xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nốt ruồi trên ngực em

CHU LAI

Nốt ruồi ấy không khác gì ánh mắt chim câu lấp láy muốn vỗ cánh bay lên trong khát vọng tự do yên hàn

Các nhà nhân đạo chủ nghĩa thường lớn tiếng “chiến tranh không nên có khuôn mặt đàn bà!”. Nhưng chiến tranh Việt Nam lại có rất nhiều khuôn mặt con gái. Con gái pháo binh, con gái du kích, con gái giao liên, con gái lái xe quân sự, con gái quân y, con gái biệt động, con gái quân báo... Trong đó có cả con gái đặc công, điều mà chắc chắn chỉ ở Việt Nam mới có.

Đặc công là lấy ít đánh nhiều, một đánh một trăm, là một mình cô độc giữa trùng trùng rào kẽm, là rất đỗi nặng nhọc, rất đỗi hiểm nghèo chỉ thích hợp với cánh mày râu nhưng ở vào những tình huống đặc biệt, những thời khắc nhạy cảm, các cô cũng sẵn sàng tham chiến, tuân thủ nguyên tắc tác chiến bất di bất dịch: Bò như không bò gì, đánh như không đánh gì, chết như không chết gì và mặc như… không mặc gì.

Mặc như không mặc gì, với con trai, quá đơn giản. Đêm tối, đến cách hàng rào vài chục thước, tháo bỏ hết quần áo trên người chỉ còn một chiếc quần con bằng vải bạt rồi bôi lá khoai lang trộn với phần than của pin đèn (thường gọi là lọ nghẹ) vào người để thân thể nhòa chìm vào đất đai, cây cỏ, bóng đêm, đứng cách anh nửa thước cũng không thể nhận ra. Và nếu có nhận ra thì đó là như cái vệt sáng hàm răng rộng hay hẹp trên miệng. Người lính có thể bôi đen tất cả nhưng riêng hàm răng thì khỏi bởi chiến tranh có sung sướng nỗi gì mà vừa bò vừa nhe răng ra mà cười!

Và bò. Cứ đến tuần trăng lặn là bò. Bò hết mùa khô lại đến mùa mưa, hết mùa chiến dịch này đến mùa chiến dịch kia, đội hình thiếu vắng lại được bổ sung; lại thiếu vắng..., tưởng như bất tận. Bò giữa trùng điệp hàng rào sắc ngọt, giữa chằng chịt những cạm bẫy, mìn trái của đối phương, chỉ cần sơ sẩy một chút, đãng trí một chút là toàn bộ cơ thể sẽ biến mất trong tăm tích hoặc vắt ruột gan lên hàng rào. Đêm đen, đồng đội đen, kẻ thù đen, đất đen, trời đen và có lúc cảm thấy tương lai, sự sống cũng đen nốt.

Mùa trăng lặn năm ấy, cái năm 1974 giáp Tết đáng nhớ chuẩn bị bắc cầu cho cuộc tổng tiến công giải phóng hoàn toàn miền Nam sắp xảy ra, để tạo điều kiện cho cánh đặc công chúng tôi có thể hạ được một khu đồn có bố phòng quá chặt chẽ mà biết bao trận đánh của cả lính đặc công địa phương lẫn chủ lực trước đó đều ôm đầu máu trở về, cấp trên quyết định điều xuống một cô gái hiểu từng chân tơ kẽ tóc của địch để trợ giúp.

Tức là cô cũng không được mặc gì ngoài chiếc quần nhỏ bó khít và thêm chiếc nịt ngực cũng được bôi đen. Nếu mặc khác đi, lỗ rào bé như bàn tay sẽ vướng đụng lùng nhùng có thể dẫn đến những hiểm họa khôn lường. Tóc thì không cần phải cạo trọc như cánh con trai mà chỉ cắt ngắn đi rồi chụp một cái mũ đen. Bôi đen là một nghệ thuật. Thân thể con gái trắng thế chắc phải bôi tới hai lần số lượng lọ nghẹ mới có thể đen đi được. Và nếu đêm nay an toàn không ai bị sao thì khi về đến suối căn cứ, các cô cũng phải tốn đến hai lần số lượng xà bông mới có thể lấy lại được nước da như cũ. Chỉ có điều da thịt con gái thật mềm, màu đen ngụy trang trôi đến đâu trên thành ngực, thành bụng của các cô còn để lại những vết gai cào rớm máu đến đó.

