xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nóng chuyện tranh chấp kịch bản tấu hài

Bài và ảnh: Thanh Hiệp

Sự lên ngôi của kịch bản tấu hài đã mang lại nguồn thu rất lớn cho nhiều nhóm hài. Song, đó lại là nỗi lòng của nhiều nghệ sĩ hài vốn là “cha đẻ” của các kịch bản này

Sàn diễn tấu hài vài năm qua đóng băng vì gây ra nhiều hệ lụy. Trong đó, khâu kịch bản bị bế tắc khi có quá nhiều vở tấu hài trở thành thảm họa. Thế nhưng hiện nay, thị trường kịch bản tấu hài bỗng nhiên sôi động, giá được đẩy lên 15 triệu đồng/kịch bản, gây ra tình trạng tranh chấp bản quyền.

Con “5 cha, 7 mẹ”

Vì đâu mà thị trường kịch bản tấu hài lại nóng lên? Theo những người làm nghề, gần đây, nghệ sĩ hài ở nước ngoài về nước liên kết sản xuất và mua bản quyền một số kịch bản để sản xuất DVD hoặc mang sang Mỹ, Úc, Pháp… dàn dựng biểu diễn.

Sự lên ngôi của kịch bản tấu hài đã mang lại nguồn thu rất lớn cho nhiều nhóm hài. Song, đó lại là nỗi lòng của nhiều nghệ sĩ vốn là “cha đẻ” của những kịch bản tấu hài.

Nghệ sĩ hài Mỹ Chi cho biết: “Tôi được một nhóm sản xuất phim truyền hình đặt mua kịch bản tấu hài để phát triển thành kịch bản phim. Những câu chuyện tấu hài của tôi diễn với NSƯT Bảo Quốc, nghệ sĩ Duy Phương, cố nghệ sĩ Nguyên Hạnh… một thời được một đối tác chuyên làm sô cho nghệ sĩ hải ngoại trả giá cao. Tuy nhiên, khi đưa những sáng tác của mình ra chào bán, tôi bị từ chối. Người khảo sát cho rằng kịch bản của tôi giống nhiều mảng miếng của các nhóm hài trẻ quá. Vậy là tôi bị nghi “xào nấu” kịch bản của người khác, dù nhân chứng sống cho những kịch bản hài do tôi viết là NSƯT Bảo Quốc”.

Nghệ sĩ Trung Dân và Phương Dung trong một kịch bản tấu hài được quay tại TP HCM
Nghệ sĩ Trung Dân và Phương Dung trong một kịch bản tấu hài được quay tại TP HCM

Nghệ sĩ Kiều Mai Lý cũng có những kịch bản như: Đôi bạn, Ăn tân gia… diễn từ thời NSƯT Phi Thoàn còn sống. Hai người đã song tấu với nhau trên nhiều sân khấu hài. Đến nay, kịch bản đã bị “luộc” nên khi chào bán, bà bị người mua từ chối, dù đó là con đẻ của mình.

Trong khi đó, nghệ sĩ Hiếu Hiền kể: “Vở Bà ngoại thời @ của tác giả Ngọc Trúc đoạt giải nhất cuộc thi sáng tác kịch bản sân khấu hài do Trung tâm Văn hóa quận 1, TP HCM tổ chức năm 2009. Đạo diễn - NSƯT Đức Thịnh đã dàn dựng cho mẹ con tôi diễn, đến nay, kịch bản này đã bị xào nấu không còn nhận ra”.

Bên cạnh đó là những kịch bản được sáng tác trên giấy nhưng khi đưa ra sàn tập, khán giả cười nghiêng ngả là do nghệ sĩ hài nghĩ ra mảng miếng, tạo được tính cách dí dỏm khiến câu chuyện lôi cuốn và gây tiếng cười tràn ngập. “Tuy nhiên, khi tác giả kịch bản tấu hài bán bản quyền lên hàng chục triệu đồng thì ôm trọn, dù trong đó có nhiều đóng góp của nghệ sĩ chúng tôi. Như thế là bất hợp lý” - nghệ sĩ Kiều Mai Lý phân tích.

Bảo vệ tác quyền, chậm còn hơn không!

Tình trạng xào nấu kịch bản hài đang diễn ra công khai. Những mảng miếng sáng tạo đạt hiệu ứng tiếng cười từ phía khán giả luôn bị “luộc” một cách không thương tiếc. Không chỉ các nhóm “xài chùa” kịch bản của nhau, nhiều nghệ sĩ hài ở hải ngoại về nước cũng mặc sức tự do “canh tác”.

Nghệ sĩ hài Hồng Tơ cho biết: “Tôi đã nghĩ đến việc bảo vệ tác quyền kịch bản của nhóm mình. Bởi lẽ, sau khi chương trình live show của tôi phát hành, những mảng miếng diễn xuất và câu chuyện kịch của tôi sáng tác bị một số nhóm đem ra xào nấu, biểu diễn khắp nơi. Thà chậm còn hơn để một ngày nào không có giấy tờ chứng nhận tác quyền thì coi như mất trắng”.

Theo NSƯT Bảo Quốc, đặc điểm chung của các nhóm hài là không bao giờ nghĩ đến việc bảo vệ tác quyền kịch bản, dù tấu hài chỉ có thời lượng 15-30 phút. “Nếu có tranh chấp, gây ra cãi vã ầm ĩ trong hậu trường thì làm sao phân định ai đúng, ai sai khi mà các nhóm cứ khai thác chung một chủ đề nên mảng miếng, câu thoại, lời ca và ý nghĩa câu chuyện cứ na ná nhau? Các nhóm tấu hài tự giết nhau và khi có những nguồn lợi thì lại dẫn đến tranh chấp, mất đoàn kết” - ông băn khoăn.

NSƯT đạo diễn Ca Lê Hồng phân tích: “Đi diễn mỗi đêm nên nhóm này ảnh hưởng đến nhóm kia, kịch bản viết ra và dàn dựng lại không đăng ký tác quyền, nếu phải phân định đúng sai, ai thua, ai thắng thì rất khó”. Theo NSƯT Ca Lê Hồng, nhân cơ hội thị trường kịch bản tấu hài chuyển biến tích cực, các nhóm hài cần đăng ký tác quyền để bảo vệ chất xám và sáng tạo của mình.

Ăn khách nhờ đổi chất

Đạo diễn Lê Hải cho biết: “Từ khi chương trình hài Tài - Tiếu - Tuyệt phát sóng trên HTV2 được khán giả yêu thích, nhiều nghệ sĩ hải ngoại về nước đã tham gia với chúng tôi. Có người đặt điều kiện mua bản quyền để sản xuất DVD, có người muốn hợp tác để đồng sản xuất các chương trình. Nhìn chung, những câu chuyện trong Tài - Tiếu - Tuyệt chính là tấu hài lắp ghép lại nhưng nếu biết cách xâu chuỗi, thả vào tính cách nhân vật những số phận, buộc nghệ sĩ diễn như cách họ dấn thân vào đời sống có thật của những con người vui tính, dí dỏm nhưng thích châm chọc để tạo tiếng cười thì tấu hài sẽ khác”.

Theo đạo diễn Hoàng Duẩn, người thực hiện chương trình Bác Ba Phì thời @ của HTV, lâu nay kịch bản tấu hài chỉ đi một hướng là gặp nhau rồi “tám chuyện trên trời dưới đất”, nói những vấn đề phê phán nhưng đều “xàm nhảm, cường điệu”. “Nay, các nhóm hài buộc phải đổi cách tiếp cận khán giả, khai thác đề tài và thể hiện câu chuyện mạch lạc, hấp dẫn nên tấu hài có sức hút trở lại” - ông giải thích.

 

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo