Người tiếp ông ngoại là lão chủ nhà bận bộ đồ cựu chiến binh cũ kỹ và đội mũ cối. Có lẽ ông ta đang định đi họp gì đó ở trên quận hay phường. Khác với vẻ sầm sì hiện hữu thường trực trên khuôn mặt, bữa nay tiếp ngoại, lão tỏ ra niềm nở. Niềm hạnh phúc có ngôi nhà mới rạng rỡ chói trên nụ cười khắc khổ của lão.
Bấy giờ, ngoại trong bộ pyjama trắng kẻ sọc xanh, tóc chải lật ngôi, ngồi thẳng thớm, lưng không tựa vào ghế, mắt nhìn chính diện lão hàng xóm, nói dõng dạc:
- Tôi sẽ nói với anh một điều quan trọng.
Người đối diện tỏ ra cởi mở dù mồ hôi bắt đầu đổ trên thái dương, cho thấy tâm trạng ít nhiều hồi hộp và có cả lúng túng. Lúng túng quá đi chứ. Thường ngày, ngoại là người kín kẽ, phong thái luôn toát lên một đẳng cấp phong lưu trí thức, ít giao du thân mật với những người trạc tuổi mình ở trong xóm. Là xóm giềng, ngoại luôn hòa đồng theo lối sơ giao. Cứ như thể chẳng có mối bận tâm nào chung để mà hàn huyên. Ngoại lủi thủi trong ngôi nhà, trong căn phòng, trong thế giới bé nhỏ của mình. Hẳn trong mắt mấy ông bà già trong xóm, ngoại là một lão già khép kín, cao ngạo và có phần bí hiểm.
Ngoại vẫn giọng lạnh lùng, chừng mực:
- Tôi hỏi anh, từ khi anh xây cái nhà này, anh có mở cửa sổ đón nắng mỗi sáng hay không?
- Không, không. Có chuyện chi không vậy bác? Lão hàng xóm tỏ ra ngạc nhiên.
- Vấn đề là ở đây. Anh có thấy việc xây nhà cao rồi trổ một cái cửa sổ để rồi không bao giờ biết tận hưởng nó, đó là điều hết sức hoang phí hay không?
- À, chỗ này thì… Mà đó là vấn đề của gia đình tôi. Tôi hỏi lại khí không phải chứ việc này có liên quan phiền hà gì đến nhà bác hay không?
- Có chứ sao không - ngoại đáp ngay, như chớp lấy cơ hội giải tỏa nguồn cơn - Này nhé, để tôi nói cho anh nghe, ngày trước, khi anh chưa xây nhà cao, cửa sổ nhà tôi trổ sang hướng này, hướng Đông. Mỗi buổi sáng tôi đều mở cửa đón ánh nắng đầu ngày. Tôi thả tầm mắt nhìn ra cây cầu dây văng ẩn hiện trong sương mù bảng lảng. Và thấy mặt trời nhô lên từ dải lau ven sông. Ánh nắng rọi vào căn phòng, nơi tôi ngồi suy tư bên bàn viết. Nguồn sinh khí sáng tạo của tôi đến từ không khí và ánh sáng đầu ngày. Những hôm trời mưa, tôi nhìn thấy những bóng người và xe trôi chậm chạp trên cầu và nghĩ đến cõi nhân sinh hư ảo. Những đêm trăng, anh biết không, ánh trăng vằng vặc chiếu vào căn phòng, ngay chính trên bàn tôi làm việc. Ánh trăng thật thanh thoát. Còn nữa, những khuya mùa xuân, trăng sáng đến mức tôi không phải dùng đến đèn bàn mà vẫn đọc sách được. Trăng treo ngoài cửa sổ. Trăng đi vào trang viết và giấc ngủ của tôi. Còn những đêm hè, gió từ sông thổi vào lồng lộng, xua đi sự bức bối nóng nực. Tôi đã nghĩ rằng căn phòng nhỏ hẹp ấy là nơi tôi được thụ hưởng sự tĩnh lặng tuyệt đối cuối đời để có thể viết lách cái gì đó về những ngày tháng đã qua trong cuộc đời mình. Nó là nơi tôi tĩnh tâm trước khi gõ những dòng chữ khó khăn lên trang giấy. Nhưng rồi một ngày, anh đã làm mọi thứ xáo trộn cả. Anh đã xây lên một bức tường đóng bít lại cái tầm nhìn ấy, chặn hết nguồn sinh khí ấy. Anh đã giành lấy cái quyền trổ cửa sổ cho mình, tạo ra một cái cửa sổ để rồi luôn đóng kín. Anh có thấy mình có gì đó ích kỷ hay không?
