Thông tin nhà văn Bảo Ninh - tác giả của cuốn tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” - “trượt” khỏi vòng 3 đề cử Giải thưởng Nhà nước khiến dư luận trong văn giới xôn xao. Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam kiêm Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đã đề nghị xét lại trường hợp này.
Nỗi buồn dai dẳng
Đã rất lâu, từ hồi “Nỗi buồn chiến tranh” ra đời năm 1987 và lập tức gây “bão” trên văn đàn Việt Nam ở đủ mọi khía cạnh khác nhau. Tác phẩm này liên tiếp nhận các tặng thưởng, giải thưởng, những niềm vinh dự lớn lao, tác giả của “Nỗi buồn chiến tranh” được nhiều nhà phê bình trong và ngoài nước tôn vinh là tác giả của “cuốn tiểu thuyết xúc động nhất về chiến tranh Việt Nam”, “cuốn sách chạm vào mẫu số chung của nhân loại”, “thành tựu lớn nhất của văn học đổi mới”…
Tuy nhiên, “cha đẻ” của cuốn tiểu thuyết duy nhất của Việt Nam được đưa vào vòng đề cử Giải Nobel Văn học này còn nhận được rất nhiều thứ đắng chát trong cuộc sống và sự nghiệp viết văn của mình. Từng có thời tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” bị cấm không được in suốt nhiều năm liền. Cho tới năm 2005, cuốn tiểu thuyết này chỉ được xuất hiện trở lại với bạn đọc sau khi đã đổi tên thành “Thân phận của tình yêu”. Sau đó, sách đã được in lại với tên chính thức đã nổi danh: “Nỗi buồn chiến tranh”, đồng thời được dịch ra rất nhiều thứ tiếng nhưng những nỗi buồn dai dẳng cả trong đời sống lẫn chuyện nghề nghiệp mà tác giả đã trải nghiệm và đi qua, ông chỉ muốn quên đi mà không dễ gì quên được.
Cho đến tận bây giờ, sau mấy chục năm đổi mới, nếu để lên “bàn cân” của bất cứ hội đồng lựa chọn giải thưởng nào liên quan đến văn học Việt, cũng chưa có cuốn sách nào vượt qua “Nỗi buồn chiến tranh”. Thế nhưng, cũng đến tận giờ này, nhà văn vẫn phải ngậm ngùi cay đắng thốt lên: “Chuyện xưa, kết đi được chưa?” (tên một truyện ngắn đã xuất bản của Bảo Ninh).
Bảo Ninh những ngày này thường khó liên lạc, có người bạn nói ông mất điện thoại nhưng thực ra suốt bao nhiêu năm nay, cũng ít ai tìm được Bảo Ninh trên các loại “sóng”. Chỉ có những người thân, bạn bè thực sự mới biết ông đang ở đâu, có gặp gỡ ai không, đang viết cái gì, tỉnh hay say. Ông sống bình thản, vẫn viết truyện ngắn, viết tiểu thuyết và khá thờ ơ với việc giải thưởng này nọ. Nhiều năm trước, ông không gửi hồ sơ, nếu năm nay có người thông báo chuyện “trượt” giải thưởng thì đối với ông, chắc cũng không có gì quan trọng.
Đề nghị xét lại
Dẫu vậy, nhiều bạn văn bức xúc không hiểu vì lý do gì mà thành tựu của văn học đổi mới lại bị “gạt” ra ngoài giải thưởng danh giá này? Thậm chí, trong danh mục đề cử còn thường xuyên xuất hiện những cái tên “xa lạ” với độc giả và khó xứng tầm với các nhà văn tên tuổi.
“Đến tác phẩm của Bảo Ninh mà còn “trượt” thì chúng tôi chẳng biết nói gì nữa. Nếu chấm xét các tác phẩm văn học thì phải hỏi ý kiến từ các nhà chuyên môn, không hỏi họ thì hỏi ai để lấy cơ sở tôn vinh tác phẩm? Đã có ý kiến căng thẳng về việc này nhưng hội đồng vẫn “bất chấp” - nhà văn Trung Trung Đỉnh, Giám đốc NXB Hội Nhà văn, thất vọng.
Hai vòng dưới, tỉ lệ phiếu bầu cho nhà văn Bảo Ninh rất tốt: ở tuyến cơ sở, đạt tỉ lệ 100% phiếu bầu; ở ủy ban chuyên ngành cấp bộ, đạt tới 90% phiếu bầu; ở cấp nhà nước, tỉ lệ sụt xuống chỉ còn 76% phiếu bầu. “Không chỉ bỏ phiếu cho anh Bảo Ninh, tôi đã bỏ cả nửa giờ để hùng biện về chất lượng nghệ thuật của tác phẩm “Nỗi buồn chiến tranh”. Giờ bỗng dưng tác phẩm bị thiếu phiếu thì chúng tôi cũng không biết có chuyện gì, tại sao lại như thế?” - nhà văn Chu Lai, thành viên hội đồng xét giải, cho biết.
Cả hội đồng có 28 người nhưng chỉ có mấy người hoạt động trong lĩnh vực văn chương. Nhà thơ Hữu Thỉnh nói: “Trong lĩnh vực văn chương, chỉ có tôi, Nguyễn Trí Huân, Chu Lai, Hoàng Nhuận Cầm”. Theo ông Hữu Thỉnh, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật và Hội Nhà văn Việt Nam đang làm công văn khẩn đề nghị xem xét việc này để có thể bỏ phiếu lại.
Nhiều nhà văn, nhà thơ cũng mong được bỏ phiếu lại cho nhà văn Bảo Ninh. “Không thể để một nhà văn thành công lớn trong nền văn học đương đại của chúng ta như Bảo Ninh phải chịu thiệt thòi” - một nhà văn khẳng định.
Yêu cầu tỉ lệ phiếu phải đạt 90% là quá cao
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cũng bức xúc: “Tỉ lệ phiếu phải đạt 90% là quá cao. Theo tỉ lệ này, chắc chắn các tác phẩm rất khó để đoạt giải. Trước đây, theo nghị định năm 2012, tỉ lệ cũ chỉ có 75%”. Một số ý kiến từ nhà nghiên cứu, nhà phê bình cũng cho rằng tỉ lệ số phiếu đạt được chỉ cần 75%, thậm chí quá bán đã là tốt rồi vì hội đồng bao gồm nhiều thành phần, không phải ai cũng là nhà chuyên môn trong đúng lĩnh vực nên sự thống nhất sẽ rất khó. Nhiều nhà phê bình, nhà nghiên cứu không muốn lên tiếng trong sự vụ khá “nóng” này nhưng ai cũng cảm thấy rất rõ một “nỗi buồn” quá lớn cho “Nỗi buồn chiến tranh” và nhà văn Bảo Ninh.
Bình luận (0)