cận rất khác qua sự kết hợp nêu trên. Hiện nay, giới trẻ tiếp xúc nhiều thể loại nhạc khác nhau và bắt đầu “nói” bằng ngôn ngữ quốc tế, sử dụng nhạc cụ dân tộc biểu diễn trong các thể loại nhạc hiện đại, thổi vào đó sự mới lạ, mang tính hội nhập cao. Việc này giúp cho nhạc cụ dân tộc đến gần hơn với công chúng, khai thác những tính năng mà những người đi trước chưa khai phá.
Theo nghệ sĩ Hồ Nga, các bài diễn của nhóm “Bốn chị em” đều kết hợp giữa nhạc cụ dân tộc và nhạc hiện đại. Các thành viên trong nhóm đều còn trẻ, thích hướng mới, nếu được yêu cầu biểu diễn theo kiểu truyền thống vẫn thực hiện được nhưng bình thường là phối mới. Được học bài bản, nhóm biết cách làm thế nào để giữ nét đặc trưng của từng nhạc cụ.
Trong khi đó, nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng cho rằng bất cứ sự sáng tạo, kết hợp nào với nhạc cụ dân tộc mà tạo được ấn tượng, thu hút sự chú ý cũng đều tốt, đáng ủng hộ. Nhạc là phải sống, không thể nào chết nên càng thu hút công chúng càng khiến nhạc cụ dân tộc đến gần hơn với người trẻ là điều tuyệt vời.
Không lo mất nét truyền thống
Trước làn sóng “trẻ hóa” nhạc cụ dân tộc, một số người lo ngại chất truyền thống sẽ mất dần. Tuy nhiên, nhạc sĩ Huy Tuấn cho rằng cá tính, bản lĩnh của mỗi nghệ sĩ mỗi khác. Với những người có chuyên môn và bản lĩnh cao, họ sẽ phát triển cái gốc lên thêm chứ không thể làm mất đi.
Nghệ sĩ Hải Phượng bày tỏ: “Nghệ sĩ được học bài bản sẽ biết cách giữ lại cách nhấn nhá, những cái đặc trưng, độc đáo của từng nhạc cụ khi kết hợp mà hoàn toàn không sợ mất chất. Bản lĩnh nghệ sĩ cùng những kiến thức đã học, sự luyện tập liên tục sẽ giúp họ biết phối như thế nào để người khác có thể hiểu, hứng thú nghe mà vẫn nhận biết được nhạc cụ đang dùng để biểu diễn là gì”.
Theo Trung Lương, với nhạc cụ dân tộc, có hai hướng mà người theo học tự lựa chọn: đi theo lối cổ, thuần túy để bảo tồn truyền thống và hướng mới, phối hợp đa thể loại gần hơn với người nghe. Vì vậy, không cần lo lắng nhạc cụ dân tộc “trẻ hóa” sẽ mất đi nét truyền thống. Điều quan trọng hiện nay vẫn là mang chúng đến gần hơn với khán giả, để họ yêu thích, góp phần lưu giữ.
Bình luận (0)