“Thời chúng tôi còn là những sinh viên mới chân ướt chân ráo bước vào ngưỡng cửa trường nghệ thuật sân khấu 2 thì tên của thầy - đạo diễn Đoàn Bá - đã là lớn lắm ! Thầy là một trong những tên tuổi lớn của đội ngũ những đạo diễn sân khấu lừng danh phía Nam làm mưa làm gió với nhiều vở ca kịch cải lương và thoại kịch thời bấy giờ tại sân khấu thành phố này như thầy cô Huỳnh Nga , Thành Trí , Ca Lê Hồng , Bạch Lan , Chi Lăng....
Nghe đến tên thầy, chúng tôi rét lắm vì trên sàn giảng thầy rất nghiêm, tuy vậy thế hệ sinh viên chúng tôi ai cũng thầm mong mình được là học trò của thầy, không là chính thức thì cũng là trong các buổi nói chuyện ngoại khoá của thầy, nhưng dễ gì được vậy vì lúc đó thầy rất đắt show !.
Phòng học khoá 3 diễn viên của tôi sát bên cạnh phòng diễn viên khoá 2 của thầy làm chủ nhiệm , những lúc trống giờ, tôi thường đứng ngoài hành lang theo dõi và học lóm những bài giảng về kỹ thuật biểu diễn của thầy cho các anh chị lớp trên. Xem thầy dàn dựng và phân tích vai diễn cho các anh chị lớp trên: Đàm Loan, Việt Dũng, Văn Đo, Thi Nam....với các trích đoạn kịch mà thầm ước ao mình cũng được là học trò trong lớp của thầy .
Được xem các vở ca kịch cải lương trên nhà hát cải lương Trần Hữu Trang như NGƯỜI TRONG CÕI NHỚ, HÒN ĐẢO THẦN VỆ NỮ, TÌNH YÊU VÀ LỜI ĐÁP, RẠNG NGỌC CÔN SƠN, NÀNG XÊ ĐA....Những vở cải lương làm xao động giới khán giả TPHCM nói riêng và sân khấu Nam bộ nói chung một thời vàng son thật khó quên, thầy đã trở thành thần tượng trong nghệ thuật dàn dựng cho lớp lớp sinh viên, nghệ sĩ trẻ chúng tôi từ lâu rồi!
Với chúng tôi, thầy Đoàn Bá còn là người đạo diễn duy nhất chạm đến một cách ngoạn mục những tác phẩm bất hủ của nhà viết kịch Nga ARBUDOP trên sân khấu của đoàn kịch Kim Cương và trong môi trường đào tạo. Kịch của ARBUDOP là 1 dòng kịch lãng mạn mang tính nhân văn rất sâu sắc nhưng cực kỳ khó dựng vì trong kịch của ông không hề có nhân vật phản diện, không có tuyến hành động xung đột ngược chiều nên nếu dựng kịch của ARBUDOP thành công phải là người am hiểu đến tường tận những giá trị nhân văn, những triết trí thâm sâu của dòng kịch này, của người tác giả này thì mới có thể tìm ra được chiếc chìa khoá vàng để mở cánh cửa cho những vở diễn này thăng hoa. Đạo diễn Đoàn Bá đã làm được điều này thật xuất sắc, cho đến nay có thể nói chưa có ai dàn dựng kịch của ARBUDOP hay bằng và thành công bằng thầy Bá, cứ như chỉ có thầy Bá mới là người hiểu được con người tác giả của nước Nga nầy đến thấu đáo .
Thầy Bá đã lý giải ARBUDOP cho chúng tôi nghe bằng quan điểm mỹ học trên cơ sở triết học phương Đông và bằng chính vốn sống trải nghiệm của cuộc đời mình: NHÂN CHI SƠ TÍNH BỔN THIỆN, con người vốn sinh ra không ai ác và không ai muốn làm điều ác, chỉ có môi trường cùng hoàn cảnh khách quan đã đưa đẩy con người trở nên tha hoá mà thôi, điều còn lại là phải biết vượt qua chính bản thân mình mà hoàn thiện nhân cách!
Được may mắn cộng sự cùng thầy qua từng tác phẩm, từng vai diễn, học trò chúng tôi luôn lĩnh hội được từ thầy Bá nền tảng triết lý ấy, phẩm cách ấy để không phải chỉ thành công hơn trong sự nghiệp cầm ca mà từ đó cũng thành nhân trong hành trình của kiếp người!
Thầy Bá hiền khô chứ không dữ dằn nghiêm trang như thần thái bên ngoài của thầy, thầy yêu học trò hơn chính con cái mình và yêu nghề dạy còn hơn yêu chính bản thân đến nỗi các con dù đã định cư xa xứ và luôn muốn ba đoàn tụ cùng gia đình bên ấy nhưng thầy vẫn chọn ở lại để được đám học trò quây quần vây quanh, để được rút ruột rút gan ra mà cho, mà truyền lại cho bọn trẻ cái nghề xem ra đã không chịu buông bỏ mình!
" Thầy đã trót YÊU mất rồi em ơi, không thể bỏ được! "
Đó là câu nói mà tôi đã được nghe thầy thốt ra trong sự ngắt nghẹn xúc động nơi cổ họng và trong đôi mắt long lanh ngấn nước trước mặt tôi !
Riêng tôi và thầy đã có được 2 lần hẹn hò cà phê cùng nhau như 2 người bạn chỉ là để nói cho nhau nghe, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm buồn vui trong đời sống, những dự án nghệ thuật được ấp ủ và nuôi dưỡng lâu nay, không còn ranh giới thầy trò, chúng tôi như những kẻ say nghề đến mê muội, sẵn sàng điên, sẵn sàng chết vì cái thứ ánh hào quang chớp tắt trên sân khấu chỉ để được vài tiếng đồng hồ mình không phải là mình, mà là cái gì đó to lớn hơn thế, vĩ đại hơn thế, chỉ là vì cái TÌNH YÊU TRÓT LỠ KHÔNG THỂ BỎ ĐƯỢC ấy !
...
Chúng tôi tri ân cái tình yêu trót lỡ của thầy, nhờ tình yêu đó mà ngày nay dù có là học trò chính thức hay chỉ là kẻ đứng ngoài cửa sổ học lóm, là diễn viên đã từng có may mắn được thầy dàn tập cho vở này vở kia mà diễn.....tất cả chúng tôi ai nấy đều hãnh diện mà khoe rằng MÌNH ĐÃ TỪNG ĐƯỢC LÀ HỌC TRÒ CỦA THẦY : GIÁO SƯ, ĐẠO DIỄN ĐOÀN BÁ!”
Bình luận (0)