Danh hiệu: - Nghệ sĩ Ưu tú: Ðược phong năm 1993. Hội viên Hội Ảo thuật gia quốc tế Hoa Kỳ IBM (The International Brotherhood of agicians). Hội viên Danh dự vĩnh viễn của CLB Ảo thuật Matxcơva. Hội viên Hội Ảo thuật Pháp L’AFAP (L’Association Francais des Artistes Prestidigitateur).
Mặc dầu cơ sở sản xuất đồ chơi bằng nhựa của gia đình ông, nằm trên một con hẻm đối diện chợ Vườn Chuối, đóng cửa được 5 tháng nay vì không cạnh tranh nổi với đồ chơi Trung Quốc ồ ạt tràn sang, song ngày ngày “ông hoàng bồ câu” - “ông vua xòe bài” vẫn đến đây, leo lên căn gác, ngồi vào chiếc ghế quen thuộc trong một căn phòng nhỏ chứa đầy dụng cụ ảo thuật để nghiên cứu. Ngay tầng sát dưới chân ông là một đàn bồ câu và những con tương cận - lời ông nói - mà để nuôi sống nó, mỗi tháng ông phải mất ít nhất nửa triệu đồng. Trong cuộc trò chuyện, thỉnh thoảng ông vẫn diễn một vài trò ảo thuật nhỏ và tài nghệ xòe bài dễ như thở để khẳng định tài năng chưa hề bị mai một.
Phóng viên: Trong sự nghiệp ảo thuật của mình, điều gì để lại trong ông ấn tượng nhất?
- Nghệ sĩ Ưu tú Z.27 Nguyễn Ðức Tường: Có thể coi năm 1968 là năm bước ngoặt của nghề nghiệp khi tôi đoạt huy chương vàng duy nhất trong cuộc thi quy tụ 23 ảo thuật gia giỏi nhất ở miền Nam lúc bấy giờ. Từ đó, báo chí mới gọi tôi là “ông hoàng bồ câu” và “ông vua xòe bài”. Cho đến năm ấy, tôi đã đi vào nghề ảo thuật trên 10 năm, kể từ khi tôi còn là cậu bé tiểu học ở trường huyện Cai Lậy (Tiền Giang), những trò như hộp hóa ra tiền, biến mất khăn lụa học được từ mấy ông bán thuốc sơn đông mãi võ đã khiến tôi được bạn bè xuýt xoa nể trọng. Từ đó, tôi biết là tôi sinh ra để đi theo nghề này. Lớn hơn một chút, được lên Sài Gòn học trung học, tôi càng mê mẩn hơn khi thấy hình ảnh nhà ảo thuật gia nổi tiếng người Anh với chương trình ảo thuật bồ câu trong phim Ðêm châu Âu (Nuit d’Europe) với áo đuôi tôm, găng tay trắng, mũ cao..., tôi đã xem phim này không dưới 50 lần. Tôi nghĩ, ông ta đâu phải trên trời rơi xuống, cũng là con người như mình, họ làm được, mình làm được. Vậy là tôi lao vào tập, tập và tập. Tôi gắn kiếng đầy phòng để tự kiểm tra mình và tập xòe bài đến sưng vù cả hai bàn tay. Năm lên đệ ngũ (lớp 8 ngày nay), tình cờ đọc trên báo thấy giáo sư ảo thuật Nguyễn Thành Long mở lớp tuyển học trò. Tôi theo học được nhờ có người bạn giúp một nửa học phí với lời dặn: “Học xong về chỉ lại cho tao”. Vậy là thêm một lý do để tôi gắng hết sức, không bỏ sót một bài nào của thầy. Sau khi nhận huy chương vàng, tôi thực sự sống được thoải mái bằng ảo thuật.
Nhưng bây giờ ông ít diễn đến mức có người tưởng Z.27 ngày xưa đã bỏ nghề?
- Năm 1985, sau khi tham dự Festival Thanh niên thế giới lần 12 tại Matxcơva trở về, tôi bị thất lạc toàn bộ dụng cụ biểu diễn. Hơn nữa, tình hình sân khấu lúc bấy giờ cũng không còn khán giả như xưa, tôi tạm rời sàn diễn, mở cơ sở sản xuất nhựa để nuôi sống gia đình. Ðến 1996, khi kinh tế gia đình đã tạm ổn, niềm đam mê ảo thuật lại trỗi dậy, tôi quyết định trở lại sàn diễn. Ðể cập nhật thông tin, tôi lên đường đi tham quan các trung tâm ảo thuật (magic shop) ở bốn nước châu Âu: Hà Lan, Bỉ, Pháp, Ðức, mua thêm dụng cụ. Từ đó đến nay, tôi diễn theo hợp đồng, bên cạnh việc thường xuyên biểu diễn theo tinh thần từ thiện cho các cơ sở mồ côi, tàn tật...
Có rất nhiều người muốn xem ảo thuật và cũng không ít người muốn “biết” ảo thuật. Ông có thể nói gì về nghề này?
- Ảo thuật là một bộ môn nghệ thuật khó, cần rất nhiều yếu tố mới trở thành một ảo thuật gia. Trước hết, nó đòi hỏi năng khiếu và lòng đam mê. Có cái đó rồi mới tính đến: nhất tướng (vóc dáng), nhì duyên (ăn nói), tam nghề (kỹ thuật), tứ diễn (nghệ thuật). Sau nữa là trình độ văn hóa và kinh tế yểm trợ. Có hiểu biết rộng mới ứng dụng được khoa học kỹ thuật vào các trò và có tiền mới sắm được các dụng cụ. Nhà triết học Fazer nói: “Nhà khoa học là con đẻ của nhà ảo thuật”, còn tôi: Khoa học và ảo thuật hỗ tương cho nhau. Trò chỉ là phương tiện để đạt được cứu cánh ngoài sân khấu, là phong cách biểu diễn, còn cái chính là sự khéo léo (không phải là sự nhanh nhẹn) chuyển đổi giữa cái ảo và cái thực. Cái thực mà khán giả thấy được chỉ có 50%, còn lại là bí mật của nhà ảo thuật. Nhà ảo thuật đòi hỏi một đôi tay khéo léo và một đầu óc nhạy cảm.
Có người gọi ông là “ông hoàng bồ câu cô đơn”, vì sao lại “cô đơn”?
- Tôi buồn vì nhìn lại phía sau không có ai kế thừa. Tôi mở lớp dạy cả trăm học trò đủ quốc tịch trong suốt mấy chục năm qua nhưng chưa có ai quyết chí theo nghề thầy. Người có năng khiếu thì chỉ coi ảo thuật là môn chơi tài tử (amateur), làm vui cho bạn bè, còn người quyết đi theo sân khấu lại không đủ tiêu chuẩn cần thiết. Tôi có sáu người con, cũng không ai theo nghề như “con sãi không còn quét lá đa”. Song cũng như ở các nước khác, rồi đây vài ba chục năm sau cũng sẽ lại có “ông hoàng ảo thuật” mới xuất hiện. Sự vận động của cuộc sống là vậy.
Ông lại vừa đi thăm một số magic shop ở Mỹ về. Ông có học hỏi được điều gì mới?
- Từ sau ngày giải phóng đến nay, tôi đã đi khoảng 15 nước ở Âu, Mỹ, Á. Những chuyến trước thì tham quan học hỏi. Những chuyến gần đây là để trao đổi nghệ thuật. Họ lấy chất xám về sự khéo tay của mình, mình lấy khoa học kỹ thuật của họ. Trao đổi ngang giá! Nhiều người trong giới ảo thuật nước ngoài cho rằng tôi đủ sức tham dự các liên hoan quốc tế chuyên nghiệp.
Tháng 3-2003, tại Quảng Ninh, lần đầu tiên Việt
- Tôi đang chuẩn bị một số tiết mục: Cho em bé 8 kg bỗng nhiên xuất hiện trước khán giả, cho 8 con bồ câu xuất hiện trên hai cánh tay trong tích tắc, cho 6 con cá tra hiện ra dưới khán phòng...
Xin ông giải thích về nghệ danh Z.27.
- Lúc còn trẻ tôi ao ước sẽ được đi biểu diễn vòng quanh thế giới nên lấy nghệ danh cho lạ, ấn tượng. Chữ Z là một chữ có hình thức đẹp. Còn 27 có 9 nút, hên. Lúc mới tự đặt tên cho mình, tôi cũng thấy kỳ kỳ nhưng càng ngày càng thấy nó thân thương. Nhân đây, tôi cũng muốn nói thêm: Tôi rất biết ơn giáo sư ảo thuật Nguyễn Thành Long, người thầy đưa tôi vào nghề. Thầy đã mất nhưng nghe đâu vợ thầy đang khó khăn, mắt đau mà không có tiền chữa trị, qua Báo Người Lao Ðộng tôi muốn được liên lạc để có dịp trả nghĩa với thầy cô.
Bình luận (0)