Sau những phim hành động hài, kinh dị không tạo đột phá về doanh thu, màn ảnh rộng xuất hiện ngày càng nhiều phim về phận người, tôn vinh tình cảm gia đình. Những tác phẩm có chiều sâu trước đây được đánh giá khó xem, khó thu hút khán giả đang dần được ưa chuộng. Thành công của phim “Nắng” mở ra một hướng mới, cho thấy sự thay đổi thị hiếu của khán giả, hướng đến những giá trị cao hơn.
Nấm mọc sau mưa
Khi hài “nhảm” dần biến khỏi màn ảnh rộng, những kịch bản thông thường theo kiểu “thọc lét” khán giả không còn ăn khách. Nhà làm phim Việt tìm hướng mới, tập trung vào thể loại hành động hài hoặc kinh dị pha yếu tố khác. Tuy nhiên, giữa năm 2016 đến nay, lượng phim Việt thắng doanh thu ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều người trong giới nhận định một trong những nguyên nhân thất bại của phim Việt thời gian qua là thiếu kịch bản hay, nội dung lạ.
Từ nhiều cú “ngã đau”, nhà sản xuất chuyển sang săn tìm kịch bản phim nước ngoài để Việt hóa sau thành công của “Em là bà nội của anh” và “Bạn gái tôi là sếp”. Bên cạnh phim Việt hóa, họ tập trung tìm các câu chuyện hay về số phận con người, giàu tính nhân văn.
Sau phim “Hot boy nổi loạn 2” nói về nghề mại dâm nam tạo sự chú ý của dư luận, những phim đậm chất nhân văn như “Dạ cổ hoài lang”, “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa”, “Lô tô”... lần lượt ra rạp. Trong đó, “Có căn nhà nằm nghe nắng mưa” tôn vinh hình ảnh người mẹ, ca ngợi tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm. “Nội dung phim này được gói gọn trong chữ tình. Tình ở đây bao gồm tình yêu vợ chồng, tình cảm gia đình, của những người làm cha, làm mẹ đối với con cái, tình làng nghĩa xóm, tình cảm giữa con người với con người…” - đạo diễn kiêm nhà sản xuất Mai Thế Hiệp cho biết.
“Lô tô” - lấy cảm hứng từ phim tài liệu từng gây sốt “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” - mô tả cuộc sống trong các gánh lô tô lang thang khắp vùng miền Tây sông nước. Khác với phim tài liệu, “Lô tô” có câu chuyện, có kịch tính, cao trào, thông điệp mang đến vẫn là sự thương cảm cho những thân phận nổi trôi, rày đây mai đó của những người thuộc giới thứ ba.
Phim “Dạ cổ hoài lang” được chuyển thể từ vở kịch từng lấy nước mắt nhiều khán giả. Nội dung kể về cuộc sống người Việt ở hải ngoại, nhất là những người già, nỗi nhớ quê hương da diết luôn tràn ngập trong tâm hồn họ.
Các phim về thân phận con người bên cạnh tiếng cười nhẹ nhàng là nước mắt, từng khó thu hút khán giả màn ảnh rộng. Thế nhưng, nhiều người trong giới nhìn nhận sau thành công của phim “Nắng”, khán giả Việt đã cho thấy sự thay đổi. Họ thích những câu chuyện có chiều sâu chứ không phải là tiếng cười hời hợt, khiên cưỡng như trước. Đây là động lực để các nhà làm phim đầu tư thể loại này.
“Tôi cũng thích những phim về số phận con người, đậm chất Việt nhưng chưa tìm được câu chuyện hay để làm. Những phim này muốn làm phải có một câu chuyện thật hay, thật cảm xúc, bảo đảm lấy nước mắt khán giả. Tôi nghĩ phim “Lô tô” hay “Dạ cổ hoài lang”... đều có điểm thu hút riêng và phù hợp thị hiếu khán giả thời điểm này” - đạo diễn trẻ Luk Vân nhận xét.
Nâng chất phim Việt
Theo các nhà sản xuất, đây là thời điểm thích hợp để phim thấm đẫm giá trị nhân văn ra rạp. Nó góp phần nâng chất phim Việt, hoàn thiện những phim có chủ đề nhân văn nhưng chưa tốt trước đó. Thị hiếu khán giả nâng cao buộc các nhà làm phim cũng phải nâng chất sản phẩm của mình. Dù không thể nhanh chóng, dễ dàng tạo ra những tác phẩm đạt chuẩn nhưng sự chuyển đổi theo hướng tích cực vẫn giúp thị trường phim tốt hơn so với thời bùng nổ hài “nhảm”.
“Trước đây, khi đưa kịch bản phim tìm nhà tài trợ, tôi đều nhận được lời khuyên không nên làm vì thiếu yếu tố hài, hành động, cảnh nóng. Phim của tôi chỉ tôn vinh người mẹ, nói về những phận người trong xã hội. Dù kiên định với mục tiêu nhưng tôi cũng lo ngại đôi chút. Nhưng đến giờ, tôi mừng vì thấy mình đi đúng hướng, khán giả đã chú ý đến dòng phim tập trung vào câu chuyện nhân văn. Những đoạn quảng cáo ngắn của phim cũng nhận được phản hồi tích cực từ khán giả” - đạo diễn Mai Thế Hiệp phấn khởi.
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng cho biết hiện khán giả không còn thích những câu chuyện mang tính hình tượng chung chung. Họ quan tâm đến các cá nhân với những thân phận cụ thể hơn. Vì thế, khi thực hiện phim “Hot boy nổi loạn” phần 2, anh tập trung vào một số phận, một nhân vật chứ không phát triển theo hướng đa chiều như phần 1.
Theo đạo diễn Đức Thịnh, khán giả hiện chuộng những câu chuyện phim tình cảm, sâu sắc, nhân văn pha chút hài hước nhẹ nhàng chứ không phải hài quá lố.
“Tôi nghĩ mỗi thời điểm, thị hiếu khán giả sẽ khác. Năm 2016, phim “4 năm 2 chàng 1 tình yêu” tôi làm thắng doanh thu nhưng năm nay, người khác làm thể loại ngôn tình tương tự chưa chắc đông người xem. Trước khi bắt tay vào dự án nào, tôi cũng bỏ thời gian theo dõi, tìm hiểu xem khán giả thích gì. Hiện tại, chúng ta thuận lợi hơn nhờ có mạng xã hội Facebook phát triển. Nếu siêng năng một chút, chúng ta có thể biết đối tượng khán giả mình thích gì và đáp ứng” - đạo diễn Luk Vân khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy, Giám đốc sản xuất Công ty Sena Film, cho rằng thị trường luôn có sự điều tiết và dòng phim nhân văn cũng như Việt hóa phát triển là xu thế tất yếu. “Khán giả đi xem phim hiện nay không hẳn vì diễn viên này, diễn viên kia mà cần một câu chuyện hay, có chiều sâu, thông điệp rõ ràng. Khán giả xem xong phải lưu luyến, suy nghĩ chứ không quên ngay khi vừa ra khỏi rạp” - bà nhận xét.
Sự ủng hộ của khán giả thông qua doanh thu sẽ mở đường để các nhà sản xuất mạnh dạn chọn lựa chủ đề làm phim. Hiện họ quan tâm nhiều đến những câu chuyện nhân văn là tín hiệu đáng mừng. Khi thấy nhiều phim thành công, theo quy luật, nhà làm phim dịch chuyển sang hướng này và những tác phẩm ngày càng chỉn chu hơn sẽ sớm xuất hiện.
Bình luận (0)