Lão già kia phá lên cười như không thể nhịn được nữa. Tiếng cười khậc lên từ cổ lão, thoát ra từ mũi và mồm lão. Tiếng cười ứa ra từ đôi mắt tèm nhèm của lão. Tiếng cười xoáy vào nỗi bức bối vô lý của ông già hàng xóm tưởng chừng thanh cao nhưng đang tủn mủn đầy vô lý, là ngoại. Cười đã đời, rồi lão khựng lại, gỡ nón cối trên đầu, ôm trước bụng, xoa xoa, đi đi lại lại trước mặt ngoại như đi trước cánh đồng lúa bát ngát được mùa, rồi nói giọng ra vẻ nhún nhường, thực ra là để che đậy sự hả hê:
- Này bác, tôi cũng có quyền hưởng thụ mặt trời buổi sáng theo cách của tôi. Hôm nay, tôi đóng kín cái cửa sổ đấy không có nghĩa là không bao giờ mở nó ra. Và việc đóng kín hay mở ra đó là chuyện của tôi, tôi nhắc lại với bác như thế. Còn việc tôi xây nhà cao bít cái cửa sổ, tầm nhìn, nguồn cảm hứng văn chương của bác thì xin lỗi bác vậy, tôi đâu có hay chuyện cái cửa sổ ảnh hưởng tới sự nghiệp của bác đến thế đâu. Hồi nào đến giờ tôi làm ở tổ dân phố, tôi đâu có biết được thói quen sáng tác của các nhà văn thanh cao như bác; và càng không biết mình lại có thể can thiệp vào nguồn cảm hứng thiêng liêng của một người sáng tác ra những áng văn chương làm đẹp tâm hồn. Tôi có lỗi với bác nhưng xét ra tôi đâu có sai luật lệ gì.
- Bác nói vậy là nói dối - ông ngoại tôi vẫn ngồi thẳng lưng, giọng đĩnh đạc, mắt nhìn thẳng vào khuôn mặt tỏ ra khoái trá của lão già - tôi nói cho anh nghe, anh cố tình xây nhà cao lên là để bưng bít thế giới của tôi, chặn mọi ngọn nguồn ánh sáng của tôi. Dù trên nguyên tắc, anh là người đúng nhưng trong hành xử con người với nhau, anh vẫn là một người lính hành xử với cuộc đời như trong chiến trận. Anh vẫn là một kẻ chỉ biết hơn thua. Anh tranh đoạt cho bằng được thứ quý giá đối với người khác, nhưng chẳng biết dùng nó để làm gì cả. Thứ ấy quá xa xỉ đối với anh. Anh không hề xứng đáng để có được một tầm nhìn đẹp như thế khi suốt ngày chỉ đóng kín và dẫu có mở ra đi nữa, thì nắng đó, gió đó, trăng đó, thiên nhiên phóng khoáng đó, khung cảnh đổi thay trong ngày, trong mùa, trong năm đó cũng chẳng liên quan hay tác động tích cực gì đến tập tính đời sống của anh. Chúng quá xa vời đối với thế giới tâm hồn của anh. Anh hiểu chưa?
Ngoại gằn giọng: “Anh hiểu chưa?” rồi bỏ về.
Mặc cho lão già kia chưng hửng nhìn theo rồi lắc đầu cười khẩy. Phản ứng của lão hàng xóm có lẽ là đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Và trong sự thiếu chuẩn bị để tiếp nhận những bất ngờ, lão chỉ biết giả lả nhún nhường để che đậy sự đắc ý tầm thường nhưng nắm lý lẽ trong tay. Và cách nói cao ngạo của ngoại xem ra chỉ giải quyết vấn đề tâm lý của kẻ trên thực tế, thua cuộc và đuối lý.
Khi dắt xe ra trước ngõ, đội lại cái nón cối lên đầu, lão già còn chỏ miệng nói với sang phía ngoại như thách thức: “Nếu anh muốn lấy lại cái cửa sổ, tầm nhìn gì đấy thì cứ việc xây lên cao hơn nhà tôi đi chứ sao lại trách tôi vô lối như vậy chứ?”.
Chẳng biết ngoại có nghe rõ lời thách thức đó hay không.
Nhưng sau cuộc gây hấn đó, căn phòng ngoại nhiều tháng liền, cửa đóng im ỉm. Chỉ đến giờ ăn, ngoại mới chậm chạp bước xuống, nói dăm câu nhạt nhẽo với con cháu rồi ngồi vào bàn cho xong bữa, lại bước lên phòng, kéo cửa lại. Thần thái suy nhược. Lúc nào đôi mắt cũng như đang viễn du ở một xứ nào rất xa xôi.
Mẹ tôi đâm lo, đi mua tim sen, tổ yến về nấu chè. Nhưng ngoại dùng những thứ đó hờ hững. Cứ như thể cái điều hệ trọng mà tinh thần ngoại đang đeo đuổi nó quan trọng hơn vạn lần những thứ lắt nhắt của đời sống này.
Ngôi nhà ngày càng lạnh lẽo, ít tiếng cười đùa. Những giờ ngoại kể chuyện cho tôi không còn nữa.
Cho đến bữa nọ, khi mở cửa căn phòng riêng của ngoại để lau chùi và thay drap nệm, mẹ nhìn thấy ở trên bức tường, vị trí từng là khung cửa sổ, có một tấm giấy vuông, đề mấy chữ chân phương bằng mực tàu: “Nơi đây từng là một cái cửa sổ”. Trên bàn viết của ngoại, có một xấp bản thảo dày. Trang đầu có dòng lớn, in đậm: “Cửa sổ của những kẻ không biết nhìn trời - Tiểu thuyết”. Đang khi mẹ tôi loay hoay lén lút đọc mấy trang đầu thì có tiếng bước chân lên cầu thang nặng nề và chậm chạp của ngoại. Mẹ nhanh chóng xếp đặt đâu vào đấy như hiện trạng cũ rồi quày quả lau nhà.
Đêm rằm mát dịu mùa xuân năm đó, ngoại ra đi trong tư thế ngồi ngả lưng trên ghế làm việc, mắt hướng lên mảnh giấy trắng vuông trên tường có dòng chữ “Nơi đây từng là một cái cửa sổ”.
Cuốn tiểu thuyết sau đó được mẹ tôi liên hệ với một nhà xuất bản để in ra. Nó nhanh chóng gây sự chú ý. Nó nhanh chóng lọt vào bảng 10 sách bán chạy. Nhiều tờ báo ca ngợi nó như một dấu son cuối cùng trong sự nghiệp của một nhà văn đầy cống hiến. Có tờ báo ca ngợi rằng bằng những trang văn, ngoại là người đã chiến đấu với sự tầm thường của đời sống đến hơi thở cuối cùng. Một nhà phê bình uy tín đã hạ bút viết trên một tờ tạp chí văn chương rằng cái hay của cuốn tiểu thuyết ấy không nằm ở chỗ khắc họa những bế tắc của tâm hồn con người trong không gian sống chật chội của đô thị mà là một sự vượt thoát khỏi những chen chúc nhân sinh, những điều khiến cho con người có nguy cơ trở nên nhỏ nhen, tệ hại.
Từ sau khi ngoại mất, tôi ít thấy ông lão hàng xóm ra ngoài. Mỗi buổi sáng, sau khi chạy bộ ngoài bờ sông trở về con hẻm, tôi ngước lên và thấy cửa sổ nhà lão mở toang. Trên những chấn song sắt vuông vắn, có đôi bắp chân nhão và gầy tong teo gác lên phơi nắng sớm đầu ngày. Đôi bàn chân khắc khổ có khi nhịp nhịp theo một điệu nhạc vô thanh nào đó trên những song sắt.
Tôi hình dung bên trong căn phòng, chủ nhà vừa kéo chiếc giường ngủ về phía cửa sổ để tiện đón nắng sớm.
Sài Gòn, tháng 7-2016.
Bình luận (0)