icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nơi hội tụ tâm linh đất Việt

Phạm Công Đảo

Đến với Đền Hùng con người ai nấy như đều có chung một tâm nguyện. Đó là cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Lễ hội Đền Hùng từ bao đời đã vượt ra khỏi một lễ hội thông thường, trở thành điểm tựa tinh thần, là sức mạnh tâm linh, là điểm hội tụ của tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam

Cây có cội, nước có nguồn, con người có tổ, có tông. Chân lý ấy không bao giờ thay đổi.

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba

Khắp miền truyền mãi câu ca

Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm.

Trong tâm thức của mỗi người dân đất Việt - Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương từ bao đời nay đã trở thành biểu tượng văn hóa tâm linh, tín ngưỡng và tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Người dân Việt Nam dù ở trong nước hay kiều bào ta ở nước ngoài luôn hướng về với tấm lòng thành kính, tri ân công đức tổ tiên, thể hiện truyền thống đạo lý “uống nước, nhớ nguồn”.

Bản sắc văn hóa độc đáo

Trải qua mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, tục thờ cúng tổ tiên đã bắt rễ ăn sâu vào tình cảm của mỗi người dân. Dân tộc Việt Nam có một Tổ và ngày Giỗ Tổ là điều mà không có quốc gia nào trên thế giới có được. Cả nước tôn thờ một vị Quốc Tổ, đó không chỉ là phong tục, mỹ tục mà còn thể hiện bản sắc văn hóa độc đáo. Từ xưa đến nay, các thế hệ người Việt Nam luôn luôn dành cho Đền Hùng và Giỗ Tổ Hùng Vương sự quan tâm đặc biệt. Lê Thánh Tông - vị vua anh minh - đã có công lớn trong việc chính thức hóa vị trí khởi đầu lịch sử dân tộc của các Vua Hùng. Thời Hồng Đức nhà Lê, hội Đền Hùng đã được “gia hạn quốc tế”, việc tế lễ do triều đình chủ trì ủy quyền cho quan trấn thay mặt triều đình vào tế. Đến nhà Nguyễn, thời Vua Minh Mạng, bài vị thời Hùng Vương được rước vào kinh thành Huế, thờ ở miếu Lịch Đại đế Vương, còn ở Đền Hùng thì cấp sắc để phụng thời. Thời vua Tự Đức, năm thứ 27 (1874) lễ hội Đền Hùng được khôi phục như cũ và Vua Tự Đức cho xây dựng lăng Hùng Vương ngay cạnh Đền Thượng. Những năm thực dân Pháp xâm lược, người dân địa phương tự tổ chức việc thờ cúng, lễ hội. Năm 1946, chính quyền cách mạng dù bận rộn với bao nhiêu công việc của một chính quyền mới thành lập, vẫn tổ chức Giỗ Tổ đầu tiên. Phó Chủ tịch nước Huỳnh Thúc Kháng làm lễ dâng hương, dâng tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm lên bàn thờ Tổ. Tháng 12-1946, Chính phủ Hồ Chí Minh đã ra sắc lệnh số 22 “ấn định ngày kỷ niệm lịch sử và tôn giáo”, trong đó có một ngày nghỉ ghi rõ là ngày “kỷ niệm Hùng Vương”. Từ sau năm 1958 đến nay, lễ hội Đền Hùng được Nhà nước ta tổ chức, coi đây là một trong những ngày lễ lớn của dân tộc. Năm 2005, Giỗ Tổ Hùng Vương - lễ hội Đền Hùng đã được tổ chức ở quy mô cấp quốc gia. Đặc biệt năm 2007 này, Quốc hội đã thông qua lấy ngày l0-3 âm lịch hằng năm là ngày Giỗ Tổ Hùng Vương, mọi người lao động được nghỉ l ngày. Như vậy để mỗi con người hướng về cội nguồn tổ tông và tri ân công đức tổ tiên.

Với những giá trị văn hóa tâm linh, tín ngưỡng được vun đắp qua nhiều thế hệ, lễ hội Đền Hùng không chỉ là một lễ hội mang ý nghĩa thông thường, mà đây là ngày Giỗ Tổ linh thiêng. Hành hương về Đền Hùng chính là hành hương về cội nguồn dân tộc, thể hiện truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Đến với Đền Hùng, con người ai nấy như đều có chung một tâm nguyện. Đó là cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Lễ hội Đền Hùng từ bao đời đã vượt ra khỏi một lễ hội thông thường, trở thành điểm tựa tinh thần, là sức mạnh tâm linh, là điểm hội tụ của tinh thần đại đoàn kết của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Chính tinh thần hào hùng đó đã làm nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam đánh đuổi thù trong giặc ngoài giành lại độc lập cho Tổ quốc. Ý nghĩa tâm linh đó đã vượt ra ngoài biên giới, trở thành tiếng chim gọi bầy, là lời hiệu triệu muôn triệu trái tim con dân đất Việt.

Qua Phong Châu, tìm về đất tổ

Hướng về quê hương với hai tiếng ‘“đồng bào” thiêng liêng và sâu sắc “dù ai đi đâu về đâu, qua Phong Châu tìm về đất tổ”. Đã có nhiều kiều bào ở nước ngoài tìm về Đền Hùng dâng hương, xin chân nhang và đất tổ đem theo để thờ. “Đến thăm Đền Hùng, chúng tôi như những giọt máu trở về tim”. “Khi sống, tôi muốn được thờ đất nước, thờ tổ tiên. Khi chết, tôi muốn có một phần đất và nước thờ tổ tiên đắp lên phần mộ của tôi ở xứ người”. Một vị linh mục khi lên thăm Đền Hùng đã nói: “Trước khi là người Công giáo, tôi là người Việt Nam, đã là người Việt Nam thì phải... có tổ tiên”. Lễ và hội ở Đền Hùng như nguồn sáng để cháu con ngưỡng vọng.

Nét đặc sắc của lễ hội Đền Hùng chính là nó được kết tinh nét đẹp văn hóa của hội làng trong hội nước. Có thể nói, không nơi nào trên đất nước ta lại có mật độ tập trung dày đặc những hiện vật, dấu tích, huyền thoại, truyền thuyết về tất cả các lĩnh vực của cuộc sống thời đại các Vua Hùng như ở Phú Thọ, trong đó về mặt văn hóa đã để lại đến ngày nay những bằng chứng đậm đà của một nền văn minh sớm. Hầu hết các làng xã ở Phú Thọ đều còn lưu truyền những câu chuyện vừa truyền thuyết vừa thần thoại về các Vua Hùng, vợ con, tướng lĩnh. Có tới hơn 100 câu chuyện từ những sự việc Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ sinh được một bọc 100 trứng; chuyện Vua Hùng chọn đất đóng đô, cầu tài đánh giặc cứu nước, cầu mưa nắng v.v...; chuyện Vua Hùng dạy dân cấy lúa, làm bánh chưng, nấu mật, ca hát giao duyên v.v... đến các trò diễn như rước kiệu, đánh trống đồng, đâm đuống, hát xoan, kén rể, tục rước Chúa gái v.v... tất cả đều lắng đọng những lớp văn hóa tín ngưỡng cổ xưa mà qua mỗi câu chuyện được gắn với sông núi, ao hồ, đất đai cụ thể, ta hình dung được cuộc sống, lao động sản xuất, chiến đấu bảo vệ quê hương, vui chơi ca hát và những phong tục của ông cha thời dựng nước. Có thể xem lễ hội thời Vua Hùng là cả một hệ thống. Chính thức thờ Vua Hùng thì Đền Hùng là tiêu biểu. Còn các tướng lĩnh, vợ con Vua Hùng thì được thờ ở nhiều nơi và đều được gắn với các lễ hội truyền thống mỗi dịp xuân về. Đến với các lễ hội ấy, ngoài việc tưởng nhớ các thần thánh, đồng thời tưởng nhớ các Vua Hùng, bộc lộ tình cảm thành kính đối với tổ tiên và các anh hùng dân tộc.

Đền Hùng chính thức được xây dựng vào thế kỷ thứ 13. Cổng Đền Hùng được xây năm 1917. Leo lên 225 bậc đá là Đền Hạ, nơi đây tương truyền mẹ Âu Cơ đã sinh bọc trăm trứng cùng 100 con trai; bên cạnh Đền Hạ là chùa Thiên Quang cùng gác chuông. Leo tiếp 168 bậc là Đền Trung, tương truyền nơi đây xưa kia Vua Hùng cùng các tướng lĩnh đánh cờ, họp bàn việc nước. Đi tiếp 102 bậc đá nữa tới Đền Thượng, xưa kia Vua Hùng lập điện thờ Trời và thần Nông - vị thần của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước, hiện Đền Thượng là nơi có bài vị thờ Vua Hùng và hoàng hậu, công chúa, bên Đền Thượng là lăng mộ nơi thờ Hùng Vương thứ 6. Từ Đền Thượng phóng tầm mắt nhìn ra là TP Việt Trì nơi tụ nhân tụ thủy, tụ đức. Nơi có khu khảo cổ học làng Cả, một di lích lịch sử quốc gia với dấu tích của kinh đô Văn Lang xưa vừa được Bộ VHTT xếp hạng khu di tích đặc biệt quan trọng, mảnh đất được coi là địa linh với ngã ba sông tạo nên vẻ đẹp lãng mạn và kỳ thú đã đi vào tiềm thức con người, vào thơ ca, nhạc họa.

Dưới chân núi phía Đông là Đền Giếng, nơi thờ hai nàng công chúa con Vua Hùng thứ 18 là Tiên Dung và Ngọc Hoa, một người lấy Tản Viên Sơn Thánh, một người lấy Chử Đồng Tử, đều là những vị thần trong bộ “Tứ bất tử” anh hùng văn hóa Việt Nam. Theo 500 bậc đá từ chân núi Vặn, du khách sẽ đến Đền Tổ Mẫu Âu Cơ - người mẹ của dân tộc Việt Nam.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo