Trong dịp đến quận Cam, miền Nam California - Mỹ mới đây, chúng tôi đã gặp lại NSƯT Ngọc Đáng. Vẫn một Ngọc Đáng tất tả ngược xuôi lo kiếm từng suất diễn cho đồng nghiệp như hồi còn ở Việt Nam, chỉ khác chăng là hiện nay, bà giỏi thao tác trên máy tính bảng, sử dụng điện thoại di động rành rẽ hơn để kết nối các nghệ sĩ trong những buổi tập tuồng, thực hiện chương trình.
Kết nối những tâm hồn đồng điệu
Chúng tôi không khỏi bất ngờ khi thấy NSƯT Ngọc Đáng xuất hiện trên màn ảnh với vai trò MC của chương trình “Cổ nhạc phương Nam” thuộc một kênh truyền hình của người Việt tại Mỹ. Chúng tôi chưa bao giờ hình dung bà làm công việc này và làm tốt đến vậy. Thấy chúng tôi ngạc nhiên, bà lý giải: “Phải nỗ lực để bám nghề chứ sống trên đất Mỹ, thụ động là chết!”.
Hằng tuần, NSƯT Ngọc Đáng cùng danh hài Văn Chung và nghệ sĩ Tuấn Châu kết nối những tâm hồn đồng điệu, cùng hướng về cội nguồn dân tộc bằng niềm đam mê dành cho sân khấu cải lương và đờn ca tài tử Nam Bộ. Khi tiếp nhận những câu hỏi giao lưu của khán giả trên khắp nước Mỹ, “bộ ba” này sẽ mời các nghệ sĩ đến để cùng giải thích về xuất xứ các bài bản cải lương, đờn ca tài tử, tác giả, tác phẩm và diễn lại trích đoạn tuồng.
Những ngày chúng tôi ở quận Cam, báo chí Việt Nam nóng lên sự kiện nghệ sĩ Trấn Thành “bôi bẩn” tác phẩm “Tô Ánh Nguyệt”. Hầu hết nghệ sĩ hải ngoại cũng phẫn nộ. “Chúng tôi nghĩ mình phải làm điều gì đó để nhắc nhở khán giả rằng cải lương là viên ngọc quý. Chúng tôi bắt đầu tái dựng các tác phẩm cải lương kinh điển như “Tô Ánh Nguyệt”, mỗi tuần một cảnh” - NSƯT Ngọc Đáng cho biết.
Chúng tôi ngồi xem các nghệ sĩ diễn trích đoạn “Tô Ánh Nguyệt” trong phòng quay hình, nghe tiếng đờn guitar phím lõm của nhạc sĩ Hoàng Phúc reo lên, cảm giác như đang ở trong ngôi nhà ấm cúng của cải lương. Vai bà mẹ của NSƯT Ngọc Đáng và cô Nguyệt của nghệ sĩ Cẩm Thu như rót cảm xúc vào hồn khán giả. Những nghệ sĩ sống xa quê, trong đó có Ngọc Đáng, muốn thông qua những tác phẩm cải lương kinh điển để truyền bá, nhắc nhở khán giả trẻ, nhất là những người sinh ra và lớn lên tại Mỹ, hiểu hơn về văn hóa nghệ thuật dân tộc, trong đó có cải lương.
Với vai trò MC, NSƯT Ngọc Đáng giới thiệu rành mạch về nghệ thuật cải lương tuồng cổ, nơi đã chắp cánh cho bà bay cao, bay xa với những vai diễn để đời trong suốt 45 năm theo nghề. Cũng ở vai trò mới này, bà tiếp tục làm công việc truyền nghề cho những bạn trẻ muốn nâng niu di sản văn hóa của ông cha.
Sống lương yhiện bằng nghề
Khi theo chồng sang Mỹ định cư, NSƯT Ngọc Đáng nguyện trong lòng dù làm bất cứ nghề nào để mưu sinh cũng phải theo nghệ thuật. “Buông nghề diễn viên ra, tôi như con cá mắc cạn” - bà tâm sự.
Nhờ NSƯT Ngọc Đáng mà dàn bao trong một vở diễn - từ vai lão, vai con nít đến những nhân vật chỉ xuất hiện thoáng qua trên sân khấu - đã đầy đặn hơn. “Ngọc Đáng là cô đào rộng đường xài, duyên lắm!” - danh hài Văn Chung nhận xét. Còn với NSƯT Ngọc Đáng, được sống một cách lương thiện bằng nghề là nhận được lộc Tổ, từ đó ứng xử với nghề tử tế hơn.
“Hồi mới qua Mỹ, tôi làm đủ nghề: trông cửa tiệm, trực điện thoại hẹn khách cho một hiệu làm đẹp, nhận đóng vai quần chúng cho nhiều đạo diễn..., hễ ai kêu gì thì làm nấy, vài ba chục USD một buổi là quý lắm” - NSƯT Ngọc Đáng nhớ lại. Bà cho biết trên đất Mỹ, nghệ sĩ ngồi trông từng suất hát và cải lương vẫn còn được “công chúng thương”. Cải lương tuồng cổ hát về nhân vật lịch sử dân tộc càng được khán giả “cưng” hơn.
“Có lần, khi vãn hát, một bạn trẻ nói tiếng Việt không rành chạy vào hậu trường tặng hoa cho tôi. Cậu ta bày tỏ cảm xúc khi xem các vai nữ tướng của tôi như: Bùi Thị Xuân, Triệu Thị Trinh, Trưng Trắc... khiến tôi suýt khóc khi thấy nghề của mình vẫn còn được khán giả trẻ yêu quý” - bà thổ lộ.
Dù sống tại Mỹ trong một ngôi nhà thuê nhưng NSƯT Ngọc Đáng vẫn hài lòng với những gì đang có. “Nhờ nghề hát mà tôi sống được ở Mỹ. Khi có chút tiền dành dụm, tôi gom góp làm việc thiện, gửi về Việt Nam giúp những nghệ sĩ đồng nghiệp đang gặp nguy khó. Trong buổi sinh nhật 65 tuổi của mình, tôi đã huy động nhiều nghệ sĩ hải ngoại cùng hỗ trợ gửi về cho chương trình “Trái tim yêu thương”, tiếp tục giúp đỡ những đồng nghiệp một thời tung hoành trên sân khấu cùng mình” - bà cho biết.
Nhiệt tâm truyền nghề
Nhiều nghệ sĩ như Thanh Thanh Tâm, Cẩm Thu, Linh Tâm, Vũ Luân, Tuấn Châu, Ngọc Huyền, Hương Huyền, Văn Chung, Phương Hồng Chi, Ngân Linh, Linh Châu… đều khen ngợi NSƯT Ngọc Đáng. Theo họ, cách NSƯT Ngọc Đáng truyền nghề cho các diễn viên trẻ đã nói lên tấm lòng của bà dành cho sân khấu nước nhà. “Hồi đó, mình được học từ bác Năm Châu, cô Kim Cúc, Phùng Há, cậu Minh Tơ, Thành Tôn… thì nay truyền lại cho em, cháu” - bà giải thích.
Diễn cải lương ở Mỹ, mọi thứ đều thiếu nhưng NSƯT Ngọc Đáng đã tích cóp để sắm sửa đầy đủ - từ đạo cụ đến trang phục, mũ mão, cân đai… Từ sàn diễn chương trình “Cổ nhạc phương Nam”, bà đã góp phần nhân rộng niềm đam mê nghệ thuật dân tộc trong cộng đồng người Việt tại Mỹ. Một số bạn trẻ đã vượt nhiều tiểu bang tìm đến quận Cam để được thọ giáo NSƯT Ngọc Đáng. Từ đó, bà có nhiều “đệ tử”, nay đã diễn được cải lương tuồng cổ như: Mai Thế Hiệp, Hồng Loan, Hoàng Hiệp (quận Cam), Tony Bé (Dallas), Lê Tín, Quang Thành (Los Angeles), Nguyên Bình (Houston), Đoan Thy (Washington DC)…
“Tôi học ở cô Ngọc Đáng những điệu bộ tuồng cổ điêu luyện. Trên đất Mỹ hiếm ai có được vốn nghề quý như cô, lại nhiệt tâm truyền dạy, không câu nệ” - nghệ sĩ Hồng Loan chia sẻ.
Từ chương trình “Cổ nhạc phương Nam”, NSƯT Ngọc Đáng tiếp tục gầy dựng thêm nhiều buổi truyền nghề cho các bạn trẻ. “Mong sao các em sẽ cùng chúng tôi giữ vẹn tình yêu với nghệ thuật dân tộc mình” - bà tâm nguyện.
Bình luận (0)