Với soạn giả Trần Hữu Trang, có được một củ khoai lang lót dạ buổi sáng, một bữa cơm ăn cùng anh em hậu đài đã là hạnh phúc lắm rồi.
Đời cô Lựu, Lan và Điệp, Tô Ánh Nguyệt là những vở cải lương nổi tiếng, đến mức hầu như người Việt Nam nào cũng biết tên nhưng không hẳn ai cũng nhớ tác giả của chúng - soạn giả Trần Hữu Trang. Bút pháp của ông thể hiện trong từng lời ca, câu thoại đậm chất nhân văn, thấm nhuần tư tưởng đấu tranh cho cuộc sống tốt đẹp.
Anh thợ hớt tóc mê cổ nhạc
NSND soạn giả Viễn Châu nhớ lại: “Anh Tư Trang (soạn giả Trần Hữu Trang) là người có học, ham đọc sách, rành chữ nho. Từ thuở nhỏ, do đã có chí hướng thoát khỏi kiếp nông nô nên sau khi lập gia đình, anh rời quê ra tỉnh làm thợ hớt tóc. Ở Mỹ Tho, Tư Trang gặp Nguyễn Công Mạnh, người khuyến khích anh gắn với phong trào đờn ca tài tử. Từ phong trào này, anh đã đam mê cổ nhạc rồi từng bước dấn thân vào sự nghiệp sáng tác”.
Theo soạn giả Viễn Châu, ít ai biết mẹ của NSND Nguyễn Thành Châu (Năm Châu) và mẹ của soạn giả Trần Hữu Trang là chị em ruột. Khi nghệ sĩ Năm Châu bước vào thế giới cải lương, khoảng năm 1929, thì Trần Hữu Trang được ông giới thiệu vào gánh hát Trần Đắc, giữ chân bán vé và chép tuồng.
Trần Hữu Trang đến với cải lương đúng vào thời điểm loại hình nghệ thuật này đang phồn thịnh. Các gánh hát lớn như: Tân Thinh, Tập Ích ban, Văn Hý ban, Tái Đồng ban, Phước Cương, Huỳnh Kỳ, Trần Đắc... đã gây tiếng vang trên các sân khấu từ Nam ra Bắc. Sống ở Mỹ Tho, chiếc nôi hoạt động văn hóa nghệ thuật lúc bấy giờ, ông đã sớm bộc lộ tinh thần yêu nước. Trong giai đoạn 1926-1928, ông là một trong những người hăng hái đấu tranh đòi chính quyền thực dân thả nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu, hưởng ứng những buổi diễn thuyết của cụ Phan Chu Trinh. Có lần, một chiến sĩ cách mạng bị mật thám bám riết, phải chạy vào hiệu hớt tóc của Trần Hữu Trang. Ông đã che giấu và còn tặng 20 đồng làm lộ phí.
NSND Viễn Châu cho biết soạn giả Trần Hữu Trang có một người bạn tham gia phong trào đấu tranh chính trị, bị thực dân Pháp bắt đày ra Côn Đảo với mức án 15 năm. Người vợ ở nhà lấy chồng khác, đem con giao cho Trần Hữu Trang nuôi dạy. Chi tiết này được ông đưa vào kịch bản cải lương Đời cô Lựu và Chị chồng tôi. Trong thời gian Trần Hữu Trang gắn bó với gánh hát Phụng Hảo của NSND Phùng Há, chiến sĩ cộng sản Nguyễn Chí Diểu đã từng đến gặp ông để trao đổi về khuynh hướng sáng tác “tả thực xã hội” - một phong cách sáng tác mà cho đến nay vẫn là kim chỉ nam của nhiều thế hệ soạn giả.
Có tài nhưng không tật
Các thế hệ nghệ sĩ và soạn giả tài danh đều nhìn nhận soạn giả Trần Hữu Trang là một người có cuộc sống giản dị. Ông không vướng vào bất cứ thói hư tật xấu nào.
Theo soạn giả Kiên Giang, khác với nhiều văn nghệ sĩ hễ “có tài là có tật”, soạn giả Trần Hữu Trang là người đầy tài năng nhưng không có tật xấu. Từ khi biết nhau cho đến lúc soạn giả Trần Hữu Trang lìa đời (20-11-1966), soạn giả Kiên Giang thấy ông chưa bao giờ là người giàu có, dù kịch bản được nhiều đoàn dàn dựng.
“Các gánh hát ít vốn thời đó đến nhờ giúp kịch bản, anh thường không lấy tiền. Với anh, có được một củ khoai lang lót dạ buổi sáng, một bữa cơm ăn cùng anh em hậu đài đã là hạnh phúc lắm rồi. Trang phục thường dùng của anh là bộ bà ba trắng. Anh không thuộc số soạn giả ham rượu chè. Tôi học ở anh sự ngăn nắp, trật tự trong đời sống cũng như công việc. Anh thường sáng tác trong nhà hát. Anh chú ý từng dấu chấm phẩy, nét chữ rõ ràng. Nhờ quá trình làm nghề chép vở nên anh là soạn giả nổi tiếng có bản thảo chu đáo và nét chữ đẹp. Đắt giá hơn là cách anh sử dụng bài bản cải lương đúng tình huống, đúng lớp lang. Chúng tôi quen gọi anh là “Tam Tạng” vì cái tên Trần Hữu Trang và cũng vì cá tính hiền lành của anh” - soạn giả Kiên Giang tiết lộ.
“Hầu hết các vở của soạn giả Trần Hữu Trang đều có giá trị “tả thực xã hội” sâu sắc. Ông là người giương cao ngọn cờ “tả thực xã hội” và kiên trì với đường lối sáng tác này, không bị ngả nghiêng trước những đợt gió đổi chiều trong xã hội. Những tác phẩm đó cho đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị thời sự” - NSND Ngọc Giàu đúc kết.
Soạn giả Trần Hữu Trang SN 1906 tại xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay thuộc tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình nông dân. Kịch bản đầu tay Lửa đỏ lòng son của ông sáng tác vào năm 1928. Những năm 1930, ông cho ra đời hàng loạt sáng tác: Tô Ánh Nguyệt (1934), Lan và Điệp (1936), Đời cô Lựu (1937). Ông cộng tác với các gánh hát Trần Đắc, Năm Phỉ, Phụng Hảo, Năm Châu. Những sáng tác sau đó của ông như: Tìm hạnh phúc, Mộng hoa vương, Chị chồng tôi, Tình lụy, Khi người điên biết yêu - cộng tác với Năm Châu, Lê Hoài Nở - đã tạo nhiều dấu ấn.
Soạn giả Trần Hữu Trang được nhà nước truy tặng Huân chương Thành đồng và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 (năm 1996). Tên ông còn được đặt cho một con đường, một ngôi trường ở TP HCM. Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang và giải thưởng Trần Hữu Trang do Hội Sân khấu TP HCM tổ chức là sự ghi công ông trong lĩnh vực sân khấu cải lương.
Kỳ tới: Hà Triều - Hoa Phượng: Cặp đôi hoàn hảo
Bình luận (0)