ThS Huỳnh Khải cho biết: “Hiện nay, vẫn chưa có kế hoạch cụ thể trong việc đưa ĐCTT Nam Bộ vào giáo trình giảng dạy theo mục tiêu phối hợp giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, thế nên hầu hết các nhóm, các CLB đều tự phát trong việc đưa ĐCTT Nam Bộ vào sinh hoạt tại các trường, thực hiện di nguyện của cố GS-TS Trần Văn Khê. Và Trường THPT Ernst Thälmann đã tiên phong trong việc đưa âm nhạc truyền thống dân tộc Việt Nam nói chung và ĐCTT Nam Bộ nói riêng vào học đường trong năm học mới, giúp các em hiểu hơn về bộ môn nghệ thuật này và trả lời được câu hỏi vì sao thế giới vinh danh, công nhận ĐCTT Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
Không dừng lại ở đó, nhóm Huỳnh Khải - nghệ sĩ đàn tranh Hải Phượng - nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan tiếp tục đưa âm nhạc dân tộc và ĐCTT vào sinh hoạt tại các trường ở địa bàn quận 1, 3 và Gò Vấp. ThS Huỳnh Khải cho biết Trung tâm Văn hóa quận 1 sẽ đồng hành với họ tổ chức chuyên đề giới thiệu về nhạc cụ dân tộc, về bài bản ĐCTT cho học sinh tiểu học, trung học. Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan vui mừng cho biết: “Sở Văn hóa và Thể thao TP đã ấn hành quyển sách giới thiệu bài bản ĐCTT Nam Bộ viết lời mới, phù hợp với lứa tuổi thiếu nhi: “Long hổ hội”, “Tam pháp nhập môn”, “Long ngâm”, “Vạn giá”... rất dễ hát, dễ phổ biến, đi vào đời sống”.
Ông Nguyễn Văn Minh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP - cho biết CD những bài bản mẫu ĐCTT Nam Bộ đã được ấn hành, sắp tới sẽ phát cho các trường tiểu học, trung học để phát thanh trong giờ ra chơi, cho các em nghe và làm quen với những thể điệu vui nhộn, phù hợp với lứa tuổi của các em.
“Lời các bài bản mới dành cho các em phần lớn là ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, sự hiếu thảo với cha mẹ, với thầy cô. Để nhân rộng hiệu quả của dự án này, rất cần sự chung sức của đội ngũ nghệ nhân ca, nghệ nhân đờn của TP HCM để đưa ĐCTT Nam Bộ và nghệ thuật cải lương vào học đường” - nghệ sĩ Kim Cương nói.
Thời gian qua, nghệ sĩ Kim Cương đã cùng với CLB Sân khấu Lạc Long Quân, đội ĐCTT Nam Bộ của nghệ sĩ Út Bạch Lan, Mỹ Chi, Kiều Phượng Loan... đưa các chương trình này đến với khán giả thiếu nhi, học sinh. Thầy Minh Trung, Trường THPT Ernst Thälmann, cho biết: “Nhà trường không quên định hướng giáo dục âm nhạc dân tộc, trong đó có ĐCTT Nam Bộ, để các em hiểu và trân quý những giá trị văn hóa của dân tộc được thế giới công nhận là di sản văn hóa của nhân loại. Đây cũng là cách thực hiện di nguyện tốt đẹp của cố GS-TS Trần Văn Khê tiếp tục truyền thụ âm nhạc dân tộc đến giới trẻ”.
Bình luận (0)