Phóng viên: Chị bắt đầu thể hiện những vai kép từ khi nào? Lúc nhận các vai diễn này chị có ngại không? Nhất là những cảnh phải âu yếm với bạn diễn là nữ?
NS Kiều Phượng Loan: Tôi được học từ Trường Quốc gia kịch nghệ Sài Gòn tức Nhạc Viện TPHCM ngày nay. Tôi được các thầy cô tận tụy truyền nghề như: Phùng Há, Năm Châu, Duy Lân, Kim Cúc, Chín Trích…Lúc nhận vai kép lo sợ lắm, vì quen với điệu bộ của vai đào, mà cố diễn oai phong thì một lúc cũng nhả ra, lòi bộ nữ, bị thầy cô la mắng. Tôi nhớ hoài được diễn vai Tiết Ứng Luông bên cạnh Thần nữ do NS Mỹ Chi diễn lúc chúng tôi còn học chung khóa, lúc đó mắc cỡ lắm, vì phải diễn âu yếm bạn mình. Hai đứa cứ cười cười, bị thầy cô mắng một hồi mới dám mạnh dạn diễn. Nhờ những bài học quý mà chúng tôi đúc kết chặng đường diễn vai đào đóng kép.
Qua tìm hiểu và nghiên cứu, xuất phát điểm của nghệ thuật đào đóng kép, tôi biết được đó là sự mạo hiểm mang tính thể nghiệm mà người tiên phong là má bảy Phùng Há. Là học trò của bà, chị biết rõ về sự khởi đầu này không?
- Hiện tượng đào đóng kép được NSND Phùng Há sáng lập ra vào năm 1950 trên sân khấu đoàn cải lương Phụng Hảo. Thời đó các nam nghệ sĩ nổi tiếng như: Tư Út, Từ Anh đột ngột qua đời chỉ còn lại NSND Năm Châu. Do thiếu kép có nghề, để cáng đáng những vai khó trong vở đang ăn khách như “Đường Minh Hoàng du nguyệt điện”, NSND Phùng Há đã bàn với NSND Năm Châu để bà được thử đóng vai An Lộc Sơn bên cạnh NSND Năm Châu (vai Đường Minh Hoàng), NS Kim Cúc (vai Dương Quí Phi). Không ngờ kết quả thành công mỹ mãn. Khi bà xuất hiện oai phong lẫm liệt bên cạnh sự dịu dàng, sắc xảo của NS Kim Cúc, khán giả đã tán thưởng nồng nhiệt. NSND Phùng Há đã đưa khán giả đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Sau này khi NSND Năm Châu lập gánh hát riêng, NSND Phùng Há đã đóng luôn vai Đường Minh Hoàng và nhắc đến những vai kép của bà khán giả không quên vai Lữ Bố trong vở “Phụng Nghi Đình”. Đây là vai diễn mà bà và NS Năm Phỉ đã từng sang Nhật biểu diễn nhân sinh nhật Thiên Hoàng. Lớp hay nhất là lớp "Lữ Bố hí Điêu Thuyền". Cái chất đa tình, hiếu sắc, hữu dõng, vô mưu của Lữ Bố đã được NSND Phùng Há khắc họa đậm nét khiến người xem quên mất bà là nữ. Chúng tôi, thế hệ hậu bối của bà đã và đang nỗ lực để làm mới thêm những vai kép bằng sáng tạo được chắt lọc từ cuộc sống hôm nay, đó là nét đẹp tinh tế trong diễn xuất phối hợp với nội tâm.
Quả nhiên từ sự khai sáng của NSND Phùng Há, nhà thơ Xuân Thủy đã viết tặng bà bốn câu thơ: “Ấy mới tài, ấy mới duyên. Lẵng lơ Lã Bố hí Điêu Thuyền. Ai hay Lã Bố là cô ả. Nay đã tao phùng há dám quên”. Tự hào về thầy mình, nghệ sĩ thuộc thế hệ vàng của sân khấu cải lương đã truyền nghề lại cho nhiều diễn viên trẻ. Bản thân chị có đi theo mục tiêu mà thầy mình đã dạy, đó là tiếp tục truyền nghề?
- Trên thực tế, thầy của chúng tôi - NSND Phùng Há còn có nhiều vai kép rất thành công như: Tào Tháo trong vở “Huê Dung đạo”; hoàng tử Lang trong vở “Sĩ Vân công chúa”; Giang sứ trong vở “Chiếc áo thiên nga”…các vai diễn này bà đã diễn ở Pháp rất được khán giả kiều bào yêu thích. Tôi tự hào về bà và công nhận giáo trình giảng dạy để dìu dắt chúng tôi vào nghề bằng những vai kép của bà rất chu đáo. Để từ đó tôi tiếp tục truyền lại nghề cho các em, sau này có Thoại Mỹ, Vân Hà, Thanh Thanh Tâm, Cẩm Thu…đã đóng nhiều vai kép rất chuẩn. Thế hệ trẻ hơn có Tuyết Ngân, Tâm Tâm,, Lam Tuyền, Tú Sương, Trinh Trình, Bình Tinh, Lê Thanh Thảo, Quế Trân…cũng đã đóng vai kép rất hay. Khi đã đóng thành công những vai kép và được công chúng chấp nhận, NSND Phùng Há mới bắt đầu thể nghiệm hướng đi mới: thành lập gánh hát toàn nữ ban (năm 1958) diễn vào tối thứ bảy và chủ nhật hằng tuần. Vở đầu tiên khai trương tại rạp Cao Đồng Hưng (nay là nhà sách Gia Định, quận Bình Thạnh, TPHCM) là “Đường Minh Hoàng du nguyệt điện”, sau đó dàn dựng tiếp vở “Phụng Nghi Đình”. Trong đó, NSND Phùng Há đảm trách vai Lữ Bố, Bích Thuận vai An Lộc Sơn, NS Năm Phỉ vai Điêu Thuyền, NS Kim Cúc và NS Thanh Tùng cùng đóng vai Dương Quí Phi…Chúng tôi là học trò có được đến xem suất diễn đặc biệt này, thích thú lắm. Các nữ nghệ sĩ cùng thời với NSND Phùng Há đã đóng tốt các vai kép như: Bảy Nam, Kim Thoa, Ngọc Xứng, Kim Chung, Bích Thuận….Sau này, toàn nữ ban đã dựng thêm các vở “Mạnh Lệ Quân thoát hài”, “Sở Vân cưới vợ”. Đã nhiều thập niên nhưng các vai kép của NSND Phùng Há vẫn được nhiều khán giả nhắc nhớ. Bà là khuôn mẫu cho việc thể hiện vai kép. Thế hệ chúng tôi vẫn tiếp tục phát huy để diễn vai kép và truyền nghề cho các bạn trẻ thích đóng vai kép.
Như vậy có thể nói, với công việc khai phá phong cách diễn xuất mới NSND Phùng Há đã làm phong phú bộ môn cải lương và khẳng định một điều: Nghệ sĩ tài năng có thể đóng được nhiều loại vai, kể cả những vai khác phái?
- Đúng. Từ sự sáng tạo của bà, sân khấu cải lương đã hình thành nên xu hướng “đào hóa kép”. Và tiếp nối con đường sáng tạo của NSND Phùng Há, các nữ nghệ sĩ sau này đã thể hiện thành công nhiều vai kép như: NSƯT Út Bạch Lan (Dương Tư Đồ), Ngọc Giàu (Lục Vân Tiên, Đổng Trác), Phượng Mai (Triệu Tử Long), Tú Sương (Lữ Bố, Đổng Trác), Thanh Thanh Tâm (Lý Nhu), Đỗ Quyên (An Lộc Sơn), Ngọc Đáng (Bao Công), Bình Tinh (Trần Quốc Toản)…Hiện nay, CLB Sân khấu Lạc Long Quân cũng đang đưa lên sàn tập kịch bản “Nối bước tiền nhân”, trong đó nghệ sĩ Tâm Tâm, Cao Mỹ Châu sẽ vào vai kép. Các nữ nghệ sĩ trẻ đã nỗ lực hết mình để tiếp bước các nghệ sĩ đi trước, thực hiện thành công những vai kép, góp phần mang lại sức sống cho sân khấu cải lương. Tôi cũng đồng hành cùng các bạn trẻ, làm công tác đạo diễn, dìu dắt các em tự tin đến với sự hóa thân này. Mong các bạn nữ diễn viên xem những bài học giá trị từ chuẩn mực của nghề mà nỗ lực hơn, quý trọng sáng tạo và không ngừng rèn luyện.
Bình luận (0)