Nhưng cũng phiền đây. Nghề nghiệp sinh tính cách. Tính cách lính đặc công bao giờ cũng nhuốm một chút bặm trợn, ngang tàng, tếu táo, nghịch ngợm do luôn phải đối mặt với tử thần. Nghịch tếu đến nỗi ngay trước hàng rào rờn rợn khí tử thần còn cấu véo, bấu vào chỗ kín của nhau. Nhưng đêm nay còn có con gái, không cẩn thận, không nhận ra lại tiếp giở cái trò ấy thì có khi mất mặt, chưa nói rất có thể còn bị kỷ luật vì vi phạm đạo đức quân nhân như chơi hay ít nhất là cũng vi phạm văn hóa trận mạc.

Vậy làm cách nào để nhận dạng ra em một khi trong bóng tối ai cũng giống ai, đen sì, nhòa nhập lại phải tuyệt đối giữ im lặng, cấm không được mở mồm để giữ được cái văn hóa đó? Chả lẽ lại rờ mó vào người hay ghé mũi ngửi hít?

Cuối cùng, một cậu đề ra được sáng kiến khá hay. Đó là hãy hạ thấp tầm nhìn xuống, ngồi hẳn xuống, lấy ánh sáng điện Sài Gòn ở xa xa làm nền mà ngắm nghía cái đường viền của hình hài đang hiện diện trước mặt kia. Hình hài thì đen nhưng đường viền lại nét. Nào, thử xem! Nếu thấy một cái đầu to hơn thì đó có thể là con gái nhưng chưa chắc. Nhìn tiếp! Nếu thấy một cái đường viền nơi cổ thu vào và phía dưới là một bờ vai mảnh gầy như chim sẻ thì rất có thể nhưng cũng chưa hẳn.

Nhìn tiếp xuống nữa. Vẫn lấy ánh sáng thành đô rửng lên không trung chỉ cách có hơn chục cây số làm phông, đây rồi, nếu thấy một đường eo thít vào đến nôn nao và sau đó là một đường hông bung tỏa đến mênh mông thì không còn nghi ngờ gì nữa, chắc chắn đó là con gái. Đấng tạo hóa đã ban cho mỗi giới một chức năng khác biệt, thằng con trai có phải sinh nở gì đâu mà đòi bung tỏa đến mênh mông!

Thế là yên tâm. Những chàng lính đặc công ngổ ngáo, nói tục như hát hay đêm nay lại bỗng trở thành những cậu trai lịch sự, dịu dàng, vân vi đáo để. Đã đến giờ bò. Đêm ba mươi Tết sao lại im ắng, ngột ngạt thế này! Không nghe tiếng pháo nổ, không nghe tiếng trẻ hát mà chỉ vẳng lên thinh không những tiếng súng cầm canh oan nghiệt thỉnh thoảng có xen lẫn đôi ba tiếng chó sủa bức bối trong ấp chiến lược.

Cô gái bò trước dẫn lối. Chao ôi, trong màn đêm chiến tranh sâu thẳm mà sao dáng bò của em lại mềm mượt, lại uyển chuyển thế kia. Đúng là bò như không bò, chỉ nghe tiếng cỏ cựa mình khe khẽ dưới làn da mát lạnh của em. Em bò như trôi. Bàn tay con gái đưa lên rà dây trái như múa. Chỉ có điều những chỗ cao, em lại thấp và những chỗ thấp, em lại cao. Phần thân thể có những chỗ hơi nhỉnh lên, kềnh kệnh càng làm cho dáng bò thêm huyền hoặc, nôn nao. Một mình em giữa hàng rào tử thần đã làm nên một khúc luân vũ tội tình và kiêu hãnh làm sao!

