xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nơi nào cũng muốn nhà nước bỏ tiền xây rạp chiếu phim

Bài và ảnh: Hoàng Lan Anh

Các địa phương vừa đồng loạt kiến nghị nhà nước đầu tư ngân sách cải tạo, xây rạp chiếu phim để thu hút khách

Để tháo gỡ những khó khăn cho hoạt động phát hành phim của nhiều địa phương, Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch vừa tổ chức hội thảo “Giải pháp đẩy mạnh công tác phát hành - phổ biến phim tại rạp chiếu phim của trung tâm phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương”. Hội thảo diễn ra ngày 31-5 tại Hà Nội và 2-6 tại TP HCM.

Rạp xuống cấp, không có người xem

Bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho hay mấy năm qua, hoạt động phát hành phim có bước phát triển mạnh mẽ. Danh sách các phim đạt doanh thu trên 60 tỉ, thậm chí xấp xỉ 100 tỉ đồng, được nối dài, trong đó có không ít phim Việt. Hệ thống rạp chiếu phim đạt tiêu chuẩn cũng phát triển với tốc độ nhanh. Đến cuối năm 2015, cả nước có 138 rạp với 510 phòng chiếu. Số lượt khán giả xem phim năm 2015 tăng khoảng 15% so với năm 2014.

Trung tâm Chiếu phim quốc gia tại Hà Nội là rạp chiếu phim hiếm hoi của nhà nước còn thu hút khán giả đến xem phim
Trung tâm Chiếu phim quốc gia tại Hà Nội là rạp chiếu phim hiếm hoi của nhà nước còn thu hút khán giả đến xem phim

Tuy nhiên, đó là bức tranh khởi sắc của phát hành phim ở một số thành phố lớn, còn với các tỉnh thì vô cùng ảm đạm. Ông Dương Văn Biên, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Lạng Sơn, đưa ra những con số “thảm hại”: Năm 2011, số lượt người xem phim tại Lạng Sơn là hơn 14.000, doanh thu 384 triệu đồng nhưng năm 2015 chỉ còn gần 5.900 lượt người xem và doanh thu 188 triệu đồng. Tại Ninh Bình, rạp Ninh Bình có 3 phòng chiếu, năm 2013 doanh thu đạt 292 triệu đồng, năm 2015 chỉ còn 195 triệu đồng, trong quý I/2016 chỉ thu về 39 triệu đồng.

Theo ông Bùi Thế Lâm, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim Hải Phòng, dù Hải Phòng là đô thị lớn, cả 3 rạp chiếu phim nhà nước đều nằm ở trung tâm thành phố nhưng hầu như đều không mở cửa chiếu được buổi nào. Các rạp này có mở cũng chỉ 2-4 người xem do phòng chiếu xuống cấp, hệ thống máy lạnh hỏng.

Ông Trương Mạnh Hà, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim Hà Nội, cho rằng 3 khó khăn lớn nhất trong phát hành - phổ biến phim của các địa phương hiện nay là tình trạng rạp xuống cấp, trang thiết bị lạc hậu, thiếu nguồn phim. Theo ông, một số rạp tại các thành phố do khuôn viên chật chội nên không cải tạo, nâng cấp được thành cụm rạp. Có rạp chỉ 1-2 phòng chiếu, không có các dịch vụ đi kèm để phục vụ khán giả nên không ai đến. Thêm vào đó, nguồn phim lại phụ thuộc vào các nhà sản xuất, phát hành; hệ thống rạp của các trung tâm phát hành phim chủ yếu chiếu phim Việt Nam do nhà nước đặt hàng, tài trợ thông qua máy chiếu HD…

Nhiều trung tâm phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh, TP từ Đà Nẵng trở vào cũng nêu lên những khó khăn không khác gì so với khu vực phía Bắc. Đó là trang thiết bị lạc hậu, rạp xuống cấp, thiếu nguồn phim.

Cứu nguy bằng cách nào?

Để vực dậy hoạt động phát hành phim ở các địa phương, giám đốc các trung tâm (công ty) phát hành phim và chiếu bóng đã đồng loạt lên tiếng đề nghị Cục Điện ảnh có biện pháp cứu nguy, trong đó nhấn mạnh đến việc nâng cấp, xây mới rạp, đầu tư trang thiết bị cũng như về nguồn phim.

Bà Ngô Phương Lan khẳng định căn cứ pháp lý để phát triển hoạt động phát hành - phổ biến phim đã được quy định rõ trong Luật Điện ảnh, cụ thể là “trong quy hoạch đô thị phải dành quỹ đất để xây rạp chiếu phim”.

Quyết định 88 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Quy hoạch và kế hoạch nâng cấp, xây mới các công trình văn hóa giai đoạn 2012-2020” đã nêu rõ tổng số rạp chiếu phim cần nâng cấp và xây dựng mới là 106, trong đó xây mới 57 rạp, nâng cấp 49 rạp. Quyết định 199 của Thủ tướng phê duyệt “Quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030” cũng khẳng định sẽ cải tạo, nâng cấp khoảng 24 rạp chiếu phim tại các tỉnh, thành miền Bắc, 16 rạp tại miền Trung và 8 rạp ở miền Nam; phấn đấu xây dựng mới 10 rạp ở phía Bắc, 24 rạp ở phía Nam, 15 rạp tại miền Trung với trang thiết bị kỹ thuật đạt tiêu chuẩn, ưu tiên các tỉnh chưa có rạp…

Tuy nhiên, trên thực tế, từ căn cứ pháp lý đến việc triển khai sửa chữa, xây mới các rạp chiếu phim không phải là chuyện đơn giản. Vấn đề là tiền đâu?

Ông Nguyễn Viết Tỵ, Giám đốc Trung tâm Phát hành phim Thanh Hóa, cho biết UBND tỉnh này đã phê duyệt kế hoạch thực hiện chiến lược và quy hoạch phát triển điện ảnh đến năm 2020. Trong đó, ưu tiên xây dựng cụm rạp chiếu phim loại I, từng bước đầu tư, nâng cấp, xây mới rạp chiếu… với nguồn vốn là 538 tỉ đồng. Tuy nhiên, để thực hiện được kế hoạch này, địa phương cần sự hỗ trợ từ trung ương, chẳng hạn một phần vốn hoặc máy móc, thiết bị bởi chỉ khi có vốn đối ứng thì tỉnh mới cấp vốn.

Ông Nguyễn Văn Nghiêm, Chủ tịch Hiệp hội Phát hành và Phổ biến phim Việt Nam, cho rằng Cục Điện ảnh cần kiến nghị nhà nước ban hành chính sách hỗ trợ vốn phát triển cơ sở kỹ thuật và hạ tầng cho các công ty điện ảnh, trung tâm phát hành phim và chiếu bóng các tỉnh; đẩy mạnh việc xã hội hóa, tìm thêm nguồn vốn đầu tưchính sách cho vay vốn đầu tư với lãi suất ưu đãi, tăng thời gian hoàn vốn. Các địa phương nên ưu tiên cho chuyển đổi vị trí có diện tích phù hợp, thuận lợi với hoạt động kinh doanh của rạp chiếu phim.

GÓC NHÌN

Tiền đâu mà đầu tư!

Các địa phương đang đồng loạt đề nghị Cục Điện ảnh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch có biện pháp “cứu” tình trạng phát hành phim khó khăn bằng việc xây mới, nâng cấp rạp, hỗ trợ cơ sở vật chất cũng như nguồn phim. Ngân sách lấy đâu ra?

Trong khi đó, phát hành phim hiện nay là một ngành kinh doanh hái ra tiền. Nếu như tổng doanh thu phòng vé rạp của Việt Nam năm 2009 chỉ đạt 13,3 triệu USD thì năm 2014 đã khoảng 83 triệu USD và năm 2015 lên tới 105 triệu USD, trong đó doanh thu phim Việt chiếm khoảng 35%.

Doanh thu này tập trung trong số hơn 70 cụm rạp tại các thành phố lớn như: TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ... do các công ty tư nhân trong và ngoài nước đầu tư quản lý. Hệ thống rạp CGV (Hàn Quốc) với 32 cụm rạp có ở khắp 10 thành phố lớn trong cả nước. Lotte Cinema (Hàn Quốc) có 25 cụm rạp. Platinum (Indonesia) với 5 cụm rạp. BHD và Galaxy là 2 đơn vị trong nước đều đang sở hữu 5 cụm rạp chiếu phim tương đối hiện đại.

CGV đặt mục tiêu có 55 cụm rạp trên toàn quốc trong thời gian tới. Lotte Cinema cũng tăng lên ít nhất 10 cụm rạp. Platinum đặt mục tiêu có 10 cụm rạp trên toàn quốc trong năm 2016. Các đơn vị trong nước như BHD, Galaxy cũng có kế hoạch phát triển hệ thống rạp của mình tại nhiều tỉnh, thành khác.

Cuộc cạnh tranh mở rộng thị phần đang diễn ra quyết liệt giữa các đơn vị kinh doanh phát hành phim trong và ngoài nước, giữa những công ty phát hành phim nước ngoài với nhau sẽ là cơ hội để các địa phương kêu gọi liên doanh liên kết, đầu tư. Vấn đề còn lại là cơ chế, chính sách ở mỗi địa phương có đủ hấp dẫn để các nhà đầu tư tìm đến hay không.

Theo thống kê, hiện cả nước có 64 trung tâm (công ty) phát hành phim và chiếu bóng, trong đó 4 công ty cổ phần hóa, 11 trung tâm phát hành phim và chiếu bóng đã sáp nhập với trung tâm văn hóa. Trong hệ thống rạp chiếu phim của các trung tâm phát hành phim và chiếu bóng do nhà nước quản lý, 58 rạp đang hoạt động với 103 phòng chiếu, 10 rạp không hoạt động, 25 rạp đã chuyển đổi mục đích sử dụng; 18 trung tâm không có rạp chiếu phim.

Sẽ phải tiêu tốn khoản ngân sách khổng lồ nếu nhà nước đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây mới hệ thống rạp chiếu cho từng địa phương. Chưa chắc sau khi xây xong, những rạp chiếu này được quản lý hiệu quả bởi các đơn vị nhà nước. Bài học này từng xảy ra trước đây và ở nhiều địa phương.

Vì thế, thay vì đầu tư ngân sách, nhà nước cần ban hành cơ chế, chính sách. Một khi thấy đầu tư có lợi nhuận, lập tức các công ty có tiềm lực như CGV, Lotte Cinema, Platinum, BHD, Galaxy sẽ nhảy vào.

Ân Thông

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo