Không ồn ào, sôi động, âm nhạc của Nguyễn Nhất Huy đi vào những cảm xúc nội tâm như chính con người của anh, một nhạc sĩ trẻ nhưng sớm nhạy cảm với chuyện nhân tình thế thái, nặng nợ với đời, với người:
Ta nợ cuộc đời hạt cơm sẻ đôi... Ta nợ mặt trời từng tia nắng mai. Ta nợ đường chiều mùi hương tóc bay... Ta nợ nụ cười người phu sáng nay... Còn nợ bạn bè giọt cà phê đắng môi... Ta nợ người thầy bài thi thủa xưa. Ta nợ mẹ hiền lời ru dưới mưa. Ta nợ người tình bài ca tiễn đưa... Ta nợ cuộc đời áo cơm bao mùa. (Vẫn nợ cuộc đời). Ca từ trong ca khúc của anh sâu lắng, đa nghĩa, mang tính triết lý...: Người đời dối trá những lúc cần mình. Cuộc đời quá ngắn hãy sống thật lòng. Ta đã nghe trăm năm gọi buồn... Khi tháng năm trôi qua đời mình, chân ngại ngùng không biết về đâu... Nguyễn Nhất Huy viết về mẹ theo cảm xúc của riêng anh: Mẹ đã có những phút giấu nước mắt cho con thơ ngây nụ cười. Mẹ đã có những lúc thức trắng cho con bao đêm ngủ say (Tình mẹ). Nghĩ về cha, anh viết: Cuộc đời đã biết tên con vì có cha. Từng ngày tháng vẫn gian nan, đời sờn vai áo (Nghĩ về cha).
Tình yêu đôi lứa trong âm nhạc của Nguyễn Nhất Huy không quằn quại tâm hồn, không say mùi thân xác, mà thanh thoát và thi vị: Chỉ là như thế anh đi,chỉ là như thế em đi. Chỉ là như thế sương rơi bờ mi. Chỉ là câu hát trên môi, chỉ là ánh mắt xa xôi. Chỉ là như thế sao anh thương hoài… (Xin đời cho có đôi). Và nỗi đau khi người tình chia xa trong ca khúc của anh không biểu hiện bằng những ca từ và giai điệu não tình rên xiết, mà nhẹ nhàng như một lời trách móc: Hứa chi hỡi người rồi không tìm tới cho đêm buồn rất dài. Hứa chi hỡi người để bao nỗi đau giấu trong lời êm ái... (Lời hứa chóng phai)...
Trong thực trạng nhạc trẻ có phần dễ dãi về ca từ, giai điệu vay mượn nhạc nước ngoài khá phổ biến như hiện nay thì những tình khúc dịu dàng êm ái, có phần sâu lắng như những sáng tác của Nguyễn Nhất Huy đáng được ghi nhận.
Bình luận (0)