Chiến tranh và hòa bình. Khốc liệt và lãng mạn. Thần chết và nàng tiên. Kẻ thù và con gái. Lịch sử chiến tranh, lịch sử nhân thế chắc sẽ còn ghi nhớ mãi một dáng bò con gái nồng nàn trong đêm Xuân trước ngưỡng cửa bình minh toàn dân tộc tại một vùng giáp ranh sống chết này.

Còn tôi, đêm nay được bò cạnh em như được bò cạnh cái đẹp. Và nếu lát nữa đây, vì một nguyên cớ gì đó mà lồng ngực chẳng may hứng trọn một tràng đại liên của đối phương thì cũng lật người, nhìn lên bầu trời đêm vùng ven mỉm cười mà chết, chết bên cạnh cái đẹp.

Xúc động tận đáy sâu tâm can, tôi trườn nhẹ lên cạnh em, nói thật khẽ vào tai, khẽ như tiếng gió thổi ngoài: “Được rồi, đến đây là được rồi, em nằm lại đi, bọn anh sẽ nhào vô”. Em cũng nói nhỏ trở lại, hơi thở ướt đầm sương đêm: “Cẩn thận nghe anh... Em chờ”. Rồi không hiểu tại sao, kỳ lạ quá, trên má tôi bất ngờ nhận được một cái hôn vội từ đôi môi nóng sực của em. Cái hôn như khích lệ lại như chia ly, tạm biệt. Cái độ nóng đó còn theo tôi đi suốt những trận đánh sau này, theo cho đến tận bây giờ và chắc là mãi về sau.

Đêm ấy, trận đánh binh chủng đã thành công trót lọt nhưng khi trở về, tất cả đều bước lầm lũi không ai nói với ai một lời. Bởi đi giữa đội hình là em, nằm thiêm thiếp trên một cánh võng kê lên vai đồng đội. Những viên đạn của kẻ thù đã không hạ gục được chúng tôi, những tay súng đã nằm sâu trong ruột gan của chúng nhưng lại vô tình tìm đến trúng ngực em, khuôn ngực thanh xuân vẫn còn vương màu đen lọ nghẹ.

Sau khi bắn một tràng AK vĩnh biệt em trên một gò cao hướng thẳng ra sông, bác sĩ nói bên ngực trái em có một nốt ruồi đen, tội quá!

Hồi còn đi học, tôi đã đọc nằm lòng cuốn tiểu thuyết nổi tiếng của nhà văn Nga vĩ đại Alexandre Tolstoi. Trong đó cuối truyện, nhân vật chàng sĩ quan bạch vệ Rosin sau 4 năm nội chiến chán nản trở về đã gục đầu vào bên ngực trái có một nốt ruồi đỏ của cô người yêu Kachia để nói một câu quan trọng về cuộc đời: “Những năm tháng sẽ đi qua, các cuộc chiến tranh sẽ thôi gầm thét, các cuộc cách mạng sẽ im ắng dần, khi đó, chỉ còn lại tình em nhẫn nại, dịu hiền và muôn đời bất diệt”.

Về sau này, chẳng hiểu sao trong một cuốn sách, như bị ám ảnh, tôi đã mượn cái nốt ruồi của em - cô gái đặc công ấy - cũng để kết thúc câu chuyện của mình. Chỉ khác, ở đại văn hào Tolstoi, nốt ruồi cô gái Nga là màu đỏ còn nốt ruồi cô gái Việt Nam tôi lại tô thành màu đen và nếu ở bên kia là một thì ở bên này tôi nâng lên thành hai...

Đỏ hay đen, hai hay một thì những nốt ruồi đó không khác gì những đôi mắt chim câu lấp láy muốn vỗ cánh bay lên trong khát vọng tự do yên hàn.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo