- Phóng viên: Dù NSƯT Minh Phụng đã mất cách đây 8 năm, nhưng đến ngày giỗ của ông, những khán giả hâm mộ vẫn đến viếng mộ và hát những bài ca cổ, những trích đoạn nổi tiếng gắn liền với tên tuổi của ông. Bà lý giải thế nào về chuyện này?
NS Kiều Tiên: Ở thập niên 1960, thời kỳ vàng son của sân khấu cải lương, các nghệ sĩ trẻ có giọng ca vàng, chỉ cần nổi tiếng với cách ca vọng cổ hay là lập tức được các bầu gánh hát tranh thủ đến mời ký hợp đồng biểu diễn với một số tiền rất cao, trong số đó có ông nhà tôi.Từ một đứa bé mới lên 7 tuổi phụ mẹ bán hàng ở chợ Mỹ Tho, rồi học ca qua radio, sau đó được nghệ nhân Tư Xuân ở Mỹ Tho dạy ca, được soạn giả Hương Huyền Anh thử giọng khi gánh hát Tân Đô về quê của anh biểu diễn. Anh đã bước chân vào nghề khá sớm, làm công việc nhắc tuồng để học nghề, đến năm 17 tuổi anh vụt sáng, được báo giới và người hâm mộ đặt biệt danh “hoàng tử sân khấu”. Các vai diễn của anh tựu chung đều hiền lành, dễ chiếm cảm tình khán giả. Tôi nghĩ đó là lý do dù anh đã đi xa, bà con khán thính giả mộ điệu sân khấu cải lương vẫn còn yêu mến. Không chỉ đến ngày giỗ, mà ngày sinh nhật, ngày lễ tết, một nhóm bạn trẻ hâm mộ vẫn mang hoa, nến, đàn đến ngồi quanh mộ đờn ca những bài hát của anh mà họ thuộc. Xúc động lắm. Nghĩa cử đó làm tôi và gia đình cảm thấy hạnh phúc.
Tám năm ông rời xa cuộc đời cũng đồng nghĩa với 8 năm bà không còn được song ca cùng ông trên sàn diễn. Phải chăng vì không muốn đơn độc một mình trên sân khấu nên bà cũng giải nghệ?
- Thực tế thì tôi đã ngưng hoạt động biểu diễn trước đó 10 năm rồi. Tôi lui về hậu phương lo cho các con, thi thoảng có những chương trình từ thiện, chúng tôi nhận lời song ca những bài ca cổ nổi tiếng như: "Mưa trên phố Huế", "Kiếp nào có yêu nhau", "Hàn Mạc Tử"….Suất diễn cuối cùng chúng tôi xuất hiện bên nhau là live show NSƯT Ngọc Đáng tại rạp Hưng Đạo, sau đó ít tháng anh ấy trở bệnh và qua đời. Đúng là đơn độc một mình khi đến bất cứ rạp hát, điểm diễn nào, tôi cũng thấy hình ảnh của anh ấy, nên tôi rất sợ vào hậu trường các điểm diễn. Vì hình ảnh anh ngồi hóa trang, trò chuyện với bạn bè đồng nghiệp cứ ám ảnh tôi. Ngoài tình nghĩa vợ chồng chúng tôi còn là đồng nghiệp, ca diễn bên nhau, rồi có giai đoạn làm bầu gánh nữa, chia ngọt, sẻ bùi, vượt qua biết bao gian khó. Chính vì thế, nỗi đau chia ly lớn gấp nhiều lần những cặp vợ chồng làm công việc không dính đến nghệ thuật. Sự thăng hoa cảm xúc, sự nâng niu nghệ thuật, hòa quyện với nhịp đập con tim, nên khi nó đau thì đau gấp bội lần.
NSƯT Minh Phụng có một xuất thân khiêm tốn, khi thành hôn với bà đã có một đời vợ, bà lại là tiểu thư con nhà giàu, điều gì khiến bà chấp nhận lời cầu hôn của ông?
- Anh ấy yêu tôi lúc cả hai mới dấn thân vào nghề hát. Nhưng rồi hoàn cảnh đã khiến chúng tôi xa nhau. Lời cầu hôn anh ấy gửi đến tôi lúc rời đoàn Bạch Vân, nhờ một chị đồng nghiệp trao lại lá thư, trong đó có đoạn viết “anh hôn lên đôi má người yêu với lời cầu hôn, chờ ngày anh thành danh sẽ cưới em làm vợ!”. Hồi đó má tôi khó lắm, có con theo nghề hát nhưng vẫn theo sát bên cạnh để canh chừng. Tôi thấy anh là kép trẻ nhìn nên cũng có cảm tình... Thời gian ở đoàn Bạch Vân - Quốc Việt, anh ấy chịu khó học nghề. Khi đoàn Thủ Đô của ông bầu Ba Bản mời anh về hát, đó là cơ hội tốt vì uy tín bảng hiệu này có một ê-kíp soạn giả tài hoa, như: Thiếu Linh, Tương Giang Khánh...Họ sẽ “đo ni đóng giày” những vai diễn cho anh. Ông bầu Ba Bản chính thức ký “giao kèo” (hợp đồng) với anh ấy là 15 ngàn đồng, cầm được số tiền lớn, đủ sức phụ mẹ trả số tiền nợ 7 ngàn đồng mà vì cái nghèo hơn 5 năm phải đóng lãi suất quá cao. Tôi vẫn chờ đợi ngày anh quay về như lời ước hẹn. Nhưng rồi khi hay tin anh thành hôn với một người phụ nữ khác, tim tôi nhói đau. Có lẽ đó cũng là lý do mà tôi không yêu ai nữa. Cứ xem nghề hát là tình yêu của mình. Rồi định mệnh đã đưa chúng tôi lại bên nhau.
Các danh ca của sân khấu cải lương đều xuất thân từ những gia đình nghèo, ít học, nhưng họ đều có một niềm đam mê mãnh liệt về ca cổ nhạc nên tự mày mò học các bài ca vọng cổ nổi tiếng của các danh ca đương thời, nhờ có giọng tốt và dạn dĩ nên họ thu hút được sư chú ý của những người sành điệu. Bà có người chồng là danh ca chắc hẳn hạnh phúc hơn nhiều khi tài nghệ của ông đảm bảo cuộc sống gia đình không khó khăn như những đồng nghiệp khác?
- Chính vì xuất thân từ nghèo khó, từng đi bán khoai lang,chuối chiên phụ mẹ, nên anh ấy quý trọng đồng tiền được làm ra từ mồ hôi, nước mắt. Ông nhà tôi là danh ca nên cách ăn uống, sinh hoạt rất khác mọi người. Anh ấy giữ sức khỏe nên chế độ dinh dưỡng và cách gìn giữ giọng ca rất nghiêm ngặt. Với con cái trong gia đình, anh luôn dạy phải biết tiết kiệm, quý trọng đồng tiền làm ra từ lao động vất vả. Khi có được những đồng tiền từ các suất hát thành công, anh chia cho anh em hậu đài, công nhân sân khấu. Tôi hạnh phúc khi có người chồng là danh ca; hạnh phúc vì từ khi cưới tôi, anh không có chuyện lăng nhăng, ong bướm. Bất kể đi dự tiệc, sinh hoạt nghề nghiệp cùng với bạn bè thân hữu anh cũng đều dẫn vợ con đi cùng. Thời chúng tôi làm bầu lâm vào cảnh khó khăn, phải bán tài sản để trả nợ, anh ấy đã nói với tôi, của mất sẽ mua sắm lại, đừng để anh chị em trong đoàn hát phải chịu thiệt thòi. Khi rã gánh, mỗi người rời xa nghề đều được anh cho 1 chỉ vàng nên anh chị em trong đoàn đều yêu thương anh ấy.
NS Kiều Tiên và con trai sang Mỹ dự lễ cưới của ca sĩ Y Phụng (ảnh do gia đình cung cấp)
Được biết, bà và con trai vừa sang Mỹ dự đám cưới của ca sĩ Y Phụng ?
- Đó là niềm vui của gia đình. Tôi sang Mỹ nhiều lần để cùng ông nhà tôi biểu diễn phục vụ khán giả kiều bào tại các tiểu bang có đông người Việt định cư. Sau khi anh ấy qua đời, tôi không đi nữa. Lần này con gái lên xe hoa, tôi sang tham dự, lại nhớ nhiều đến những lần lưu diễn có anh ấy bên cạnh. Tiếc là ngày vui của con gái không có anh ấy, vì anh thương Y Phụng lắm. Ở nhà thường gọi là bé Huỳnh, đi hát về vào nhà là hỏi bé Huỳnh của ba đâu? Nay con đã hạnh phúc, yên bề gia thất, tôi cảm ơn Tổ nghiệp đã ban cho tình thương, để Y Phụng tiếp nối con đường nghệ thuật của cha, ngoài nghề ca sĩ, cháu còn làm thêm nhiều video cải lương, đúng như di nguyện của cha để lại. Năm nay,ào Y Phụng đã thực hiện hai vở cải lương “Mùa thu lá bay” và “Kiếp nào có yêu nhau”, để tưởng nhớ cha.
Nhiều đồng nghiệp thân thiết, cứ đến ngày giỗ đều khuyên bà lạy ông xin được chắp nối với một người bạn đời mới, để có người đi chung đoạn cuối đường đời. Lần giỗ thứ 8 này bà có nghe những lời đề nghị đó?
