Nhiếp ảnh gia Thu An tâm sự: “Năm 2001, với chiếc máy ảnh chụp phim đen trắng trên tay, tôi tìm đến Làng Hòa Bình Từ Dũ với ước muốn ghi vào ống kính những hình ảnh sinh hoạt đời thường của các em bị nhiễm chất độc da cam/dioxin”.
Chính những thước phim trên đã thôi thúc tác giả đến với đề tài này chuyên sâu hơn. Từ đó, tác giả Thu An tham gia rất nhiều hoạt động của các em như trại hè ở Vũng Tàu, tìm đến cơ sở nuôi dạy trẻ khuyết tật An Phúc (Bình Thạnh – TP HCM) rồi về tận Bình Thuận xa xôi – nơi có gia đình sinh 3 con đều bị di chứng da cam… Những chuyến đi đó giúp tác phẩm của Thu An càng mềm hơn, càng sâu sắc hơn.
“Tôi đã bấm máy với hy vọng mình sẽ có những tác phẩm để tham dự các cuộc thi trong và ngoài nước. Nhưng khi đưa phim lên máy rọi, hình ảnh của các em hiện lên trên giấy mỗi lúc một rõ dần như lớp sóng sau tràn lên lớp sóng trước làm tôi choáng ngợp. Điều đó thôi thúc tôi không ngừng suy nghĩ về các em, về những hình ảnh mà mình đã chụp.
Tôi đã rơi nước mắt khi bấm máy hình ảnh 2 em đưa nhau vào đời dù cô dâu bị bại liệt và chú rể sắp lên bàn mổ, dù phòng tân hôn của đôi trẻ nằm dưới gầm cầu thang… Tôi muốn cho bạn bè trên thế giới biết rằng họ đang đi tới dù trên chiếc nạng hay chiếc xe lăn”– tác giả chia sẻ. Chính những sáng tác xuất phát từ trái tim đó đã đem lại cho nghệ sĩ Thu An tước hiệu M.FIAP (nghệ sĩ nhiếp ảnh bậc thầy) của Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh Quốc tế (FIAP).
Xin giới thiệu một số bức ảnh được trưng bày tại triễn lãm:
Nhìn lại quá khứ
Ngày 10-8-1961, máy bay của quân đội Mỹ tiến hành rải chất diệt cỏ lên vùng Đắc Tô (Tây Nguyên) mở đầu chiến dịch mang mật danh “Ranch Hand” phun rải chất khai hoang, trong đó có chất da cam/dioxin. Từ năm 1961 – 1971, khoảng 100 triệu lít chất độc hóa học được quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam, trong đó lượng dioxin là 386 kg.
Hiện nay, cả nước có hơn 4,5 triệu người đã tiếp xúc với hóa chất da cam/dioxin. Đây chính là nguyên nhân gây ra những di chứng khác nhau qua nhiều thế hệ, đặc biệt là trẻ em với nhiều căn bệnh hiểm nghèo, như: ung thư, rối loạn chuyển hóa, bệnh thần kinh, bệnh ngoài da, bất thường sinh sản, vô não, não teo, dị tật cột sống, thiểu năng trí tuệ, dị tật tứ chi…
Riêng tại Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) hằng năm tiếp nhận nhiều ca thương tâm. Cha mẹ nhiễm dioxin thường sinh ra những đứa trẻ tay chân bị dị tật, ung thư, xương thủy tinh, vẩy nến, nhiều chứng bệnh về thần kinh… Đa số các em bị bỏ rơi tại Bệnh viện Từ Dũ, trong khi nhiều em được chuyển về các bệnh viện địa phương hoặc trung tâm nuôi dưỡng...
Bình luận (0)