Di tích lưu niệm Phan Bội Châu ở Huế (bao gồm ngôi nhà tranh ở dốc Bến Ngự, nhà thờ, lăng mộ và nghĩa trang mang tên Phan Bội Châu) có giá trị lớn về mặt lịch sử, văn hóa, được Nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia nhưng việc bảo quản và phát huy khu di tích này vẫn chưa xứng tầm.
Cả khuôn viên khu di tích được phủ kín bởi nhiều loại cỏ dại và thường bị ngập nước mỗi khi mưa lớn, khiến bức tượng cụ ngày càng bị lún sâu.
Ngoài ngôi nhà tranh 3 gian, chỉ còn lại hai chiếc tủ dựng sách, đã hiện diện 79 năm qua (từ năm 1929), nay đã hết sức cũ kỹ, xiêu vẹo và hoàn toàn trống rỗng. Một số tài liệu do cụ sáng tác hiện đang được hậu duệ của cụ sinh sống tại TPHCM cất giữ.
Căn phòng phía trong, càng trở nên lạnh lẽo bởi sự trống vắng. Những hiện vật đơn giản có thể phục chế được, như chiếc giường tre, quạt giấy, đôi guốc cụ vẫn dùng lúc sinh thời, lẽ ra phải có mặt ở đây từ lâu rồi, nhưng hiện tại vẫn chỉ là mong ước của du khách!
Bức tượng đồng cụ Phan trong khu di tích đang bị bỏ hoang
Cả ngôi nhà ở, nhà thờ và nhà trưng bày hiện vật của cụ được dựng trên một khu đất khá rộng, do bạn bè thân hữu, những người yêu mến cụ đã vận động, quyên góp xây dựng nên. Vậy mà giờ đây, toàn bộ cảnh quan khu di tích lịch sử của cụ Phan bị phá vỡ bởi các ngôi nhà cao tầng trái phép mọc lên, che khuất.
Bức tượng cụ Phan bằng đồng, với chiều cao 3 m, nặng 4 tấn, đặt trong khuôn viên khu di tích, do nhà điêu khắc Lê Thành Nhơn sáng tác vào năm 1973; phường Đúc (một địa phương có nghề đúc đồng nổi tiếng của tỉnh Thừa Thiên- Huế) thực hiện, nằm lạnh lẽo ở bên góc vườn vắng vẻ.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng bức tượng đặt ở vị trí này là không đúng tầm cỡ của một nhà chí sĩ cách mạng. Đây cũng là nỗi trăn trở không chỉ của người dân Thừa Thiên- Huế mà còn của nhiều du khách khi đến tham quan khu di tích.
Được biết, tỉnh Thừa Thiên- Huế đã có phương án tu sửa lại khu di tích lưu niệm Phan Bội Châu với kinh phí 500 triệu đồng và sẽ thực hiện trong tháng 8 này. Dù muộn, nhưng dự án này được triển khai sẽ làm nhẹ lòng những người yêu quý cụ Phan.
Bình luận (0)