Nhạc sĩ Phú Quang xác nhận ông còn nhớ rõ buổi sáng mà nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan ngồi ở quán cà phê Catinat trên đường Đồng Khởi (quận 1, TP HCM) của ông.
“Tôi coi Thường Đoan như cô em gái, cô ấy rất hay ghé quán tôi ngồi chơi. Sáng ngày 27- 6 - 2000, Thường Đoan ngồi một mình. Khoảng hơn 10 giờ, tôi ra quán. Do đêm nào cũng thức khuya nên hôm sau thường là tầm giờ đó tôi mới ra quán. Thường Đoan cho xem bài thơ mới, cảm xúc rất tốt, lại viết ngay tại quán mình nên tôi cũng thích, phổ nhạc ngay. Tôi đổi tên bài thơ Buổi sáng của Thường Đoan thành “Catinat cà phê sáng”.
Nhạc sĩ Phú Quang cho biết ông đã từng phổ nhạc một bài thơ của Phan Huyền Thư, tên là Buổi sáng nhưng nội dung hoàn toàn khác của Thường Đoan. Ông không bình luận gì về việc tranh chấp bản quyền giữa hai tác giả, bởi vì thơ của ai thì người đó tự biết, ông bảo “thấy phù hợp với tâm trạng và nhạc cảm của mình thì tôi phổ thôi”.
Ca khúc Catinat café sáng của nhạc sĩ Phú Quang được tuyển chọn vào CD Phú Quang album 5 “Về lại phố xưa”, phát hành năm 2001. Trong album, phần ca khúc Catinat café sáng ghi rõ: Thơ Phan Ngọc Thường Đoan, nhạc Phú Quang. Đến năm 2003, bài thơ Buổi sáng này được in trong tập Đếm cát của Phan Ngọc Thường Đoan (NXB Văn học ấn hành).
Sau khi bài Buổi sáng công bố lần đầu vào năm 2000, được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc tại thời điểm đó, tận 14 năm sau, đến năm 2014, bài thơ Bạch lộ (Độc ẩm với Lã Bất Vy) của Phan Huyền Thư mới in trong tập thơ Sẹo độc lập (NXB Lao động ấn hành), tập thơ đoạt giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội 2015.
Hiện tại, dư luận đang phát hiện ra nhiều điểm giống nhau “như anh chị em sinh đôi” giữa hai bài thơ nhưng Phan Huyền Thư bình luận trên các diễn đàn, cho rằng chỉ in sau chứ không viết sau Phan Ngọc Thường Đoan.
Ông Phạm Xuân Nguyên – Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, đồng thời là chủ tịch Hội đồng xét giải - cho biết Hội Nhà văn Hà Nội đang yêu cầu Phan Huyền Thư làm giải trình về sự việc sẽ sớm thông tin chính thức tới độc giả.
Bình luận (0)