- Bạn bè nghệ sĩ vui đùa, cứ chọc tôi nên lạy anh ấy xin được đi lấy chồng. Thực ra không ai bằng anh ấy trong mắt tôi, nên việc tôi lập bàn thờ anh ấy trong phòng ngủ 8 năm qua là vì chính vậy. Tôi đã xác định sống vì con, cháu, xem những quá khứ vinh quang của nghề hát làm niềm an ủi. Rồi tham gia công tác từ thiện cùng với bạn bè nghệ sĩ. Cứ đến ngày giỗ của anh ấy, bạn bè, anh chị em đồng nghiệp lại hội ngộ hát ca, xúc động nhất là có nhiều diễn viên trẻ có giọng ca giống anh ấy, lấy nghệ danh cũng có chữ Phụng, họ đến xin thắp hương rồi ca, làm cho tôi thấy ấm lòng. Cảm ơn cuộc đời đã ban tặng cho tôi nguồn hạnh phúc quá lớn này. Con cháu đều tự hào về cha, về ông của mình, đó là danh ca Minh Phụng, sống không để lại những điều hối tiếc nào về nhân cách, đạo đức và thành quả nghệ thuật.
Nghệ sĩ ưu tú Minh Phụng tên thật là Ngô Văn Thiệu, tên thường gọi tại nhà là Hoài. Ông sinh năm 1945 tại quận Châu Thành tỉnh Mỹ Tho, nay là huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, trong gia đình có đến 10 anh chị em.
Nhân dịp đoàn cải lương Tân Đô tập tuồng tại sân khấu đình Điều Hòa, ông lúc đó 7 tuổi đã được soạn giả Hương Huyền Anh thử giọng ca và giới thiệu để ông Bầu Công Tạo thu nhận vô đoàn hát và được đặt nghệ danh Tân Tiến. Vai ông sư trong vở “Bến tang thương” là vai diễn đầu tiên của NSƯT Minh Phụng, diễn tại rạp Viễn Trường - Mỹ Tho năm 1962.
Đầu năm 1964 , nghệ sĩ Minh Phụng về hát cho đoàn hát Quốc Việt, nhờ sắc vóc đẹp trai, giọng ca truyền cảm, nghệ sĩ Minh Phụng được các ký giả kịch trường viết nhiều bài báo khen tặng. Thời gian này Minh Phụng hát với nữ nghệ sĩ Kiều Tiên. Anh yêu Kiều Tiên là đào chánh của đoàn hát thời đó.
Bầu Long đoàn Kim Chung thấy nghệ sĩ Minh Phụng được khán giả ái mộ và báo chí kịch trường khen ngợi, ông lập tức mời Minh Phụng ký hợp dồng với một số tiền hợp đồng rất cao. Lúc đó Kim Chung có năm đoàn hát lớn, nghệ sĩ Minh Phụng đã được bố trí hát vai kép chánh với các nữ nghệ sĩ: Út Bạch Lan, Diệu Hiền, Mỹ Châu, Lệ Thủy, Thanh Kim Huệ, Diệu Nga, Diệu Huê, Kim Ngọc… Minh Phụng nổi tiếng qua các tuồng: “Bóng hồng sa mạc”, “Đợi anh mùa lá rụng”, “Tâm sự loài chim biển”, “Xin một lần yêu nhau”, “Kiếp nào có yêu nhau”…
Từ năm 1964 đến năm 1975, nghệ sĩ Minh Phụng hát chánh cho công ty Kim Chung. Ông còn thâu âm độc quyền cho hãng dĩa Việt Nam, nổi tiếng qua nhiều bài vọng cổ như: “An Lộc Sơn”, “14 năm mong đợi”, “Cho xin sống lại một ngày”, “Đừng nói xa nhau”, “Phố đêm”, “Nước mắt quê hương”, “Trường Hận”, “Thương về Cố Đô”….
Sau năm 1975, nghệ sĩ Minh Phụng là trưởng đoàn Tiếng Hát Quê Hương của tỉnh Bến Tre, nổi danh trong vai Lục Vân Tiên. Năm 1976, ông về cộng tác với đoàn Hương Mùa Thu, làm kép chánh, đóng tuồng chung với NSƯT Ngọc Hương, diễn các vở: “Gánh cỏ sông Hàn”, “Con cò trắng”, “Lửa phi trường”….Từ năm 1996, ông lập đoàn hát Tiếng Chuông Vàng Minh Phụng diễn đến năm 2000, sau đó rã gánh do hoàn cảnh biểu diễn khó khăn. Ông mắc bệnh tim, tiểu đường, qua đời ngày 29-11-2008. Thọ 63 tuổi.
Bình luận (0)