Sân khấu kịch nói và cải lương năm 2016 hiếm tác phẩm hay, đó là nhận định chung của giới chuyên môn khi nhìn lại đời sống sàn diễn trong năm. Trong sự hiếm hoi đó, công chúng cũng gọi được tên những vở diễn tạo dấu ấn cho Giải Mai Vàng.
Được mùa vở diễn cải lương
Có mặt trong danh sách đề cử tranh Giải Mai Vàng 2016 - Vở diễn sân khấu có đến 3 vở cải lương: “Trung Thần”, “Lan và Điệp” và “Cõi thiêng”.
Ông bầu Sân khấu Kịch IDECAF Huỳnh Anh Tuấn cho biết đã xem “Trung thần” nhiều lần và đánh giá đây là vở diễn sẽ tạo được ấn tượng với khán giả. “Cuộc đời và sự nghiệp của Tả quân Lê Văn Duyệt đã được nhiều đạo diễn sân khấu khắc họa đậm nét. Thế nhưng, vở cải lương “Trung thần” của tác giả - đạo diễn Hoa Hạ, do soạn giả Hoàng Song Việt chuyển thể, đã tạo thêm dấu ấn độc đáo về nhân vật lịch sử này trên sân khấu cải lương trong năm. Vở diễn lấy được cảm xúc của khán giả nhờ khai thác đức tính thương dân, sống vì dân của một vị quan lớn như ông. Vở diễn đã vừa kết hợp sự nghiêm túc trong việc làm nghệ thuật vừa đáp ứng được tính giải trí. Cấu trúc vở có nhiều điểm nhấn đẹp, thật sự là dấu ấn của đạo diễn Hoa Hạ” - ông nhận xét.
Đánh giá vở “Lan và Điệp” của đạo diễn Vũ Linh, đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc cho rằng dựng lại kịch bản cải lương kinh điển rất khó, dù là phiên bản mới nhưng với khán giả, họ đã thuộc nằm lòng câu chuyện. Vì thế, đó là thử thách của NSƯT Vũ Linh. “Lan và Điệp” (kịch bản: Loan Thảo) là một vở diễn đỉnh cao, đạt chất lượng nghệ thuật của nhóm xã hội hóa Vũ Linh.
“Vũ Linh đóng vai Điệp, NSƯT Thanh Ngân đóng vai Lan đã mang lại nhiều cảm xúc cho người xem. Cách dàn dựng và diễn xuất của Vũ Linh thêm một lần nữa khẳng định anh đã đạt đến độ chín muồi về trình độ đạo diễn và diễn xuất. Tôi đánh giá cao Vũ Linh khi anh tạo không gian chặt chẽ, thể nghiệm mới trong cách ca diễn, không làm cho vở diễn rề rà” - NSƯT Trần Minh Ngọc nhìn nhận.
Vở “Cõi thiêng” (tác giả Vương Huyền Cơ; chuyển thể Đăng Minh, Hoàng Song Việt; đạo diễn Lê Nguyên Đạt; khai thác chủ đề tư tưởng: Bảo vệ chính nghĩa của người yêu nước) được đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc đánh giá là dung hòa được không gian kịch. Những mẩu chuyện lên án các quyết định sai lầm, dẫn đến mất đoàn kết là điểm sáng của vở cải lương này. Lê Nguyên Đạt có nhiều điều kiện để tung tẩy và tạo dấu ấn đẹp cho nhiều lớp diễn. Thanh Ngân, Hữu Quốc ca diễn rất ngọt ngào. Phần âm nhạc và cảnh trí, phục trang rất tươm tất.
NSƯT Ca Lê Hồng phân tích: “Lê Nguyên Đạt bao giờ cũng chịu khó đầu tư sáng tạo. Anh còn là nhà giáo đứng trên bục giảng nên đem nhiều kiến thức học đường truyền dạy cho lớp diễn viên trẻ, tạo cơ hội cho học trò phát huy tài năng qua từng vở diễn của mình trên sàn diễn chuyên nghiệp. Sau “Cơn hồng thủy”, “Cưới vợ năm rồng”, “Đại hỷ”…, anh đã có một “Cõi thiêng” đáng tự hào”.
Vở kịch nói hiếm hoi
“Rau răm ở lại” (kịch bản và đạo diễn: Thái Kim Tùng) là vở kịch nói hiếm hoi có tên trong danh sách đề cử tranh Giải Mai vàng 2016 - điều chưa bao giờ có trong những mùa giải trước đây. Nó cũng phản ánh đúng thực trạng sân khấu kịch nói eo sèo trong năm.
Với “Rau răm ở lại”, Thái Kim Tùng đã làm ngạc nhiên giới chuyên môn vì anh còn khá trẻ nhưng đủ bản lĩnh xử lý một kịch bản văn học cần nhiều trải nghiệm cuộc sống. “Rau răm ở lại” như cánh én mang tin xuân cho chính Thái Kim Tùng khi anh chọn gắn kết lâu dài với nghề đạo diễn.
“Thái Kim Tùng đã tạo nhiều mảng miếng thú vị, cuốn hút khán giả và khai thác gần như tối đa công năng diễn xuất của các diễn viên trong vở diễn. Đọc truyện ngắn “Ơi Cải về đâu” của Nguyễn Ngọc Tư, với giọng văn tưng tửng thấy nhân vật ông Năm Nhỏ rất tội nhưng trên sân khấu, ông hiện ra thật gai góc. Xem “Rau răm ở lại”, khán giả được dẫn dắt qua nhiều cung bậc cảm xúc. Phần thiết kế mỹ thuật của Tomi Trương đã mở ra trước mắt khán giả một không gian Nam Bộ vừa mênh mang vừa gần gũi” - NSƯT Trần Minh Ngọc đánh giá.
Theo NSƯT Lê Thiện, chỉ người đọc và đồng cảm sâu sắc với những trang văn mới thể hiện vở diễn bằng trái tim mẫn cảm như Thái Kim Tùng. “Đạo diễn trẻ mà biết khám phá nhiều phong cách diễn xuất đó mới là đạo diễn có triển vọng” - NSƯT Lê Thiện bày tỏ.
Nhạc kịch “Tấm Cám” giành điểm cộng
Sự có mặt của vở nhạc kịch “Tấm Cám” trong bảng đề cử tranh Giải Mai Vàng Vở diễn sân khấu mùa giải năm nay không phải là điều ngạc nhiên với giới chuyên môn bởi chất lượng và sức hút của nó dù khán giả nhạc kịch ở Việt Nam vẫn chưa nhiều.
Theo đạo diễn - NSƯT Trần Minh Ngọc, đạo diễn trẻ Nguyễn Khắc Duy vẫn trung thành với niềm đam mê, đưa nhạc kịch Việt đến gần với công chúng trẻ. “Không còn là sự liều lĩnh mà phải nói là quyết tâm, Duy đã chọn vở nhạc kịch “Tấm Cám” để công diễn dài ngày tại Nhà hát Bến Thành. Anh đã đem hơi thở hiện đại vào câu chuyện mà khán giả đã quá quen thuộc về nội dung, tình tiết; đưa phần nhạc vào kịch hợp lý, có sự trau chuốt và làm cho các tình huống kịch quyện vào nhau, không để dư thừa, đó là cái giỏi của người đạo diễn. Tiết tấu nhanh và trang trí sân khấu lung linh, đường dây sân khấu chặt chẽ, tâm lý nhân vật đầy đặn, chất nhạc kịch đậm nét đã làm thăng hoa cảm xúc khán giả” - NSƯT Trần Minh Ngọc phân tích.
Theo đạo diễn - NSƯT Công Ninh, thành công nhất của nhạc kịch “Tấm Cám” là đã dung hòa hầu hết mọi yếu tố cần thiết của một vở diễn sân khấu đúng nghĩa. Nghệ thuật sân khấu vốn là nghệ thuật tổng hợp, với sự đóng góp của mỹ thuật, tạo hình, âm nhạc, âm thanh và biểu diễn. Ê-kíp thực hiện đã thật sự tìm được sự đồng cảm của khán giả qua tác phẩm của mình.
Bình luận (0)